Tháo gỡ khúc mắc tuổi dậy thì cho con
Chị Chu Hà Lam (ở Sơn La) chia sẻ, năm cậu con trai lên lớp 8, chỉ qua 1 kỳ nghỉ hè mà cậu cao thêm gần 10cm, giọng nói ồm ồm, mặt đầy mụn trứng cá. Không lâu trước đó, cậu còn hay ôm mẹ, nhõng nhẽo như trẻ con thì nay chỉ thích ở một mình trong phòng, không thích sự quan tâm, cử chỉ âu yếm của mẹ.
Con bắt đầu chải chuốt đầu tóc, hay ngắm mình trong gương. Trước đây, cả ngày con chỉ mặc đồng phục học sinh, mẹ nhắc cũng không chịu thay. Còn bây giờ, hễ về đến nhà là con thay ngay quần áo, thích phong cách thời trang độc lạ.
“Trước đây, mỗi khi tôi đi làm về, nghe tiếng xe là con lao ra ôm mẹ, giờ mẹ về, có khi ngó vào phòng, con cũng chỉ ngẩng mặt lên chào mẹ. Thậm chí, con còn tỏ ra khó chịu khi tôi ôm hoặc khoác vai con khi ra ngoài đường”, chị Lam cho biết…
Những ngày đầu nhận thấy sự thay đổi của con, đặc biệt là “khoảng cách” con tự tạo ra với mẹ khiến chị Lam bối rối. Nhưng chị Lam cũng hiểu rằng, đó là những dấu hiệu cho thấy con trai của chị đang lớn, bước vào giai đoạn phát triển mới về thể chất, tâm hồn, sinh lý.
Để “hoà nhập” cùng con, chị Lam chủ động điều chỉnh những hành động của mình mỗi ngày. Chị nói năng nhẹ nhàng, không tự ý ôm ấp, chạm vào người con thay vào đó là thể hiện tình cảm yêu thương lịch thiệp.
Từng đi qua tuổi dậy thì nên nhìn thoáng qua, chị Lam biết con đang có những rung động đầu đời. Cậu không hỏi tư vấn chuyện mua quà tặng bạn gái nhưng câu nói bâng quơ: “Mùng 8/3 sao cứ phải tặng quà” đủ để chị Lam hiểu, con trai đang băn khoăn chuyện này. Chị bắt chuyện với con, phân tích cho con hiểu rằng, quà tặng những người mình yêu quý chính là thông điệp thay lời muốn nói.
Món quà ấy không nhất thiết phải đắt tiền, đơn giản như một chiếc móc chìa khóa ngộ nghĩnh, một sticker dễ thương… cũng đủ để gửi thông điệp đến người nhận quà. Khi cả người tặng và người nhận quà đều vui vẻ thì đó là món quà tuyệt vời nhân niềm vui.
Nhận ra rằng chỉ cần thiết lập được những điểm chung trong câu chuyện với con thì mối quan hệ mẹ con sẽ gần hơn một nhịp, từ đó, chị Lam tích cực chuyện trò, tháo gỡ cho con những khúc mắc tuổi dậy thì.
Yêu đương cũng cần thượng tôn pháp luật
Nhiều bà mẹ từng chia sẻ trên mạng xã hội rằng, để giáo dục giới tính cho con trai, từ bé, họ sẵn sàng cho con tắm chung với mẹ, để lớn lên, con không lạ lẫm với sự khác biệt của cơ thể nam và nữ, không gây kích thích và tò mò với con.
Trước quan điểm này, chị Nguyễn Hằng (ở Hà Nội) lại cho rằng, không phải “thấy rồi, biết rồi” thì không tò mò, không muốn khám phá. Khi các con có sự nhận thức và ý thức đầy đủ về cơ thể, giá trị bản thân, trách nhiệm với hành động của mình thì con sẽ có hành vi đúng.
“Từ nhỏ, tôi không bao giờ cho hai cậu con trai tắm chung, càng không để con thấy cơ thể của mẹ. Thay vào đó, theo từng độ tuổi, tôi nói cho con hiểu về sự khác biệt của cơ thể, đặc tính giới, sự tôn trọng và quyền được tôn trọng của mỗi người. Khi con bước vào tuổi dậy thì, tôi chia sẻ với con về những rung động đầu đời, về cảm xúc nam – nữ, về hành vi tình dục an toàn và hành vi tình dục lệch lạc.
Từ những tình huống, câu chuyện cụ thể, sau khi cùng thảo luận, chúng tôi đi đến thống nhất quan điểm: Không ai có thể xem hoặc chạm vào cơ thể tôi mà không có sự cho phép của tôi.
Cũng như vậy, tôi không thể tùy ý nhìn trộm hay chạm vào cơ thể của người khác. Bạn bè tôi cho rằng, điều này chỉ nên dạy con gái nhưng với tôi, dù con trai hay con gái đều phải hiểu rõ điều ấy. Các con cần hiểu để tôn trọng mình và tôn trọng người khác”, chị Hằng nêu quan điểm.
Mỗi khi thảo luận, tranh luận với các con về tình yêu – tình dục, chị Hằng không dùng từ “cấm con” mà dùng “con nên”, “con không nên”, “mẹ nghĩ rằng”…
“Chúng tôi đưa ra những câu chuyện cụ thể về việc quan quan hệ tình dục sớm, có thai ngoài ý muốn, yêu đương lệch chuẩn dẫn đến hành vi vi phạm pháp luật, bị cáo buộc tội hiếp dâm, xâm hại tình dục…
Qua những tình huống này, tôi nói với con rằng, chuyện yêu đương cũng cần thượng tôn pháp luật vì trong luật quy định rất rõ độ tuổi kết hôn cũng như truy cứu trách nhiệm hình sự khi quan hệ tình dục với người chưa đủ 16 tuổi. Con cần học cách đối diện và giải quyết các vấn đề vì khi con đủ 18 tuổi, con phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về hành động của mình”, chị Hằng chia sẻ.
Chuyên gia tâm lý Phan Lan Hương và Tiến sĩ – bác sĩ Đỗ Minh Loan (Giám đốc Trung tâm Chỉ đạo tuyến Nhi khoa, Trưởng khoa Sức khỏe vị thành niên, Bệnh viện Nhi Trung ương) sẽ gỡ rối những thắc mắc, trang bị kỹ năng cho mẹ và con trai, để các con vượt qua khủng hoảng tuổi dậy thì trong Chương trình offline tháng 6 “Mẹ và con trai: Bên con tuổi dậy thì” diễn ra lúc 14h00 ngày 29/6/2024 (thứ 7) tại Tòa soạn Báo Phụ nữ Việt Nam (47 Hàng Chuối, quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).