Nếu như trước đây, thẻ tín dụng từng khiến nhiều người e ngại vì sợ chi tiêu quá mức, hoặc không biết dùng đúng cách thì có thể rơi vào vòng xoáy nợ nần. Tuy nhiên, thực tế thẻ tín dụng đã trở thành phương thức thanh toán phổ biến của nhiều người trẻ ở thời điểm hiện nay, bởi sự thuận tiện và nhiều tính năng ưu đãi khi xài chúng.
Nếu còn đang phân vân không biết có nên dùng thẻ tín dụng hay không, hãy cùng gặp 2 cô nàng dưới đây – những người có nhiều năm kinh nghiệm dùng hình thức thanh toán này để lắng nghe câu chuyện của họ.
Chưa từng mắc nợ khi dùng thẻ tín dụng, thậm chí còn sinh lời
Đoàn Phương Trúc (SN 1991, Hà Nội) đang là chủ nhân của thẻ tín dụng có hạn mức 130 triệu. Sở dụng thẻ tín dụng với hạn mức gấp gần 10 lần thu nhập mỗi tháng, nhưng Phương Trúc chưa bao giờ dùng hết hạn mức, càng không nợ nần.
Và dưới đây 4 bí quyết giúp cô nàng làm được điều đó.
– Thứ nhất, quẹt nhiều chứ không quẹt vô tội.
Trúc cho hay, cô mua sắm bằng thẻ tín dụng từ ở siêu thị tới quán ăn, quán cafe rồi cả lúc mua sắm online,… Nói chung, Trúc đều ưu tiên hình thức thanh toán này.
Bí quyết khi dùng thẻ tín dụng của Trúc là dùng nhiều nhưng không xài vô tội vạ. Cái “không vô tội vạ” mà Trúc đề cập chính là cô nàng này luôn đặt ra câu hỏi: ” Mình có bị charge phí quẹt thẻ không?”. Nếu câu trả lời là có, Trúc sẽ đổi sang phương thức thanh toán khác.
“Về lý thuyết, khi mình quẹt thẻ tín dụng để thanh toán thì mình sẽ không mất phí gì cả. Nhưng Trúc từng gặp trường hợp đi ăn, thanh toán bằng thẻ tín dụng mà mình là người phải trả phí quẹt thẻ rồi, khoảng 1,5% số tiền thanh toán đó, chỉ cần so sánh số tiền trên hóa đơn với số tiền bị trừ trong thẻ là biết ngay thôi à. Sau đó, Trúc tỉnh lắm, trước khi quẹt là phải hỏi trước cho chắc” – Trúc giải thích.
Ảnh minh hoạ
– Thứ hai, quẹt thẻ đúng mục đích để nhận được cashback.
Trúc cho hay, vì dùng nhiều thẻ tín dụng nên cô tận dụng được các ưu đãi cashback (hoàn lại tiền) từ hình thức thanh toán này. Có tháng, Trúc được hoàn tới 1,6 triệu đồng vào thẻ tín dụng.
“Mình hay sử dụng dịch vụ nào thì mình ưu tiên mở thẻ tín dụng có nhiều chương trình ưu đãi, hoàn tiền với dịch vụ đó. Nhưng mà mở nhiều thẻ cũng cần nghĩ kỹ nha, không là dính bẫy đòn bẩy tài chính liền luôn đó”, Trúc chia sẻ.
– Thứ ba, luôn kiểm tra, tổng kết lại số tiền mình đã quẹt sau khoảng 2-3 ngày.
Đây chính là bí quyết quan trọng giúp Trúc không sập bẫy “ảo tưởng dư dả” hay bẫy đòn bẩy tài chính.
– Thứ tư, luôn tự nhủ “mình chưa có nhiều tiền”.
Trúc thừa nhận việc sở hữu thẻ tín dụng với hạn mức gấp gần 10 lần thu nhập khiến bản thân nhiều khi cũng “hơi sợ”. Thế nên cô bạn này luôn tự nhủ “mình chưa có nhiều tiền” để bản thân tỉnh táo trước mỗi quyết định mua trả góp những món đồ giá trị lớn.
Ảnh minh hoạ
7 mẹo thẻ tín dụng từ nhân viên ngân hàng
Phương Liên (SN 1995, TP, Thủ Đức) là nhân viên ngân hàng. Cô nàng là chủ nhân của 3 chiếc thẻ tín dụng, gồm thẻ tín dụng Standard Chartered hạn mức 37 triệu đồng, thẻ tín dụng HSBC hạn mức 50 triệu đồng và thẻ tín dụng Citibank hạn mức 50 triệu đồng.
Hiện, với 3 chiếc thẻ tín dụng trong tay, Phương Liên dùng chúng với nhiều mục đích khác nhau. Cô nàng dùng thẻ HSBC để trả tiền mua bảo hiểm, thẻ Standard Chartered nhằm chuyển đổi trả góp, còn thẻ Citibank lại dùng để đi siêu thị, mua sắm trên các sàn thương mại điện tử.
“Vì mỗi dòng thẻ của từng ngân hàng có những ưu điểm riêng trong chương trình cashback (hoàn lại tiền). Do đó, mình thấy chương trình của thẻ nào tốt thì sẽ dùng thẻ ở khoản tiêu dùng đó ”, Phương Liên nói.
Đã có 7 năm sử dụng hình thức thanh toán này, Phương Liên chia sẻ cô có nhiều cách để tận dụng ưu đãi từ 3 chiếc thẻ tín dụng đang sở hữu. Bên cạnh thanh toán thuận tiện và chính sách trả góp, cô nàng còn được hoàn lại hơn 2 triệu đồng/năm sau khi mua sản phẩm bằng 3 chiếc thẻ này.
Và dưới đây là 7 lời khuyên của Phương Liên để “làm chủ” thẻ tín dụng:
– Bạn nên chọn thẻ tín dụng có ngày thanh toán sau ngày nhận lương.
Bởi thời điểm vừa nhận lương, chúng ta sẽ có xu hướng trả nợ trước khi tiêu dùng, từ đó giảm thiểu rủi ro bị nợ tín dụng quá hạn. Ngược lại, nếu ngày thanh toán của thẻ tín dụng rơi vào cuối kỳ lương, bạn sẽ khó kiểm soát đồng tiền của mình. Vì khi đó, chúng ta thường lỡ xài hết lương tháng rồi và mất khả năng trả nợ, dẫn đến có thể hình thành “nợ chồng nợ”.
Ảnh minh hoạ
– Khi chọn thẻ tín dụng, bạn nên ưu tiên thẻ có chương trình cashback (hoàn lại tiền) sau khi mua sản phẩm.
– Với những khoản chi tiêu có giá trị lớn hơn 5 triệu đồng, bạn có thể trả góp qua thẻ tín dụng, để giảm bớt áp lực tài chính. Khi đó, bạn nên chọn thẻ có chính sách trả góp với lãi suất 0%. Tuy nhiên, cần nhớ là dù mua hàng trả góp lãi suất 0% thì người dùng vẫn có thể bị mất phí chuyển đổi trả góp.
– Nên chọn thẻ tín dụng có chương trình miễn phí thường niên hoặc hoàn phí thường niên.
– Nên chọn mở thẻ tín dụng của các ngân hàng đang có nhiều chính sách ưu đãi, thu hút khách hàng. Khi đó, bạn sẽ thường được tặng quà hoặc tiền khi chi tiêu đủ bằng thẻ tín dụng theo quy định của ngân hàng.
– Tuyệt đối không rút tiền mặt từ thẻ tín dụng, bởi chúng có lãi suất cực cao và dễ hình thành “lãi chồng lãi”.
– Cuối cùng, quẹt thẻ tín dụng thoải mái thế nào thì vẫn phải tính toán khả năng trả nợ vào tháng sau. Tránh việc sử dụng thẻ tín dụng “gối đầu”, tức tháng trước chưa trả hết nợ nhưng vẫn cà thẻ cho các khoản tiêu của tháng tới. Như thế, bạn sẽ rơi vòng lặp nợ nần, mãi không thể trả hết nợ tín dụng.
Ảnh minh hoạ
Sau cùng, nói về hình thức thanh toán này, Phương Liên nhận định nếu dùng thẻ tín dụng mà không biết kiểm soát chi tiêu thì có thể dẫn đến mất khả năng thanh toán và mang nợ nần.
Nói đâu xa, cách đây 7 năm, trong thời gian đầu mới xài thẻ tín dụng, Phương Liên thường xuyên quẹt hết hạn mức chi tiêu là gần 30 triệu đồng/tháng. Đây cũng là nguyên nhân khiến cô nàng có những khoản “nợ chồng nợ” trong những năm đầu của tuổi 20.
Tuy nhiên, bên cạnh những nhược điểm thì thẻ tín dụng cũng có hàng loạt ưu điểm – những yếu tố khiến cô nàng vẫn chọn gắn bó với hình thức thanh toán này đến tận bây giờ. Đó là thanh toán nhanh chóng và tiện lợi; chương trình cashback và giảm giá sau khi mua một số sản phẩm nhất định; chương trình trả góp cho một số khoản chi tiêu lớn, từ đó giảm áp lực thanh toán món tiền lớn cùng lúc cho người mua.