Xin, đổi hay cho sữa hiện nay rất phổ biến trong cộng đồng của các mẹ bỉm. Hành động này được coi là nhân văn, nhằm giúp những em bé thiếu sữa mẹ được uống loại sữa này trong thời gian dài hơn. Thế nhưng, cũng từ đây mà nhiều câu chuyện dở khóc, dở cười xảy ra khiến người trong cuộc bối rối.
Mới đây, một người mẹ chia sẻ câu chuyện khi cho sữa, đổi sữa của mình. Sau khi đăng bài về việc đổi sữa, mẹ bỉm đã nhận được yêu cầu từ một người mẹ khác với nội dung: “Con bạn được bao nhiêu tháng. Mình chỉ lấy sữa 3-7 tháng và là bé trai. Thôi bạn không đọc bài về sữa mẹ giữa bé trai và bé gái khi mẹ tiết dinh dưỡng khác nhau à”.
Đáp lại, chủ post tỏ ra khá bức xúc: “Đổi sữa thì liên quan gì đến con mình bao nhiêu tháng. Bé trai thường bú được sữa có nhiều protein và chất béo thì đấy là con bú mẹ chứ. Còn mình hút máy hoàn toàn ngay từ sau sinh. Thông tin bạn nói còn chưa được WHO công nhận, mới chỉ đang nghiên cứu.
Bạn tìm hiểu thì cũng phải chọn thông tin đã được công nhận chứ. Thử đặt mình vào người khác đi, các mom khác còn quy ra tiền rồi đổi qua vitamin vài trăm 1 lọ. Đây mình đổi có bịch bỉm mà chưa chi đã hỏi con mình mấy tháng mới đổi. Lại còn phải là con trai. Thế thì mua sữa công thức uống cho lành bạn ạ”.
Câu chuyện khiến mẹ bỉm bức xúc
Dưới phần bình luận, nhiều ý kiến trái chiều đã nổ ra. Một số người cảm thấy người mẹ đổi sữa kia có yêu cầu hơi vô lý, thay vào đó nên tìm hiểu xem người mẹ cho sữa sức khỏe ra sao, hút sữa vào ngày nào… thì tốt hơn.
Còn về phía chủ post, nhiều người khuyên cho, đổi sữa đã là rất tốt rồi vì kích sữa rất vất vả, thế nên không cần phải suy nghĩ quá nhiều về những câu chuyện xung quanh. Tuy nhiên, “thuận mua vừa bán”, chủ post nên có những chia sẻ về sức khỏe của bản thân cũng như những vấn đề xoay quanh việc cho sữa để các mẹ khác nắm được thông tin rõ ràng hơn.
Những vấn đề xoay quanh câu chuyện xin, cho, đổi sữa mẹ
Hiện nay cộng đồng mạng xuất hiện rất nhiều ý kiến trái chiều về việc xin sữa mẹ cho con uống. Đại đa số cho rằng việc này rất nhân văn và thực sự có ích cho những bà mẹ bị mất sữa sớm. Nhưng cũng có ý kiến cho rằng, việc cho con uống sữa của người mẹ khác là không nên vì không thể biết được người mẹ đó có mắc bệnh gì không?
TS Nguyễn Hữu Trung – giảng viên Bộ môn Sản, trường Đại học Y Dược TP.HCM cho biết: Người mẹ cho sữa phải là người có sức khỏe tốt, con của họ đang phát triển khỏe mạnh và dưới 6 tháng tuổi khi họ bắt đầu cho sữa. Do có những bệnh lây truyền qua sữa mẹ, vì vậy người mẹ cho sữa cần thực hiện những xét nghiệm bắt buộc như: HIV 1 và 2, viêm gan B, viêm gan C và giang mai. Các bệnh lây truyền, bệnh viêm vú, cấy ghép mô hoặc cơ quan (bao gồm cả cấy ghép silicone vú).
Người cho sữa không được hút thuốc hoặc dùng bất kỳ một loại thuốc, thảo dược hoặc hoạt chất đặc biệt nào. Nếu bà mẹ hoặc bé bị cảm lạnh sẽ không được cho sữa đến khi sức khỏe phục hồi. Nếu bà mẹ uống rượu thì phải ngừng tối thiểu 12 giờ trước khi cho sữa. Một lượng nhỏ rượu, thuốc men hoặc các loại thảo mộc trong sữa có thể có vấn đề với sức khỏe của bé.
Các mẹ cũng nên để ý đến công đoạn bảo quản sữa mẹ để tránh tình trạng bé uống vào bị tiểu chảy. Khi vắt sữa ra các bình chứa hoặc túi để bảo quản chúng ta cần ghi rõ ngày tháng, thời gian bảo quản để khi sử dụng sữa vắt cũ trước, sữa vắt mới sau. Vắt sữa không nên đầy quá sẽ làm bịch sữa bung ra. Mỗi bình chứa sữa chỉ nên đựng vừa phải đủ cho 1 lần ăn của trẻ để tránh lãng phí.
Thời gian bảo quản có thể là 4 giờ nếu ở nhiệt độ 80 độ F (tương đương 27 độ C), hoặc 10 giờ nếu ở nhiệt độ 70 độ F (tương đương 21 độ C), hoặc 24 giờ nếu ở nhiệt độ 60 độ F (tương đương 16 độ C).
Nếu bảo quản trong tủ lạnh, thời gian cho phép có thể kéo dài hơn: trong 5 ngày ở nhiệt độ 4 độ C (vùng ngoài ngăn đá tủ lạnh) hoặc 2 tuần nếu để trong ngăn đá tủ lạnh.
Sữa mẹ là tốt nhất cho trẻ nhỏ nhưng một số trường hợp mẹ không thể cho con bú thì vẫn cần cho con dùng sữa công thức, việc dùng sữa công thức đúng độ tuổi là an toàn cho trẻ. Ví dụ cho tình huống này như: bà mẹ bị ung thư, bà mẹ bệnh nhiễm trùng, viêm nhiễm nặng hoặc bà mẹ không thể tiết sữa.
Mặc dù sữa mẹ rất tốt, nhưng chúng ta không nên bằng mọi giá phải cho con uống sữa mẹ vì đôi khi điều này gây áp lực lớn tới tinh thần người mẹ. Người mẹ phải có tinh thần thoải mái thì mới làm được nhiều điều tuyệt vời khác cho con. Nếu vì một lý do nào đó mà mẹ không có sữa cho con bú thì sữa công thức cũng là một giải pháp cần lưu tâm.
Hiện một số bệnh viện có xây dựng ngân hàng sữa mẹ nhưng ngân hàng sữa này đều phải đảm bảo đủ tiêu chuẩn. Bà mẹ muốn tặng sữa cho ngân hàng cần được sàng lọc loại bỏ nguy cơ bệnh truyền nhiễm và các vấn đề khác.