Trước tuổi 40, hãy tích cực làm phép cộng trong cuộc đời. Sau tuổi 40, hãy tinh tế thực hiện phép trừ. Khi còn trẻ, chúng ta làm phép cộng bởi kinh nghiệm còn non nớt, rèn luyện chưa đủ, chưa biết mình hợp với điều gì, nên chúng ta phải nhiều lần trải nghiệm – đó là con đường mà mỗi người đều phải đi qua.
Đến một độ tuổi nhất định, khi kinh nghiệm dồi dào và đã được rèn giũa đủ, ta hiểu rõ hơn về bản thân mình. Lúc này, hãy cố gắng thực hiện phép trừ, vứt bỏ những gánh nặng của cuộc sống, để mình sống nhẹ nhàng hơn.
Nói thì dễ nhưng làm mới khó. Phép cộng dễ làm, nhưng làm phép trừ thì khó vô cùng. Đa số mọi người đều có thể cầm lên, nhưng lại không thể đặt xuống.
Không thể từ bỏ những gì đã đạt được trong quá khứ, không thể buông bỏ những người và vật mình sở hữu. Nếu cứ tiếp tục như thế, cuộc sống sẽ bị vây quanh bởi đống lộn xộn, càng sống càng rối ren, không thoải mái.
1. Vứt bỏ những kỳ vọng không thực tế
Nỗi đau lớn nhất của cuộc sống chính là khi kỳ vọng càng lớn, thất vọng càng nhiều. Những gì mong đợi không trùng với hiện thực, kết quả chênh lệch lớn.
Khi mới đến một nơi làm việc, ta kỳ vọng mọi người là quân tử, sẽ đối xử tử tế với mình. Nhưng qua thời gian, ta mới nhận ra sự thực không phải như vậy, tâm hồn chịu nhiều cú sốc.
Khi kiếm được tiền, ta lại kỳ vọng tương lai sẽ kiếm được nhiều hơn, sống chất lượng hơn. Vài năm sau, không những không kiếm thêm được tiền, mà “không thất nghiệp” cũng đã là chuyện đáng mừng, khiến ta bắt đầu hoài nghi về tương lai.
Càng kỳ vọng điều gì, cuộc sống càng không xảy ra điều đó, thậm chí còn diễn ra theo chiều hướng ngược lại. Tại sao cuộc sống lại mâu thuẫn như vậy? Bởi vì việc tất cả mọi thứ đều diễn ra theo ý muốn chỉ là ảo tưởng, sự trái ngược mới là quy luật thông thường.
Làm người, hãy cố gắng tránh những kỳ vọng không thực tế. Hãy biết rằng, nếu mọi việc đều xảy ra theo ý muốn, thì thế giới này sẽ không còn người nghèo. Thay vì kỳ vọng quá nhiều, tốt hơn hãy giảm bớt kỳ vọng và chỉ làm tròn trách nhiệm của mình trong hiện tại, chỉ cần không hổ thẹn với trái tim mình.
2. Vứt bỏ sự bận lòng đối với cách người khác nghĩ về mình
Trong xã hội nặng nhân tình thế thái, biết bao nhiêu người “quan tâm” đến quan điểm, ánh mắt và đánh giá của người khác. Họ không sống vì bản thân mà sống theo tiêu chuẩn của xã hội ngoài kia.
Ở công sở, bạn không dám làm điều này, không dám làm điều kia, sợ đồng nghiệp xung quanh sẽ không thích. Ràng buộc bản thân như vậy, dễ dàng trở thành con rối trong mắt người khác.
Ở quê nhà, để giành được cảm tình và thể diện từ họ hàng, bạn trở nên quá phóng khoáng mà không tính đến điều kiện kinh tế của mình. Điều này không chỉ khiến bạn đau khổ mà còn mất đi tiền bạc.
Vấn đề đặt ra, tại sao chúng ta lại quan tâm đến quan điểm, ánh mắt và đánh giá của người khác? Có lẽ vì lời nói của người khác đủ sức làm ta không vui.
Người trẻ thấy sợ lời ra tiếng vào vẫn có thể hiểu được. Bởi họ chưa từng trải đời, bị cuộc sống “vả mặt” vài lần để rút kinh nghiệm.
Những người trung niên mắc vào vòng luẩn quẩn này thì thật sự không đáng. Miệng người khác nằm trên khuôn mặt họ, không phải là điều chúng ta có thể kiểm soát. Do đó, chỉ cần sống hết lòng, không nợ bản thân là đủ. Còn người khác, không cần quan tâm.
3. Vứt bỏ những khao khát ngày càng bành trướng
Có câu: Hạnh phúc thực sự của một người không nằm ở việc có được nhiều hơn, mà là ở việc giảm bớt khao khát.
Dục vọng, vừa là thiên thần, vừa là ác quỷ, nó có thể khiến con người sống tiếp với nhiều động lực hơn, nhưng cũng có thể nuốt chửng mọi thứ xung quanh, kể cả bản thân mình.
Trong xã hội hiện đại, vật chất trở nên phong phú hơn, do đó tham vọng con người không giảm sút mà ngày càng phình to.
Thu nhập chục triệu không hài lòng, nhất định phải có mức lương 100 triệu; sống trong căn nhà 90 mét vuông không hài lòng, nhất định phải sống trong căn hộ lớn hơn 200 mét vuông; cuộc sống yên ổn không hài lòng, nhất định phải giàu có vô độ…
Những khao khát cực đoan này, vừa khơi dậy tâm lý “ghen tỵ ganh đua” của mọi người, vừa làm trầm trọng hơn nỗi đau “muốn mà không được”. Khao khát càng lớn, chất lượng cuộc sống càng suy giảm, dù người đó có nhiều tiền đến mức nào.
Tại sao chúng ta phải biết đủ để luôn vui vẻ? Hãy để tâm hồn bình tĩnh lại, đừng quá sốt ruột, bạn sẽ tự nhiên cảm nhận được vẻ đẹp của cuộc sống. Vẻ đẹp này không phải do vật chất mang lại, mà là “tâm sinh” – từ trong tâm hồn mà ra.
4. Vứt bỏ sự cố chấp với cuộc sống
Càng lớn tuổi, càng đồng tình với câu nói này: Có duyên thì sẽ có, không duyên thì đừng cố chấp.
Nếu mệnh số đã định tất cả đều thuộc về bạn, thì cố gắng một thời gian, cơ bản sẽ đạt được mong muốn. Ngược lại, nếu mệnh số định rằng tất cả không thuộc về bạn, dù bạn cố gắng đến đâu cũng vẫn chẳng có được gì.
Nhiều người không chịu thua, cố chấp mà theo đuổi. Cố chấp yêu mà không được đáp lại, cố chấp theo đuổi lợi ích không thuộc về mình, cố chấp muốn có cuộc sống không liên quan gì đến mình. Cưỡng cầu mãi, kết quả không bao giờ tốt đẹp.
Việc nhỏ, cố gắng hết sức; việc lớn, giao cho số phận. Những việc khác, thuận theo tự nhiên. Thay vì cố chấp cưỡng cầu, không bằng dung dị đón nhận mọi kết cục, sống mỗi ngày với lòng bình thản.