Tuyết Chinh (sống tại Hưng Yên) là mẹ của 2 em bé sinh đôi. Dù bận rộn với công việc chăm sóc con nhưng bà mẹ trẻ vẫn đam mê yêu bếp. Để đảm bảo sức khỏe cũng như có những bữa cơm chất lượng nhất, chị Chinh vẫn chịu khó hàng ngày nấu nướng đầy đủ các món, mâm cơm hôm nào cũng đủ dinh dưỡng, thích hợp cho mẹ bỉm sau sinh.
“Niềm đam mê với bếp thật sự khó bỏ. Mặc dù đang làm mẹ bỉm của 2 bé sinh đôi gần 6 tháng nhưng mà vẫn muốn được vào bếp tự tay nấu cơm cho gia đình. Tranh thủ con ngủ có người bế là mình lại lọ mọ vào bếp nấu ăn đây ạ. Khoe với cả nhà mâm cơm của mình ạ. Bận con nhỏ nên ngày mình chỉ nấu được 1 bữa thôi nên là cũng mất cả tháng trời mới hoàn thành xong 30 mâm cơm cữ. Nói là cơm cữ nhưng mà thật ra như một mâm cơm gia đình vì không chỉ một mình mình ăn mà cả gia đình cùng ăn”, chị Chinh chia sẻ.
Dưới đây là một số mâm cơm cữ thơm ngon, đủ dinh dưỡng cho các mẹ sau sinh mổ do chị Tuyết Chinh chia sẻ, các mẹ có thể tham khảo nhé.
Dưới phần bình luận, ai cũng khen bà mẹ trẻ siêu khéo tay, bận rộn như vậy mà vẫn có thời gian nấu nướng. Chưa kể món nào cũng thơm ngon, hấp dẫn, nhìn là muốn ăn luôn rồi. Hội chị em cũng thi nhau tag chồng, tag ba mẹ để không còn phải đau đầu hỏi “Hôm nay ăn gì” nữa.
Thực đơn sau sinh cần chú ý những gì?
Để đảm bảo có đủ sữa và duy trì nguồn sữa cho con bú, phụ nữ sau sinh không những cần chú ý duy trì một chế độ ăn uống tốt mà còn phải nghỉ ngơi đủ. Trong đó, ăn uống tốt rất cần thiết, nếu như trước đây mẹ chỉ có thể ăn 3 bữa một ngày thì bây giờ nên ăn 5 bữa, chia nhỏ lượng thức ăn, phối hợp nhiều loại thức ăn để đảm bảo dinh dưỡng cho cơ thể. Bên cạnh đó mẹ nên nhớ chú ý uống nhiều nước và có thể uống thêm sữa.
Trong 1 – 2 ngày đầu sau khi sinh, tốt nhất mẹ nên ăn các loại thức ăn nhẹ, dễ tiêu như: cháo, mì, trứng gà là chính. Không nên ăn thức ăn có nhiều mỡ như: chân giò, thịt gà. Cùng với sự hồi phục của khả năng tiêu hoá có thể ăn những thức ăn giàu năng lượng và dinh dưỡng: canh gà, canh xương….
Để đảm bảo người mẹ nạp đủ dinh dưỡng gồm protein, chất béo, đường, chất khoáng, vitamin, nước, trong ăn uống cần chú ý là thức ăn phải đa dạng, phối hợp thức ăn tinh và thô một cách hợp lý. Mỗi ngày có thể ăn 5 – 6 bữa, mẹ không nên kiêng cữ quá nhưng cũng phải tránh đồ ăn sống, nhiều mỡ, cay, có tính kích thích, giảm tiết sữa. Trong thời gian cho con bú, rượu, hút thuốc phải kiêng tuyệt đối. Một số bà mẹ có tiền sử cao huyết áp trong thời kỳ mang thai cần phải ăn hạn chế muối.