Mới đây, trong một cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm tiết kiệm, quản lý tài chính cá nhân, có một cô vợ đã tỷ tê kể về tình cảnh khó khăn của mình. Chuyện sẽ chẳng có gì đáng nói và đáng bàn nếu như tổng tài sản mà cô sở hữu không lên tới gần 10 tỷ đồng, bao gồm nhà, ô tô và vài mảnh đất.
Với tình hình chi tiêu, thu nhập và tài sản như trên, cô vợ này cho rằng tình hình tài chính của gia đình đang ở mức trung bình
Tổng thu nhập của 2 vợ chồng rơi vào khoảng 47-50 triệu/tháng. Tổng chi tiêu chỉ hết 20 triệu/tháng. Chưa kể, họ còn có ô tô, 1 mảnh đất trị giá hơn 5 tỷ và 2 mảnh đất khác với tổng giá trị hơn 2 tỷ. Chưa kể, vợ chồng cô còn đang sinh sống ở quê, nên rõ ràng mức sống, chi phí sống rẻ hơn hẳn các thành phố lớn.
Vậy mà vẫn “đau đầu”, vẫn thấy bản thân “lẹt đẹt” là điều mà phần lớn mọi người không hiểu và đồng cảm được.
Nhiều người tỏ ra bức xúc vì chia sẻ của cô vợ
Thấy được gì từ chia sẻ này?
Hầu hết các comment trong bài chia sẻ của cô vợ này đều cho rằng cô chỉ đang than khổ để khéo khoe độ giàu có của bản thân, hoặc do cô không biết đủ. Tuy nhiên, công tâm mà nói, cô vợ này không đáng bị chỉ trích đến thế bởi mong muốn làm giàu là điều hoàn toàn chính đáng. Tài sản dù có nhiều tới đâu mà không biết tính toán, rồi cũng sẽ hết cả.
Dẫu vậy, cũng không khó để nhận ra những điểm tư duy có phần chưa đúng của cô vợ này, chỉ qua vài dòng tâm sự ngắn ngủi.
1 – Chọn sai “địa điểm” trải lòng, xin lời khuyên
Cần phải nhắc lại rằng chia sẻ của cô vợ này được đăng trong một cộng đồng mà mọi người chỉ tập trung bày cách cho nhau tối ưu chi tiêu, tiết kiệm; chứ không ưu tiên việc lĩnh hội kinh nghiệm kinh doanh, buôn bán.
Đang đau đầu vì muốn đầu tư, kinh doanh và làm giàu, lẽ ra cô nên tìm những cộng đồng chia sẻ kinh nghiệm khởi nghiệp, buôn bán để xin lời khuyên, vậy sẽ phù hợp hơn; hoặc chí ít thì cũng không bị mọi người chỉ trích là “tham lam”, “không biết đủ”.
Ảnh minh họa
Tư duy của nhóm người ưu tiên tiết kiệm, thích vun vén và nhóm người không ngại mạo hiểm, dám chấp nhận rủi ro để làm giàu là hai thái cực hoàn toàn khác nhau. Cô vợ này không sai, những người chỉ trích “cơn đau đầu” của cô cũng có cái lý của riêng họ. Cái sai duy nhất chỉ là “địa điểm” trải lòng, xin lời khuyên mà thôi.
2 – Kinh doanh sẽ giàu nhanh hơn, được “nghỉ ngơi sớm” hơn đi làm thuê?
“Muốn kinh doanh để nâng cao mức sống, để làm giàu nhanh và nghỉ ngơi sớm thay vì đi làm thuê tới tận già”. Nhiêu đây thôi cũng đã đủ để thấy được trong suy nghĩ của cô vợ này, đi làm thuê đồng nghĩa với việc không thể giàu nổi, và kinh doanh là cách duy nhất để nâng cao mức sống.
Cứ cho là cô đang nghĩ đúng đi chăng nữa, thì việc đặt kỳ vọng “làm giàu nhanh và có thể nghỉ ngơi sớm thay vì đi làm thuê tới tận già” cho việc kinh doanh, liệu có phải là cách suy nghĩ hơi thiển cận hay không, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế đang suy thoái như hiện nay?
Đi làm thuê, thu nhập có thể không cao vượt trội lên tới vài trăm triệu/tháng, nhưng đổi lại là sự an nhàn không phải “nặng đầu” lo chuyện xoay vốn, cũng chẳng cần trực tiếp đối mặt với khó khăn chung của nền kinh tế, lại còn có thời gian chăm sóc con cái, vun vén cho gia đình.
Kinh doanh hay buôn bán cũng tương tự, đều có “mặt này, mặt kia”. Thu nhập cao đồng nghĩa với áp lực lớn. Quỹ thời gian dành cho gia đình cũng ít đi. Chưa kể nếu không may sa cơ lỡ vận, công việc không thuận lợi, người làm chủ còn phải oằn mình gồng lỗ. Buôn bán kinh doanh mà có thể thảnh thơi, “nghỉ ngơi sớm” có lẽ chỉ là chuyện khả thi với những công ty/doanh nghiệp/tập đoàn mà tuổi đời đã lên tới vài thập kỷ.
Nhiều người khuyên cô vợ này không nên lý tưởng hóa việc kinh doanh làm giàu