Nhiều chị em chia sẻ họ rất ngại cho con đi chơi xa, đặc biệt là di chuyển bằng máy bay. Lý do là bởi các em bé rất hiếu động, đặc biệt là khi con từ 1-3 tuổi, việc ngồi im trong suốt quá trình bay là điều không dễ dàng. Thậm chí có những em bé thích chạy nhảy, la hét, khóc lóc vì quá chán. Các mẹ thường rất mệt mỏi khi phải dỗ dành, đặc biệt là ái ngại với những hành khách xung quanh vì tiếng ồn và sự mất trật tự mà con gây ra.
Mới đây, chị Lương Tuyết Nhung (sống tại Hải Phòng) đã chia sẻ một số kinh nghiệm rút ra sau những chuyến bay thành công cùng con. Em bé Vin nhà chị Nhung từ hồi bé xíu đã được theo bố mẹ đi chơi khắp nơi. 2 tháng rưỡi đã được đi 3 chuyến may bay, bay xuyên lục địa, trong đó chuyến dài nhất là 6 tiếng rưỡi. Cả 3 chuyến bay đều thành công mĩ mãn, khi hạ cánh các hành khách xung quanh còn khen con ngoan nữa.
Các mẹ cùng tham khảo chị Nhung đã làm thế nào nhé.
1. Chuẩn bị đồ
Vin nhà mình khi ấy chỉ ti mẹ hoàn toàn, nên mình chưa có kinh nghiệm mang đồ ăn cho con đâu. Balo bỉm sữa chắc các bố mẹ quen cần mang những gì rồi. Khi ấy mình bay Vietjet Air, và cũng định bay Singapore Airlines, nên có tìm hiểu chính sách về em bé. Mình thấy hai hãng đều có chính sách tương tự về việc mang và vận chuyển đồ em bé, nên mình mạnh dạn tin rằng các hãng khác cũng vậy.
– Mình được kí gửi xe đẩy em bé miễn phí, cân nặng của xe đẩy không được tính vào số cân hành lý kí gửi đâu nha. Ở sân bay Việt Nam thì có dịch vụ gói bìa cho xe đẩy, gấp gọn lại rồi gói, tiền rơi vào khoảng 200k.
– Trước kia mình từng thấy đâu đó trên mạng, có người bảo là địu con đi máy bay rất tiện. Ngày bay đầu tiên, mình cũng địu con đi… và bị dừng lại, phải tháo địu ra ở cửa máy bay.
Chị tiếp viên giải thích là chưa có cái địu nào được ngành hàng không duyệt để được địu con trên máy bay cả. Mình chỉ được phép cài dây an toàn và luồn dây đai em bé vào mà thôi. Dù vậy thì địu con ở sân bay cũng cực kì tiện, sau khi đã kí gửi xe đẩy nha.
– Một số xe đẩy du lịch gấp gọn siêu nhỏ nhẹ vẫn được mang lên máy bay nha, với điều kiện là nó vừa khoang hành lý trên đầu, và một số hãng yêu cầu xe đẩy gấp gọn phải được cho vừa vào một cái túi. Ví dụ hai xe đẩy mình biết được mua hoặc thuê rất nhiều để đi máy bay đó là Bugaboo Butterfly và Babyzen YoYo. Hai xe này nhẹ đeo lên vai được, thao tác một tay, ấn phịch một cái ra con xe, rất là mê. Sắp tới nhà mình được thửa một cái xe YoYo, rất là háo hức đi bay tiếp.
– Cứ cái gì là đồ cho em bé, thì có thể được xách tay lên máy bay mặc dù có vượt số cân quy định (thường là 7kg hoặc 11kg). Bé nào pha sữa công thức thì mình khuyên là nên mang nước đi nha.
– Mình mang miếng lót thay tã đi. Loại của mình gấp được vào, và có cái túi đính kèm để được 2 cái tã giấy và gói khăn ướt nhỏ. Balo bỉm sữa thì mình để lên khoang trên vì máy bay chật, còn miếng thay tã với tã mình để vào ngăn để tạp chí trước mặt. Khi cần thay tã cho con rất là nhanh, và nếu cần khăn ướt lau cho con lấy cũng nhanh. Các bố mẹ mà không có miếng thay tã đa năng như của mình thì dùng một cái túi nhỏ nào cũng được. Khi đang cần thay bỉm cho con mà mò balo từ trên khoang xuống mình thấy bất tiện.
– Mình có mang lên máy bay một cái gối tròn để kê đệm tay khi ôm con ngủ. Nếu có áo khoác thì gấp lại cũng được. Cái này nếu bố mẹ nếu thấy cần thì mang. Mình mang một cái chăn mỏng phòng khi máy bay lạnh nữa.
– Nhà nào cẩn thận thì mang xịt khuẩn Digizone ạ.
2. Chọn ghế ngồi
– Trong 3 chuyến bay thì 2 chuyến mình ngồi ghế đầu, 1 chuyến ngồi gần cánh máy bay. Mình thích ngồi gần cánh máy bay hơn bởi vì tiếng nó ù ù như white noise vậy, con mình ngủ rất ngon.
Còn ngồi hàng đầu thì mỗi khi phi công thông báo cái gì thì loa ở ngay đầu nó kêu một cái, con mình giật mình khóc. Đổi lại, ngồi hàng đầu thì xuống máy bay nhanh hơn.
– Tuỳ hãng hàng không và tuỳ máy bay to hay bé, có máy bay có kèm cả nôi cho em bé nằm ngủ nữa và thường vị trí ghế sẽ ở ngay trên đầu, rộng rãi phù hợp với gia đình có trẻ nhỏ. Nếu muốn biết bé nhà mình có nằm vừa nôi hay không thì nên gọi điện cho hãng để hỏi. Chồng mình đã gọi điện trước và được biết là máy bay của nhà mình đi không có nôi.
3. Giải trí cho con
Vin nhà mình vốn sinh hoạt theo nếp ăn – chơi – ngủ. Có lên máy bay cũng k ngoại lệ. Để phục vụ con khoản chơi thì mình có mang theo một quyển sách. Quyển “Never Look For A Cameleon” có hình hoạ, có cái để sờ, với gia đình nhà mình thì là một giải pháp phù hợp với con mà không làm ảnh hưởng đến hành khách xung quanh.
Loạt sách “Never/Không bao giờ” của Rosie Greening có cả bản tiếng Việt, mình từng đến một tiệm sách thấy rất nhiều, nếu bố mẹ muốn tham khảo. Chứ con mà cầm cái lục lạc hay chít chít chơi thì gây ảnh hưởng đến hành khách khác, ít ra tiếng đọc sách nó nghe cũng dễ chịu hơn? Các bố mẹ mang đồ chơi nào cho con cũng được, miễn khoản tiếng ồn nên chú ý một tí.
4. Giảm đau tai khi thay đổi áp suất và độ cao cho con
Cái này chắc các bố mẹ cũng nghe nhiều rồi, đó là khi cất cạnh và hạ cánh thì cho con bú hoặc ăn bình để đỡ đau tai. Hiệu quả thật nha. Mình chỉ lưu ý nho nhỏ là phải canh thời điểm cất cánh và hạ cánh chuẩn nha. Lúc máy bay bắt đầu di chuyển nó còn phải đi lòng vòng trên đường băng xong rồi mới bay.
Trên đây là những kinh nghiệm cá nhân của chị Nhung, hy vọng sẽ giúp ích cho các bố mẹ đang có ý định cho em bé nhà mình đi chơi xa bằng máy bay nhé.