Cũng muốn chi tiêu thoải mái cho nhu cầu cá nhân và gia đình, thế nhưng không phải ai cũng dễ dàng có mức lương dư dả hay công việc thuận lợi để chạy theo tốc độ gia tăng của chi phí tiêu dùng. Lúc này, họ cần xài tiền thông minh và học cách tiết kiệm tối đa. Nói thì dễ, nhưng không phải ai cũng thấy thoải mái với cuộc sống “thắt lưng buộc bụng”.
Nếu bạn còn đang chưa biết tiết kiệm thế nào, hãy thử tham khảo cách làm của bà mẹ 2 con dưới đây. Sau khi chia sẻ tâm sự trong 1 hội nhóm cộng đồng, bà mẹ được nhiều người nể phục với cách chi tiêu thông minh. Cụ thể hơn, dù đang chăm 2 con với tổng thu nhập 8 triệu đồng, nhưng tháng nào cô cũng có tiền tiết kiệm. Bí quyết là gì?
Làm sao để 8 triệu đồng gồng gánh được chi phí sinh hoạt của gia đình?
1. Thu nhập cao hay thấp đều phải có quỹ tiết kiệm
Theo bà mẹ, cô đã ly hôn với chồng 8 tháng trước và nuôi 2 con nhỏ (1 bé 5 tuổi và 1 bé 1,5 tuổi). Hiện, cô đang thuê nhà gần một khu công nghiệp ở huyện. Cô làm nghề bán đồ ăn sáng và bán cá buổi chiều cho công nhân, tổng thu nhập hàng tháng là 8 triệu đồng.
Dù có mức thu nhập không cao, song điều này không làm ảnh hưởng đến việc cô có quỹ tiết kiệm. Hàng tháng, việc đầu tiên cô làm là để riêng 1 triệu đồng. Còn lại bao nhiêu tiền, cô mới phân bổ vào các khoản chi tiêu khác.
Ảnh minh hoạ
2. Tiết kiệm trong mọi chi tiêu
Với 7 triệu đồng còn lại từ thu nhập tháng, cô dùng tiền của mình như sau:
– Tiền nhà: 2 triệu đồng.
– Tiền điện nước + điện thoại: 300 ngàn đồng.
– Tiền xăng: 500 ngàn đồng.
– Tiền ăn uống của 3 mẹ con (tiền mua thực phẩm, 10kg gạo, đồ ăn vặt cho con): 2 – 2,5 triệu đồng.
Bà mẹ chia sẻ thêm, sở dĩ tiền ăn uống của 3 mẹ con khá thấp là vì chi phí ở quê còn rẻ, ví dụ như 1 ổ bánh mì giá 10 ngàn đồng, 1 bịch bánh canh giá 10 ngàn đồng, 1 gói xôi đậu giá 5 ngàn đồng, 1 gói xôi bắp giá 10 ngàn đồng,…
– Tiền học của con 5 tuổi: 1 triệu đồng, gồm 800 ngàn đồng học phí và 200 ngàn đồng chi phí phát sinh.
– Tiền sữa của 2 con: 350 ngàn đồng.
– Tiền bổ sung sắt cho mẹ: 30 ngàn đồng (cô uống 3 vỉ thuốc, 10 ngàn đồng/1 vỉ. Cô cần uống thuốc bổ sung sắt vì bé 1,5 tuổi vẫn còn bú sữa mẹ).
– Chi phí phát sinh trong tháng: Số tiền còn lại.
Với riêng khoản tiền cho thuốc thang, hiện hai bé chỉ bị bệnh vặt như cảm, ho,… chưa cần đi bệnh viện nên chi phí cho khoản này còn ít. Bên cạnh đó, cô thường tranh thủ các đợt khám bệnh từ thiện ở khu công nghiệp để tiết kiệm tiền.
3. Làm việc chăm chỉ để đa dạng thu nhập
Một ngày làm việc bán hàng của cô thường bắt đầu từ 3h30 sáng dậy chuẩn bị đồ ăn bán ở khu công nghiệp, sau đó chiều lại bán cá tới 6h tối cho đến khi hết khách. Ngoài bán hàng ăn uống, cô còn nuôi gà và heo, trồng rau để gia tăng thu nhập. “Tự cung tự cấp” khi ở nhà không chỉ giúp 3 mẹ con tiết kiệm chi phí ăn uống, mà còn dư thực phẩm để bán hàng kiếm thêm tiền.
Ảnh minh hoạ
4. Tích cực với mọi tình hình tài chính
Người mẹ cho biết, dù hiện đang nuôi 2 con với mức thu nhập chỉ 8 triệu đồng/tháng nhưng cô không thể dựa dẫm nhiều vào ai.
Tuy nhiên, cô vẫn thể hiện sự tích cực khi nói về tình hình tài chính tương lai: “ “Hôm nay mình tròn 1 tháng mua được con heo nên vui quá, không ngủ được nên chia sẻ cho bạn nào đã ly hôn và ôm con ra đi như mình thì vững tin lên nhé. Cố gắng từng chút một. Giàu thì không giàu đâu. Nhưng mình thấy mẹ con mình ổn hơn hồi còn trong hôn nhân”.