Có một cô bé thường xuyên cảm nhận được lòng tốt của mẹ mình. Mỗi ngày, cô bé muốn lan tỏa lòng tốt ấy tới mọi người xung quanh, cho dù đó chỉ là một lời chào vui vẻ vào buổi sáng, một cái ôm ấm áp hay một lời chúc ngủ ngon, tất cả đều được cô bé thể hiện một cách rất chân thành.
Khi ra ngoài, cô bé cũng thường xuyên giúp đỡ người khác như giúp người già qua đường, mua thức ăn cho những người nghèo khổ hoặc chủ động giúp các bạn khó khăn trong lớp. Hành động của cô bé khiến cha mẹ rất tự hào.
Ngày nay, nhiều cha mẹ cố gắng nuôi dạy con mình trở thành một đứa trẻ có trách nhiệm, kiên cường, giỏi giang… nhưng lại quên mất một đức tính cũng quan trọng không kém chính là lòng nhân ái.
Nhà là nơi mang lại sự thoải mái, an toàn, có thể nạp lại năng lượng sau một ngày dài mệt mỏi, nhưng nó cũng là nơi có thể xảy ra những căng thẳng, xung đột, tiêu cực.
Một trong những cách để tạo nên một ngôi nhà hạnh phúc là nuôi dưỡng lòng nhân ái trong mỗi thành viên. Lòng nhân ái, sự tử tế có nghĩa là một người có đức tính rộng lượng, cho đi mà không mong cầu nhận lại bất cứ điều gì.
Tại sao lòng nhân ái lại quan trọng trong gia đình?
Có nhiều lý do để cha mẹ chú trọng tới lòng nhân ái trong gia đình mình.
Thứ nhất, nó giúp tạo ra một môi trường tích cực, mọi người hỗ trợ lẫn nhau. Điều đó sẽ giúp xây dựng lòng tin, sự tôn trọng, hơn nữa còn mang lại sự gắn kết, thân thiết giữa các thành viên.
Thứ hai, nó làm giảm sự căng thẳng. Một trong những nguyên nhân gây bệnh, có tác động tiêu cực tới sức khỏe thể chất và tinh thần chính là căng thẳng. Khi chúng ta có tấm lòng nhân ái, nó sẽ giải phóng oxytocin, còn được gọi là “hormone hạnh phúc”, giúp giảm căng thẳng, bình tĩnh và thư giãn.
Thứ ba, nó giúp giảm xung đột. Khi một người phản ứng với các xung đột trong gia đình bằng sự tử tế, nhân ái thay vì giận dữ và thất vọng, họ có khả năng tìm ra tiếng nói chung hay cách giải quyết tốt nhất cho cả 2 bên. Những đứa trẻ được sống trong môi trường lành mạnh, vui vẻ, ít xung đột có khả năng phát triển tốt hơn.
Thứ tư, nó giúp truyền cảm hứng cho người khác. Khi chứng kiến một hành động tử tế, tốt lành, não sẽ tiết ra một loại hormone mang lại cảm giác dễ chịu. Lòng tốt có tính lây lan, khi chúng ta thực hiện những hành động tử tế, chúng ta truyền cảm hứng cho người khác cũng làm như vậy.
Cách thực hành lòng nhân ái trong gia đình
– Thể hiện sự đánh giá cao và lòng biết ơn
Một trong những cách đơn giản và hiệu quả nhất để thể hiện lòng nhân ái trong gia đình là thể hiện sự cảm kích và biết ơn. Điều này có thể đơn giản như dạy trẻ nói lời cảm ơn, cha mẹ khen ngợi con đã hoàn thành tốt công việc hoặc bày tỏ lòng biết ơn về một hành động tử tế của con.
Một cách dễ dàng để làm điều này là để lại lời ghi chú dưới gối, trong hộp cơm trưa hoặc qua tin nhắn.
– Lắng nghe tích cực
Một cách khác để thể hiện lòng tốt là tập lắng nghe tích cực. Điều này có nghĩa là cha mẹ dành toàn bộ sự chú ý cho con mình khi con đang nói và cố gắng hiểu quan điểm của con. Làm điều này cho thấy rằng, cha mẹ coi trọng suy nghĩ, cảm xúc và quan tâm đến những gì con nói.
– Đưa ra sự giúp đỡ và hỗ trợ
Điều quan trọng là người mẹ giúp con cái trong trường hợp cần thiết chứ không phải trong mọi thứ.
Bằng cách đưa ra sự giúp đỡ và hỗ trợ, cha mẹ cho thấy rằng mình quan tâm và sẵn sàng làm những gì cần thiết để giúp cuộc sống của con cái dễ dàng hơn.
– Ăn mừng những thành công
Điều quan trọng là phải ăn mừng những thành công và cột mốc quan trọng trong gia đình. Điều này có thể đơn giản như ghi nhận một việc nào đó mà trẻ hoàn thành tốt hoặc phức tạp như tổ chức một bữa tiệc để kỷ niệm một dịp đặc biệt.
Bằng cách ăn mừng những thành công, cha mẹ cho trẻ thấy rằng, họ coi trọng những gì trẻ làm và chú trọng tới một môi trường tích cực trong gia đình.