Món ăn dù có nguyên liệu cao cấp, tươi ngon đến đâu, giàu dinh dưỡng đến thế nào cũng trở nên khó ăn nếu bạn nêm nếm quá mặn. Không phải món nào cũng có thể chữa bằng cách cho thêm nước.
Mẹo giảm độ mặn của món ăn mà không cần thêm nước
Để giảm độ mặn của món ăn khi lỡ tay cho nhiều mắm, muối, bạn có thể thử những cách dưới đây:
Dùng giấm hoặc nước chanh tươi
Nếu món ăn bị mặn, bạn có thể thử thêm gia vị hoặc thành phần nào đó có tính axit như nước cốt chanh, giấm ăn hay các loại quả chua để trung hoà độ mặn. Bạn nên cho gia vị vào món ăn một cách từ từ, sau đó nêm nếm lại đến khi thấy vị mặn giảm bớt là được.
Bạn cần cố gắng chọn loại gia vị chua phù hợp với đặc điểm hương vị của món ăn. Để an toàn, bạn cũng có thể chọn loại có vị trung tính như giấm gạo hoặc giấm rượu trắng vì chúng tương thích với rất nhiều món khác nhau.
Hút vị mặn bằng lòng trắng trứng
Mẹo giảm độ mặn của món ăn mà không cần thêm nước này sẽ khiến bạn bất ngờ. Những món canh, soup bị mặn có thể được khắc phục hiệu quả bằng cách lấy lòng trắng của trứng gà, trứng vịt còn nguyên (đừng đánh tan) thả vào nồi, để sôi 5 phút rồi vớt ra. Cách này giúp cho vị mặn của món ăn giảm đi đáng kể. Tuỳ theo lượng đồ ăn mà bạn có thể dùng số lượng lòng trắng sao cho phù hợp.
Làm dịu vị mặn bằng mật ong
Mật ong không chỉ giúp giảm vị mặn mà còn làm tăng hương vị cho món kho, soup nhờ vị ngọt thơm tự nhiên. Bạn chỉ cần nêm 1 thìa nhỏ mật ong để sẽ giúp giảm vị mặn và món ăn thơm ngon hơn.
Nếu không có mật ong, bạn có thể sử dụng đường để thay thế.
Dùng khoai tây
Bạn hãy thái mỏng những lát khoai tây sống thả vào nồi canh hoặc món xào bị mặn, để ít nhất 15 phút. Những lát khoai tây này hút muối rất hiệu quả, sau đó bạn chỉ cần cho thêm một chút bột ngọt là nồi canh sẽ ngon như ban đầu.
Dùng cà chua
Cà chua cũng là loại thực phẩm giúp giảm bớt vị mặn hiệu quả. Bạn chỉ cần cắt cà chua thành những lát dày rồi cho vào món ăn, ngâm từ 10 đến 15 phút để nó hút bớt muối. Tuy nhiên, cà chua sẽ không hiệu quả bằng những mẹo giảm độ mặn của món ăn mà không cần thêm nước kể trên vì chất chua của nó rất nhẹ dịu.
Cách nêm nếm gia vị thơm ngon, chuẩn vị
Để món ăn có vị chuẩn, thơm ngon, hấp dẫn, bạn hãy lưu ý những cách nêm nếm gia vị dưới đây:
Muối: đối với các món canh, luộc, xào, bạn nên cho muối ở giai đoạn nước bắt đầu sôi và khi thực phẩm chuẩn bị chín. Với món kho, nướng thì nên ướp muối trước khi chế chiến để món ăn được ngấm gia vị.
Mỳ chính: Với các món canh, luộc, xào, nên nêm mỳ chính khi đồ ăn đã chín và đã tắt bếp. Với món kho nướng thì không nên cho mỳ chính.
Hạt nêm: Với món canh, luộc, xào, nên cho hạt nêm ở giai đoạn nước bắt đầu sôi, thực phẩm chuẩn bị chín. Với món kho, nướng, để thức ăn được thấm và ngon thì nêm ở giai đoạn ướp gia vị.
Nước mắm: Với món canh, luộc, xào, nrrn nêm khi đồ ăn đã chín hoặc tắt bếp. Đối với món kho, nên nêm nước mắm vào giai đoạn ướp gia vị.
Đường: Nên nêm đường khi món canh đã chín hoặc tắt bếp; với món kho thì nên ướp đường trước lúc chế biến. Với món nướng thì hạn chế cho đường vì dễ cháy khét.