Mẹ bỉm nào sau sinh cũng cần một khoảng thời gian nghỉ ngơi, tĩnh dưỡng, vừa là để tập làm quen với cuộc sống có sự xuất hiện của thiên thần nhỏ. Lúc này, sự yêu thương, quan tâm, chăm sóc của gia đình là cực kỳ cần thiết. Bên cạnh chồng thì sự chăm lo của ông bà nội ngoại cũng là động lực giúp người mẹ nhanh hồi phục hơn.
Ai cũng cho rằng điều may mắn nhất với người mẹ lúc này là được bố mẹ chồng thấu hiểu, cảm thông. Thế nhưng với tình huống của mẹ bỉm dưới đây thì mọi người lại cảm thấy khó nghĩ. Bà nội giành hết việc chăm sóc cháu, không cần mẹ bỉm phải làm bất cứ một thứ gì, kể cả ngủ cùng con. Bà luôn lấy mọi lý do để con ít gần mẹ nhất. Thậm chí đến việc cho con bú người mẹ này cũng không làm mà thay vào đó là hút sữa để bà cho ăn.
“Đây là trường hợp của bà chị mình, mới sinh được 3 tháng nhưng sắp bị trầm cảm đến nơi. Có ai trong hoàn cảnh này không, cho chị em tui một lời khuyên nên làm thế nào với. Người chị tâm sự: “Chị cảm giác đẻ con ra nhưng không phải con của mình, giống như chị bị cướp con vậy. Con cún giờ được 3 tháng thì bà ngủ với nó cả 3. Chị hút sữa cho ti bình vì sắp tới còn đi làm, thành ra con chẳng phụ thuộc gì chị cả. Giờ nó bện hơi bà, chị cứ bế là nó khóc. Tủi thân dã man mà chồng thì chẳng hiểu, chị đến trầm cảm mất thôi.
Toàn bảo là mẹ bế cho mà làm việc nhà. Đêm bảo cho lên phòng chị ngủ thì bà bảo cứ để ngủ với bà để đêm bà cho ăn. Đến cữ lại gọi điện chị hâm sữa mang xuống. Có phải chị hiền quá rồi không?”.
Đáp lại, người em chia sẻ: “Em hiểu mà, đến giờ đi đâu một lúc em còn nhớ Chanh kinh khủng ấy. Chị cố gắng gần con thêm, cho con về ngủ cùng đi. Chị cứ nói với anh Trọng đi, nói thẳng thắn, con mình đẻ ra mà, bà như thế là có tính sở hữu quá. Cứ để thế này là trầm cảm đó”“, câu chuyện đang gây sốt trên MXH lúc này.
Người mẹ chồng đưa ra lý lẽ là không muốn mẹ bện con quá lại khó đi làm, bà thì rảnh nên cân tất mọi việc từ A – Z. Người mẹ chỉ cần hút sữa chứ không cần ru ngủ, đêm cháu ngủ với bà. Nhìn qua thì cảm thấy mọi thứ thật nhẹ nhàng, vui vẻ, sinh con ra mà chẳng có tí vất vả nào, ngược lại còn nhàn nhã thích làm gì thì làm, thế nhưng người mẹ này lại không cảm thấy thoải mái.
Chị cảm nhận mình không có vai trò gì trong việc chăm sóc con cái, con không bện hơi mẹ mà yêu bà nhiều hơn. Khi nào mẹ muốn bế thì con lại khóc. Mỗi lúc muốn gần con thì bà lại tìm cớ để ngăn cản. Cảm nhận có điều gì đó không ổn nhưng người mẹ này lại không biết phải làm cách nào, nhờ chồng nhưng anh lại thờ ơ, chỉ còn biết tâm sự với người em gái rằng bản thân sắp bị trầm cảm.
Dưới phần bình luận, nhiều lời khuyên được gửi đến người mẹ trong câu chuyện. Một số chị em cho rằng mẹ bỉm nghĩ quá nhiều, có người chăm cho là tốt rồi, bà thì làm sao thay thế được vai trò của mẹ, rảnh quá nên nghĩ nhiều thôi. Nhưng cũng có người cho rằng con mình đẻ ra mà lại phụ thuộc hết vào bà như vậy là không được, nên dành thời gian và quyết liệt ở bên con, chăm con nhiều hơn.
Các mẹ đều đưa ra lời khuyên là khi nào có thời gian nên bảo khéo “mẹ nghỉ ngơi đi để con chăm cháu không mẹ lại mệt, mấy tháng nữa con đi làm là mẹ sẽ mệt hơn nhiều đó”, hoặc khéo léo tìm thời gian chăm con nhiều hơn. Không nên làm mất hòa khí, tình cảm giữa mình và bố mẹ chồng những cũng không thể làm bản thân bị stress. Mẹ cần lạc quan, tích cực, vui vẻ thì con mới hạnh phúc, có thêm sữa nhiều cho con cái.