Vài tháng nay, vợ chồng anh Nguyễn Quang Minh (Hưng Yên) vất vả đi tìm mua nhà đất ở Hà Nội. Với số tiền 4 tỷ đồng, vợ chồng anh Minh chỉ xác định mua ở những khu vực giá đất còn rẻ như quận Hoàng Mai, huyện Thanh Trì. Nhưng dù đã xem hàng chục căn, vợ chồng anh Minh vẫn không chốt được căn nào.
Lý do không phải do vợ chồng anh khó tính mà cứ ưng căn nào và đến khâu trả giá chốt thì anh lại được môi giới báo đã có người đặt cọc.
” Có căn nhà 30m2, 5 tầng, ngõ rộng khoảng 2,5 mét, chủ rao 4,1 tỷ đồng, vợ chồng tôi đã trả giá đến 3,8 tỷ đồng chưa chốt được, thì hôm sau đã thấy môi giới báo đã có khách cọc và giá chốt chỉ chênh hơn vợ chồng tôi 50 triệu đồng. Môi giới nói nếu tôi vẫn ưng căn này thì phải mua lại với giá 4 tỷ đồng “, anh Minh kể.
Theo anh Minh, vợ chồng anh đã mua hụt 2 căn với hình thức tương tự như vậy. Các tình tiết trong quá trình đàm phán đều giống nhau: Sau khi xem nhà, khách ưng ý và trả giá, đến đoạn “chung kết” chỉ còn chênh lệch giữa hai bên mua bán khoảng 100 triệu đồng hoặc đã ở bước thỏa thuận bên nào chịu chi phí thì bỗng dưng chủ nhà “quay xe”.
Anh Minh đặt nghi vấn, môi giới và chủ nhà đang dùng vợ chồng anh để đẩy giá căn nhà lên.
” Tôi cho rằng chủ nhà chưa thực sự muốn bán nên thấy khách trả gần đến giá rao bán lại tăng lên để nếu khách mua thì chấp nhận trả thêm tiền. Mục đích thực sự của họ là để nhiều khách đến xem, thương lượng, trả giá nhằm tạo cảm giác nhiều người quan tâm, nhằm đẩy giá căn nhà “, anh Minh nói.
Chị Lê Thị Mỹ Linh (Hoài Đức, Hà Nội) cũng kể, đầu tháng 4 năm nay, chị đã thỏa thuận chốt xong 1 căn nhà ở Hoài Đức với giá 5,3 tỷ đồng. Nhưng khi gặp chủ nhà đặt cọc, chủ nhà bất ngờ yêu cầu chị phải thanh toán và sang tên trong vòng 1 tuần. Nếu không đồng ý thì không chấp nhận bán nữa.
” Số tiến 5,3 tỷ đồng khá lớn, môi giới cũng biết rõ vợ chồng tôi mua phải vay ngân hàng, nên khi chủ nhà nói vậy, chúng tôi cũng đành phải bỏ qua. Tôi cho rằng, chủ nhà muốn đẩy giá, nên cố tình gây khó dễ cho người mua “, chị Linh nói.
Cũng theo chị Linh, nửa tháng sau đó, vợ chồng chị qua căn nhà để định hỏi mua lại, nhưng căn nhà đã được bán. Chủ nhà mới cho biết đã mua với giá 5,4 tỷ đồng.
” Chủ nhà mới còn cho chúng tôi biết là lúc họ trả giá 5,25 tỷ đồng, chủ nhà đã cho xem tin nhắn có khách trả đến 5,3 tỷ đồng rồi, nếu không trả hơn, họ sẽ bán cho khách kia. Vì tìm nhà nhiều tháng mà không được nên vợ chồng chủ mới đành chấp nhận trả 5,4 tỷ đồng cho căn nhà. Rõ ràng họ đã dùng mức giá của vợ chồng tôi để đẩy giá nhà lên “, chị Linh bức xúc.
Chị Nguyễn Thị Tân, một môi giới nhà đất lâu năm tại Hà Nội cho hay, việc dùng khách này để tăng giá bán cho khách khác là chuyện không hiếm khi bán nhà.
Thậm chí, nhiều chủ đầu tư dự án còn lợi dụng việc khan cung trên thị trường để tạo sốt ảo. Theo đó, nhiều dự án dù mới chính thức mở bán vài ngày nhưng trong bảng hàng của chủ đầu tư, số lượng căn đã “có chủ” dày đặc. Cá biệt có những dự án, vừa mở bán đã có đến 80% số căn có chủ.
Thực tế, số lượng căn đã bán chỉ có người trong cuộc mới rõ, còn khách hàng sẽ bị tâm lý “khan hàng” mà nhanh chóng lựa chọn và xuống tiền.
” Việc tạo ra độ “hot” ảo cho dự án khiến khách hàng có cảm giác “không mua ngay sẽ bị lỡ” rồi tăng giá chênh lệch nhiều so với với mức giá khởi điểm để kiếm lời là một chiêu thổi giá phổ biến, không hề mới nhưng vẫn lừa được rất nhiều khách hàng “yếu tim” và không có nhiều kiến thức về thị trường “, chị Tân chia sẻ.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản (VARS) cho hay, dù thị trường bất động sản đã có chuyển biến tích cực nhưng khách hàng vẫn cần hết sức thận trọng với những sản phẩm sốt giá ảo.
Theo ông Đính, việc môi giới tung chiêu hô hào thị trường bất động sản đã “ấm” lên từ trước đến nay không phải hiếm, thường xuyên diễn ra nhằm tạo sóng ảo. Thậm chí, có những nhóm môi giới, chủ nhà và cả chủ đầu tư không ngần ngại bắt tay mua bán, để tạo giao dịch ảo, “tay trái” bán sang “tay phải”.
Người mua nhà, nhà đầu tư vì thế cần tỉnh táo trước để tránh rơi vào tình trạng mất thêm tiền không đáng có.