Cuộc sống tất bật thời hiện đại lấy đi quá nhiều thời gian của người lớn. Thế nhưng, dưới con mắt trẻ thơ đó chính là sự vô tình, bởi thời gian của bố mẹ mới là món quà mà trẻ nhỏ ao ước nhất.
Dành thời gian đọc sách cùng con
Đó không chỉ là đúc kết của tác giả Phạm Thị Hoài Anh – nhà giáo dục về sách thiếu nhi, mà còn là kết quả nghiên cứu của giới nghiên cứu tâm lý học trẻ em – về sự tác động và ảnh hưởng của đời sống hiện đại đối với tâm lý và sự hình thành nhân cách con trẻ.
Phạm Thị Hoài Anh là một nhà giáo dục về sách thiếu nhi, đồng thời cũng là tác giả, dịch giả sách thiếu nhi với các tựa sách nhận được sự yêu mến của đông đảo bạn đọc như: Trái tim của mẹ, Bàn tay của bố, Tạm biệt bà ngoại, Mommy’s Heart. Chị hai lần nhận giải thưởng sách Quốc gia cho các cuốn sách “Trái tim của mẹ” và “Nâu Nâu thị thành, Xanh Xanh đồng quê” (tác giả Mo Willems, họa sĩ Jon J Muth, sách dịch).
Mới đây, Phạm Thị Hoài Anh cùng Đậu Đũa – nữ họa sĩ đầu tiên minh họa tác phẩm văn học thiếu nhi Việt Nam kinh điển “Dế mèn phiêu lưu ký” của nhà văn Tô Hoài ra mắt cuốn sách “Daddy’s Hand”.
Cuốn sách là một thước phim quay chậm với những khung hình tuyệt đẹp về những khoảnh khắc thường ngày giản dị mà đầy ắp niềm vui và tiếng cười của người bố bên cô con gái nhỏ.
Mỗi trang sách với lời kể thủ thỉ, ngọt ngào và tranh minh họa rực rỡ đầy tình cảm chạm tới những cảm xúc trong lành nhất trong trái tim của bạn đọc nhỏ tuổi cũng như người lớn, bởi đó cũng chính là những yêu thương mà bất cứ ai trong mỗi chúng ta cũng đều cảm nhận được từ tình yêu của cha mẹ.
Là tác giả sách và hoạt động giáo dục thiếu nhi, chị Hoài Anh cho rằng: “Cho dù là nhân dịp gì đi nữa, thì bản thân vẫn luôn tin rằng, món quà các con thích nhất trên đời vẫn là “thời gian của bố mẹ”. Được trọn vẹn ở bên bố mẹ, cùng chơi một trò chơi vui, cùng ngắm nghía một điều đẹp đẽ, cùng tám chuyện và trêu đùa hay cùng suy tư, ngẫm nghĩ… hẳn là sẽ rất vui!”.
Tuy nhiên trong cuộc sống hiện đại, những tất bật của công việc, của mưu sinh kiếm sống đã lấy đi quá nhiều thời gian của người lớn. Điều đó vô tình gây tổn thương và cả những hệ lụy không nhỏ đối với con trẻ. Không khó để chúng ta phát hiện ra, trong rất nhiều gia đình con trẻ đã bị cuốn vào thiết bị công nghệ nhằm giải tỏa sự cô đơn.
Khi trẻ thiếu đi sự yêu thương dẫn đến trạng thái cô đơn, trầm cảm, một số trẻ có thể xuất hiện hành vi như gây hấn, bắt nạt, gây rối hoặc trộm cắp nhằm giúp thỏa mãn nhu cầu thể hiện cảm xúc cũng như thu hút sự chú ý của bố mẹ. Ngoài ra, với những trẻ thiếu sự quan tâm và thời gian gần gũi với cha mẹ có thể dẫn tới kết quả học tập kém do sự trì trệ trong việc phát triển cảm xúc.
Tuy nhiên, đáng lo ngại nhất là dấu hiệu tổn thương tâm lý. Cha mẹ không dành thời gian cho con cái khiến chúng nghĩ rằng bản thân không được quan tâm. Qua thời gian dài, một số trẻ trở nên bất cần và đa số trẻ bị dồn nén sinh ra tâm lý tiêu cực, cố tình đi “chệch hướng”. Một số vụ án hoặc cách ứng xử xấu mà trẻ em gây ra phát xuất từ nguyên nhân này.
Chị Hoài Anh cho biết, sau 14 năm đồng hành đọc sách cùng con, điều lớn nhất bản thân nhận được chính là sự kết nối khăng khít giữa cha mẹ với con cái, sau đó là sự kết nối giữa thầy cô và gia đình. Để giúp con cái có đời sống tinh thần phong phú và nuôi dưỡng tâm hồn thì cha mẹ bắt buộc phải dành thời gian cho con cái, hướng trẻ đến với sách.
Nếu như thời gian là món quà quý giá nhất thì sách chính là một người bạn vô cùng tuyệt vời mà cha mẹ dành cho con cái. Để tăng cường kết nối, làm bạn và thấu hiểu con hơn, cha mẹ nên dành 15 phút mỗi ngày để đọc sách cùng con.
Chăm sóc cảm xúc của con
Đồng quan điểm với nhà giáo dục Phạm Thị Hoài Anh, TS Nguyễn Thị Thu (Aki Nguyễn) – tác giả bộ sách “Kỷ luật mềm” cũng cho rằng: “Chúng ta không có quyền lựa chọn gia đình mình sinh ra, nhưng có quyền lựa chọn xây dựng một gia đình ra sao, nuôi dạy những đứa con như thế nào. Nỗ lực thay đổi bản thân, đó là con đường làm cha mẹ tuyệt vời nhất. Nếu thực sự yêu con, chúng ta hãy sống hết mình với cuộc đời”.
Theo TS Nguyễn Thị Thu, việc dành thời gian cho con cái là yêu cầu bắt buộc và tối thiểu nhất của bậc cha mẹ. Trong cuộc sống hiện đại, việc đưa con trẻ vào nền nếp, xây dựng quy tắc trong gia đình là rất cần thiết: “Trẻ cần lớn lên trong môi trường giáo dục có tính nhất quán, có quy định và quy tắc. Đặc biệt trẻ từ 3 tuổi trở lên là độ tuổi phát triển mạnh về tư duy và nhận thức, nhất là nhu cầu thể hiện cái tôi. Từ giai đoạn này trẻ cần người lớn hướng dẫn bằng những chỉ dẫn rõ ràng và đưa ra quy định để trẻ biết đâu là giới hạn được phép và không được phép”.
Theo bà Thu, quá trình lớn lên trong “khung quy tắc ứng xử” ấy cùng với những cách ứng xử tôn trọng, khích lệ, biết đặt câu hỏi để trẻ tự nhận thức sẽ dần giúp trẻ tự điều chỉnh được hành vi của bản thân, tự phán đoán và chủ động hơn trong mọi việc.
Đặc biệt cha mẹ phải coi trọng việc chăm sóc cảm xúc của con để nuôi dưỡng sự tự tin từ nội tâm, rèn luyện kỹ năng mềm, những năng lực phi nhận thức như EQ (chỉ số thông minh cảm xúc), SQ (chỉ số thông minh nhạy cảm). Đây là cách tốt nhất để nâng cao năng lực cảm thụ và khả năng học hỏi sau này.