Cơm nhà tạo được sự gắn kết giữa các thành viên, khi cả bố mẹ và các con quây quần, chia sẻ về một ngày của mình với rất nhiều những sự kiện, những khoảnh khắc và vô tình bữa ăn giống như một trang nhật kí cứ trọn vẹn từng ngày) giữa các thành viên, khi mọi người cùng ngồi xuống ăn uống và chia sẻ về ngày của mình.
Qua đó, trẻ học được cách giao tiếp, biểu đạt cảm xúc và nghe lắng người khác. Nó cũng giúp trẻ hình thành thói quen ăn uống lành mạnh và cảm nhận được tình yêu thương trong gia đình. Điều này có thể ảnh hưởng lớn đến sự tự tin và hạnh phúc của trẻ khi lớn lên.
Đó cũng là những điều mà chị Kim Quy (sống tại Hà Nội) muốn gửi gắm. Mỗi ngày vào bếp cùng con, nghe những tiếng cười đùa trò chuyện, cảm nhận hạnh phúc của một bữa cơm đầy đủ thành viên là điều mà chị luôn trân trọng. Không tivi, iPad, cả gia đình cùng quây quần bên nhau, thưởng thức những món ăn và chia sẻ về mọi điều trong cuộc sống. Thế nên dù có vất vả hơn một chút, mệt hơn chút nhưng chị Quy luôn cố gắng cho các con bữa ăn ngon nhất.
Cơm nhà có bố mẹ, con cái
“Điều gì xảy ra ở không gian bếp của gia đình đông con?
Bếp là nơi gắn kết nhiều nhất. Những ngày tháng cùng con yêu bếp, loanh quanh ở không gian bếp, lớn lên từ bếp thật sự có ý nghĩa sâu sắc hơn cả!
Từ khi làm về sức khoẻ, mình biết được tầm quan trọng vô cùng của bữa cơm nhà, của chính những món mẹ nấu, tuy không phải sơn hào hải vị gì nhưng đầy đủ chất, tuy vụng về về cách chế biến nhưng đầy tiếng cười nói rộn ràng.
Đi học về là chạy đuổi nhau, xem tivi, chơi cờ vua… đủ trò nữa loanh quanh bếp và phòng khách. Hôm nào đói thì cứ quẩn chân mẹ giục giã.
Giờ cơm thì nói chuyện rôm rả, chơi nối từ, bàn luận đủ thứ trên đời, và mẹ biết, trong lúc ăn cả nhà cần vui vẻ thì tiêu hoá mới tốt, chứ vừa ăn vừa khóc vừa nghe la hét, bố mẹ cãi nhau… như những lần trước đây thì quá là sai lầm.
Rồi các con học được những thói quen tốt của mẹ rất nhanh, tự dạy nhau là ăn nhiều rau vào, ăn rau trước, biết là không vừa ăn vừa uống nước, ăn gạo lứt thì tốt hơn, hiểu luôn bim bim nước ngọt, bánh kẹo ăn vặt là thức ăn của hại khuẩn, bạn cho thì từ chối vì sợ tăng insulin (mặc dù không hiểu insulin là gì đâu các bác ạ).
Trang bị cho con một lối sống lành mạnh từ không gian bếp, thật sự giá trị và hạnh phúc lắm cả nhà ạ!
Vậy nên, bếp là nơi không chỉ đơn giản loảng xoảng nồi niêu xoong chảo, lách cách bát đũa, mà nơi dành nhiều thời gian nhất, rộn rã những kỉ niệm, những bài học, những yêu thương gia đình theo con lớn lên”, chị Kim Quy tâm sự.
Các con chờ đợi, chơi với nhau hoặc giúp mẹ cho bữa cơm tối
Quả thực, những chia sẻ của chị Quy khiến nhiều chị em phải suy ngẫm. Ngày nay vì bận rộn mà nhiều mẹ không có thời gian nấu cơm cho con, các bố có việc cơ quan, đồng nghiệp… mà hay vắng trong bữa cơm nhà. Lâu dần con không còn nhớ những bữa cơm quây quần bên nhau, dù mệt nhưng nhiều niềm vui ấy. Các bố mẹ dù bận rộn cũng hãy dành thời gian để đoàn tụ vào những bữa cơm tối nhé. Về nhà, bão dừng sau cánh cửa, bếp là không gian ấm cúng giữ lửa quan trọng của mỗi một gia đình hạnh phúc.
Đó không chỉ là dịp để cả gia đình cùng nhau thưởng thức những món ăn ngon, mà còn là khoảnh khắc quý báu để chia sẻ, để lắng nghe và hiểu hơn về nhau. Mỗi giây phút bên nhau đều là dấu ấn đặc biệt, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần vững chắc cho trẻ, để mai sau, dù cuộc sống có nhiều thăng trầm, những kỷ niệm đẹp về gia đình luôn là hành trang quý giá mà con cái mang theo bên mình.
Dù không phải là những món ăn cầu kì hay cần nguyên liệu đắt đỏ, nhưng hương vị của cơm mẹ, chính là hương vị của tình yêu thương và sự chăm sóc không ngừng. Mỗi hạt cơm, mỗi món ăn mẹ làm, đều chứa đựng bao nhiêu tâm huyết và hi vọng mẹ dành cho con. Đó là điều khiến mâm cơm gia đình trở nên khó quên và quý giá và theo con trên suốt hành trình để trưởng thành.