Khảo sát trên thị trường đầu tháng 7, nhiều nhà băng đã niêm yết mức lãi suất cao trên 7%/năm. Tuy nhiên, để hưởng mức lãi suất này, khách hàng phải đáp ứng đủ điều kiện nhất định về số tiền gửi và kỳ hạn dài.
Đơn cử như ngân hàng Wooribank tiếp tục giữ gói tiết kiệm tích lũy với lãi suất cao nhất là 7,5%/năm, áp dụng kỳ hạn tiền gửi 3 năm. Lãi suất tại kỳ hạn 24 tháng đến dưới 36 tháng cao nhất tại Wooribak là 7%/năm. Lãi suất kỳ hạn 12 tháng đến dưới 24 tháng, mức lãi suất tiết kiệm niêm yết ở mức 6,5%/năm. Điều kiện chung áp dụng là số tiền gửi không quá 100 triệu đồng/tháng.
Trong khi đó, tại nhiều ngân hàng khác, khách hàng muốn hưởng lãi suất tiết kiệm cao phải đáp ứng điều kiện về số tiền gửi tiết kiệm lên tới hàng trăm hoặc nghìn tỷ đồng.
Cụ thể, Dong A Bank áp dụng mức lãi suất 7,5%/năm cho khoản tiền gửi từ 200 tỷ đồng, kỳ hạn 13 tháng.
MSB hiện niêm yết lãi suất 7%/năm với điều kiện khoản tiền gửi ở kỳ hạn 13 tháng và số tiền gửi từ 500 tỷ đồng.
HDBank cũng niêm yết mức lãi suất 7,7%/năm và 8,1%/năm cho kỳ hạn tiền gửi 12 và 13 tháng với số tiền gửi từ 500 tỷ đồng và lĩnh lãi cuối kỳ.
Trong khi đó, PVComBank trả lãi lên tới 9,5%/năm nhưng điều kiện đặt ra, đó là khách hàng gửi tiền kỳ hạn 12-13 tháng, số tiền gửi tối thiểu 2.000 tỷ đồng.
ABBank hiện đang áp dụng mức lãi suất tiền gửi đặc biệt cao nhất là 9,65%/năm. Mức lãi áp dụng đối với các trường hợp gửi tiết kiệm từ 1.500 tỷ đồng trở lên và kỳ hạn 13 tháng, hình thức lĩnh lãi cuối kỳ.
Đối với khoản tiền gửi tiết kiệm thông thường, hiện, mức lãi suất cao nhất ghi nhận là 6,1%/năm áp dụng cho kỳ hạn 18 tháng. 3 ngân hàng cùng trả mức lãi này là NCB, HDBank và OceanBank.
Ở kỳ hạn 12 tháng, ABBank dẫn đầu sau tăng lãi suất, niêm yết mức lãi 6,0%/năm cho kỳ hạn này.
Đối với kỳ hạn 9 tháng, ABBank đang trả mức lãi suất cao nhất trên thị trường là 5,8%/năm. Và ở kỳ hạn 6 tháng, ABBank niêm yết mức lãi suất 5,6%/năm.