Cấp bách đón dòng vốn tỷ USD
Trong chuyến thăm Hàn Quốc đầu tháng 7, Thủ tướng Phạm Minh Chính có đề nghị nước bạn thúc đẩy khoản vay trị giá 2 tỷ USD và điều kiện vay không ràng buộc đối với các khoản vay Quỹ Hợp tác phát triển kinh tế để phát triển hạ tầng chiến lược, như xây đường sắt cao tốc.
Hay vào cuối tháng 6, tại hội nghị của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thắng cho biết nhu cầu vốn cho phát triển giao thông của Việt Nam từ nay đến năm 2045 rất lớn.
Mạng lưới đường sắt quốc gia và đường sắt đô thị của Hà Nội và TP HCM được quy hoạch theo tổng nhu cầu vốn xấp xỉ 4,8 triệu tỷ đồng (khoảng 188 tỷ USD), trong đó nguồn vốn xã hội hóa của doanh nghiệp xấp xỉ 1 triệu tỷ đồng.
Hệ thống bao gồm nâng cấp cải tạo 7 tuyến đường sắt hiện có với tổng chiều dài 2.440 km; xây dựng 9 tuyến đường sắt mới với dài hơn 2.600 km, trong đó có đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam dài 1.545 km, tuyến đường sắt TP HCM – Cần Thơ dài trên 175 km…
Cũng tại WEF 2024, Thủ tướng Phạm Minh Chính cho hay việc xây dựng và phát triển đường sắt là vấn đề cấp bách hiện nay. Việt Nam có trên 2.000 km đường sắt, với hơn 300 nhà ga nhưng những năm qua khai thác chưa hiệu quả.
Người đứng đầu Chính phủ nói Việt Nam đã nhìn nhận khác và sẽ ưu tiên đầu tư đường sắt thời gian tới, do có thể thay thế nhiều loại hình vận tải khác với giá thành rẻ. Ông đề nghị doanh nghiệp Trung Quốc giúp xây dựng ngành công nghiệp đường sắt, chuyển giao công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực.
Cuối năm 2023, Việt Nam và Trung Quốc nhất trí kết nối đường sắt khổ tiêu chuẩn qua biên giới với tuyến Lào Cai – Hà Nội – Hải Phòng; Đồng Đăng – Hà Nội; Móng Cái – Hạ Long – Hải Phòng. Việt Nam còn dự kiến tiếp tục phát triển các tuyến đường sắt đô thị tại Hà Nội, TP HCM.
Thủ tướng đề nghị Công ty TNHH Đầu máy và toa xe lửa Đại Liên (CRRC) nghiên cứu hợp tác với Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) và các doanh nghiệp khác về sản xuất, chuyển giao công nghệ chế tạo đầu máy, toa xe, đào tạo nhân lực, hỗ trợ về nguồn vốn và tham gia các dự án tại Việt Nam.
Việt Nam cũng khuyến khích các doanh nghiệp trong nước tham gia chuỗi sản xuất công nghiệp đường sắt, đặc biệt là ngành cơ khí phụ trợ như lĩnh vực cơ khí (luyện kim, sản xuất ray), công nghệ thông tin…
Doanh nghiệp đang lột xác
Ngành đường sắt Việt Nam đang chứng kiến những thay đổi theo hướng tích cực, cả về hình ảnh mới năng động hơn và kết quả kinh doanh tiến triển tốt hơn, tạo tiền đề quan trọng để hướng đến việc đón dòng vốn hàng trăm tỷ USD để đầu tư mạng lưới đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị trong dài hạn.
Những chuyển biến thực tế đã được ghi nhận trong kết quả kinh doanh của khối doanh nghiệp. Tổng công ty Đường sắt Việt Nam trong năm 2023 ghi nhận doanh thu hơn 8.800 tỷ và có lợi nhuận trước thuế hơn 100 tỷ đồng.
Đây là bước tiến quan trọng khi VNR đã trải qua 3 năm lợi nhuận âm liên tiếp. Năm 2020 lỗ trước thuế gần 1.200 tỷ đồng, năm 2021 lỗ 518 tỷ và lỗ tiếp hơn 90 tỷ đồng trong năm 2022.
VNR đặt mục tiêu đến năm 2025, tổng doanh thu hợp nhất đạt 39.544 tỷ đồng (riêng doanh thu công ty mẹ 26.190 tỷ), tốc độ tăng trưởng bình quân năm giai đoạn 2024 – 2025 phấn đấu đạt 4,7%/năm; lợi nhuận trước thuế giai đoạn 2023 – 2025 là 327 tỷ đồng (giai đoạn 2021 – 2022 lỗ 1.194 tỷ đồng).
Tổng công ty Đường sắt Việt Nam gồm 25 công ty con, 17 công ty liên doanh, liên kết với tổng số lao động là 22.041 người. VNR đang được Nhà nước giao quản lý hệ thống kết cấu hạ tầng tổng chiều dài 3.143 km, gồm 15 tuyến đường sắt đi qua 34 tỉnh, thành phố.
Đầu tháng 5, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam chính thức chạy chuyến tàu hàng liên vận quốc tế đầu tiên xuất phát từ ga Cao Xá (Hải Dương), nằm trên tuyến đường sắt Hà Nội – Hải Phòng, gần các khu công nghiệp lớn của Hải Dương.
Việc tổ chức hoạt động vận tải liên vận quốc tế cung cấp thêm giải pháp cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh đi Trung Quốc, châu Âu, Trung Á,… rút ngắn thời gian bằng 2/3 so với đường biển truyền thống.
Về chất lượng dịch vụ, tại thời điểm trước kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, ngành đường sắt đã ra mắt đoàn tàu chất lượng cao SE21/22 (TP HCM – Đà Nẵng) tiếp sau thành công của tàu chất lượng cao Hà Nội – Đà Nẵng (SE19/20). Với các thay đổi bản lề, ngành đường sắt kỳ vọng đoàn tàu chất lượng cao sẽ trở thành sản phẩm thu hút khách du lịch.
Hoạt động vận tải còn đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng tiện nghi, bổ sung dịch vụ và sản phẩm chất lượng cao, liên kết với công ty lữ hành. Điều này kỳ vọng giúp thu hút khách hàng sử dụng dịch vụ đường sắt hơn nữa, tạo hình ảnh chuyển biến tích cực trong giai đoạn mới.
Tại hội nghị tổng kết 6 tháng đầu năm mới diễn ra, Chánh văn phòng Tổng Công ty Đường sắt Việt Nam Nguyễn Hữu Thành cho hay doanh thu đạt hơn 4.500 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ. Doanh thu công ty mẹ doanh thu đóng góp gần 3.000 tỷ đồng, tăng trưởng 11,2%.
Sản lượng vận tải hành khách tăng 20,6% so với cùng kỳ. Tính riêng dịp tết Nguyên đán, ngành đường sắt đã bán được hơn 650.000 vé tàu, doanh thu đạt 400 tỷ đồng, bằng 107,5% so với cùng kỳ. Kế hoạch nửa cuối năm là thu về hơn 4.700 tỷ và có lợi nhuận gần 54 tỷ đồng.
Hợp nhất 2 công ty vận tải chủ lực
Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái ký Quyết định số 562/QĐ-TTg ngày 26/6/2024 phê duyệt Đề án cơ cấu lại Tổng công ty Đường sắt Việt Nam giai đoạn đến hết năm 2025.
Công ty mẹ VNR sẽ duy trì là Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên do Nhà nước nắm giữ 100% vốn điều lệ; giữ nguyên mô hình tổ chức của Trung tâm Điều hành giao thông vận tải đường sắt, 12 chi nhánh Khai thác đường sắt, 3 xí nghiệp đầu máy và 3 đơn vị sự nghiệp trực thuộc.
Đáng chú ý là phương án sáp nhập 2 công ty thành viên Vận tải Đường sắt Hà Nội (Mã: HRT) và Vận tải Đường sắt Sài Gòn (Mã: SRT) thành Công ty cổ phần Vận tải Đường sắt (VRT) với vốn điều lệ hơn 1.300 tỷ đồng, hoàn thành trước cuối năm 2024.
Hoạt động kinh doanh của 2 đơn vị chủ lực này cũng tiến triển khả quan sau giai đoạn thua lỗ nặng. HRT trở lại mức đỉnh lợi nhuận 14 tỷ đồng trong năm 2023 và SRT cũng đạt lợi nhuận cao nhất 4 năm với hơn 10 tỷ đồng.
Cổ phiếu HRT và SRT cũng được chú ý với nhiều phiên tăng trần và có thanh khoản tốt trở lại. Hai mã chứng khoán này đều đã vượt mệnh giá sau nhiều năm vắng giao dịch lình xình, thị giá đang cao hơn 60-70% so với đầu năm.