Với dresscode mang tên “The Garden of Time” (khu vườn của thời gian), triển lãm thời trang Met Gala 2024 sẽ diễn ra vào ngày 06/05 tới đây. Dresscode của năm nay tuy không quá trừu tượng, nhưng để có thể hiểu và chọn trang phục đúng thì vẫn cần các khách mời đầu tư đáng kể công sức.
Để hiểu chính xác quy định về trang phục của sự kiện Met Gala 2024, trước tiên, chúng ta cần biết về concept của triển lãm năm nay. Theo thông báo chính thức từ bảo tàng Metropolitan, chủ đề của triển lãm lần này là “Sleeping Beauties: Reawakening Fashion” (tạm dịch: “Người đẹp ngủ say: Thức tỉnh thời trang”). Dù mang cái tên đậm màu cổ tích nhưng chủ đề này không hề liên quan đến câu chuyện của anh em nhà Grimm hay Disney, mà nó tập trung tôn vinh những bộ trang phục mang tính lưu trữ và mong manh đến mức dường như không còn có thể khoác lên người. Sử dụng thiên nhiên như một phép ẩn dụ trực quan cho tính nhất thời của thời trang, chương trình sẽ khám phá các chủ đề mang tính chu kỳ về sự tái sinh và đổi mới; đồng thời, thổi sức sống mới vào những món đồ được lưu trữ tại bảo tàng thông qua các hoạt động sáng tạo và phương pháp kỹ thuật tiên tiến nhất.
Tại triển lãm này, các khách tham quan sẽ được chiêm ngưỡng khoảng 250 sản phẩm may mặc và phụ kiện trải dài suốt bốn thế kỷ. Mỗi phòng trưng bày sẽ khám phá một chủ đề khác nhau lấy cảm hứng từ thế giới tự nhiên: có các bức tường được chạm nổi bằng hình thêu thực vật và hình côn trùng từ vạt áo thời Elizabeth; tường của căn phòng khác sẽ có đồ hoạ hoạt hình với những con rắn tạo khung cho đường viền cổ của một chiếc váy đính sequin đầu thế kỷ 20; và trần của một căn phòng nọ sẽ được chiếu hình ảnh đàn chim đen bao quanh chiếc váy dạ hội bằng vải tuyn màu đen do Madeleine Vionnet thiết kế ngay trước khi Thế chiến thứ hai bùng nổ. Điểm nhấn của cuộc triển lãm sẽ là một loạt “người đẹp ngủ say” – những bộ trang phục không thể mặc trên ma-nơ-canh do chúng cực kỳ mong manh. Chúng sẽ được trưng bày trong những khung kính, cho phép khách tham quan chiêm ngưỡng những thiết kế có niên đại hàng thập kỷ đến hàng thế kỷ.
Mặt khác, để hiểu quy tắc ăn mặc của “The Garden of Time”, chúng ta cũng cần biết đôi chút về nguồn cảm hứng của nó: một truyện ngắn cùng tên được viết bởi JG Ballard vào năm 1962. Truyện kể về vợ chồng vị Bá tước Axel sành điệu, sống trong khu biệt thự bề thế, có một vườn hoa trong suốt với những thân cây như thủy tinh lấp lánh và những viên pha lê ở trung tâm mỗi bông hoa. Bên ngoài khu biệt thự, có một đám đông hỗn loạn đang tràn đến. Tuy nhiên, mỗi lần Bá tước Axel cắt một bông hoa trong vườn, thời gian lại quay ngược và nhóm người tàn bạo lùi dần về phía sau những ngọn đồi. Câu chuyện kết thúc với việc đám đông tràn vào biệt thự, giờ là tài sản vô chủ với một khu vườn bị bỏ hoang, trong đó bức tượng của Bá tước và vợ bị vướng vào những cây cà tím đầy gai. Truyện ngắn này được coi là phép ẩn dụ cho sự tiến hóa của lịch sử loài người và chu kỳ sáng tạo-hủy diệt vô tận – nó khá tương đồng với chủ đề của triển lãm “Sleeping Beauties: Reawakening Fashion”.
Như vậy, từ concept triển lãm và nguồn gốc tên gọi của dresscode, thì các khách mời nên mặc trang phục như thế nào cho phù hợp? Nhìn chung, quy định về trang phục cũng như chủ đề triển lãm đều hướng tới những vẻ đẹp mang tính chất thoáng qua, phù du, dẫu lộng lẫy nhưng không thể trường tồn. Cách lý giải đơn giản nhất là bám vào phần “garden” (khu vườn) của cụm từ “The Garden of Time”. Hãy nghĩ đến những bông hoa mang dáng vẻ u sầu hay những họa tiết hoa rực rỡ trên nền vải tối màu đầy bí ẩn.
Trong số những trang phục được triển lãm vào tháng 5, sẽ có chiếc áo khoác dạ màu đen của Charles Frederick Worth, được cắt từ vải dệt jacquard với hoạ tiết hoa tulip Parrot vô cùng rực rỡ, có niên đại từ năm 1889. Sẽ là lựa chọn thông minh nếu ai đó cân nhắc đến BST mùa xuân năm 2014 của Dries Van Noten – có một số trang phục màu đen được thêu hoa tulip Parrot khá tương đồng với chiếc áo choàng của Charles. Các minh tinh cũng có thể tìm thấy cảm hứng trang phục từ BST CHANEL Haute Couture Xuân Hè 2015. Các thiết kế đính kết hoa lộng lẫy được sáng tạo dựa trên ý tưởng về những bông hoa chỉ tồn tại trong mộng tưởng của con người.
Tin vui là không nhất thiết phải “đào” lại từ kho lưu trữ, các khách mời của Met Gala hoàn toàn có thể tìm thấy những trang phục liên quan đến hoa trong các BST cao cấp mùa Xuân Hè 2024. Trong BST Jean Paul Gaultier Haute Couture Xuân Hè 2024, người mẫu khoác lên mình những trang phục xuyên thấu mỏng manh, tay cầm một đóa hoa hồng phủ bạc vô cùng xa hoa. Hay như thiết kế số 36 từ BST Giambattista Valli Haute Couture Xuân Hè 2024, nó mang kiểu dáng vương giả của trang phục quý tộc thời Trung cổ, nổi bật với bản in hoa xanh-tím đẹp như một khu vườn mùa xuân đang độ rực rỡ nhất. Và để tăng thêm độ ấn tượng, các ngôi sao có thể cân nhắc việc sử dụng hoa thật, đặc biệt là hoa đã úa tàn hoặc hoa khô để tô đậm khía cạnh về sự lụi tàn, sụp đổ của chủ đề.
Bên cạnh đó, chúng ta cũng có thể tìm kiếm những manh mối không liên quan đến hoa trong tác phẩm truyện ngắn của JG Ballard. Mặc dù sự hủy diệt đang rình rập, nữ Bá tước vẫn chơi nhạc trên cây đàn harpsichord của mình. Những trang phục với họa tiết phím đàn hoặc nốt nhạc bay bổng như mẫu đầm đến từ BST Valentino Xuân Hè 2014 có thể phản ánh một cách tuyệt đẹp khía cạnh này. Đối với những ai muốn theo sát chi tiết trong truyện, thì Bá tước Axel được mô tả là người thích mặc đồ nhung đen và đeo cà vạt bằng lụa.
Thời gian – sự đảo ngược của nó và sự bất lực của chúng ta trước nó – là một khía cạnh khác để khai thác. Ai đó có thể diện chiếc đầm dài in hình đồng hồ cây thuộc BST Thu Đông 2022 của Moschino. Và tất nhiên, một số khách mời có thể đi theo hướng tăm tối hơn, tập trung vào sự suy tàn, sụp đổ song hành cùng tái sinh. Alexander McQueen, thương hiệu có niềm đam mê bất tận đối với cái chết và sự phân hủy, đặc biệt là liên quan đến thiên nhiên – hẳn sẽ là cái tên mà nhiều người đang nghĩ đến.
Các khách mời của Met Gala cũng có thể đặt câu chuyện gốc sang một bên để đi sâu vào triển lãm, nơi tôn vinh nguồn cảm hứng về thiên nhiên trong thời trang. Vượt ra ngoài phạm vi của những đóa hoa yêu kiều – hãy nhìn vào các loài động thực vật ít được sử dụng hơn trong thời trang. Nếu xem xét các chủ đề phụ là Đất, Biển và Bầu trời, các ngôi sao có thể xem xét đến thời trang lấy cảm hứng từ thớ gỗ (một loại vải lụa moiré chẳng hạn), hoa văn vảy cá và hiệu ứng ánh kim của cánh chuồn chuồn.
Cuối cùng, bản chất của toàn bộ cuộc triển lãm và dresscode cho buổi tiệc thời trang đều liên quan đến những món đồ đẹp đẽ mang trong mình dấu vết của thời gian. Vậy nên các minh tinh hoàn toàn có thể chọn trang phục được thiết kế lại từ những kiểu mẫu biểu tượng của các thương hiệu cao cấp, giống như Natalie Portman đã diện chiếc đầm được tái tạo theo nguyên mẫu chiếc đầm dạ hội Juno huyền thoại của Christian Dior.
Tác giả: Vũ Thảo