Cụ thể, ngày 23/4, Ngân hàng Nhà nước cho 9 thành viên vay gần 36.000 tỷ đồng thông qua kênh OMO với kỳ hạn 14 ngày. Đáng chú ý, lãi suất trúng thầu đã tăng lên 4,25%/năm thay vì 4%/năm trong thời gian qua. Đây cũng là mức lãi suất cao nhất trên kênh OMO kể từ giữa năm 2023.
Ngoài ra, khoản vay qua kênh OMO hôm 16/4 (kỳ hạn 7 ngày) cũng đáo hạn với tổng giá trị gần 12.000 tỷ đồng, từ đó hút về số tiền tương ứng.
Cũng trong phiên hôm nay, NHNN đã phát hành 2.150 tỷ đồng tín phiếu với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 3,73%/năm. Có 3 thành viên tham gia và 2 thành viên trúng thầu. Đồng thời lô tín phiếu phát hành ngày 26/3 đáo hạn, theo đó NHNN bơm trở lại thị trường 3.700 tỷ đồng.
Như vậy trong ngày hôm nay NHNN đã bơm ròng hơn 25.500 tỷ đồng.
Trước đà tăng nóng của tỷ giá, Ngân hàng Nhà nước đang thực hiện đồng bộ các biện pháp để ổn định thị trường. Song song với phát hành tín phiếu, NHNN sử dụng thêm kênh OMO để điều tiết thanh khoản, lãi suất thị trường liên ngân hàng.
Động thái tăng lãi suất OMO được cho sẽ có tác động tới lãi suất VND trên thị trường 2, từ đó thu hẹp chênh lệch lãi suất USD – VND trên thị trường liên ngân hàng mà không ảnh hưởng nhiều tới mặt bằng lãi suất trên thị trường 1. Thông qua đó nhà điều hành hạn chế hiện tượng đầu cơ USD, giảm sức ép lên tỷ giá.
Trong cơ cấu các lãi suất điều hành, lãi suất OMO là loại lãi suất có tác động mạnh tới thị trường bởi gắn trực tiếp và thường trực với chi phí hỗ trợ nguồn cho hệ thống, đặc biệt có tính bình ổn trong những trường hợp thanh khoản hệ thống cần hỗ trợ.
Trước đó, ngày 19/4, NHNN đã có động thái công khai bán can thiệp ngoại tệ cho các ngân hàng có trạng thái ngoại tệ âm để chuyển trạng thái ngoại tệ về 0, với mức bán tỷ giá can thiệp là 25.450 đồng. Tuy nhiên thực tế đến ngày 23/4, tỷ giá USD tại các ngân hàng vẫn tiếp tục tăng mạnh và niêm yết ở mức kịch trần 25.488 đồng.
Tại họp báo mới đây của Ngân hàng Nhà nước, Phó Thống đốc Đào Minh Tú cho biết tất cả những nguyên nhân khiến tỷ giá tăng đã được NHNN đánh giá và có những biện pháp điều chỉnh bằng công cụ của mình, gồm cả công cụ tỷ giá trung tâm đồng cũng như quản lý thị trường…, nhằm đảm bảo cung cầu ngoại tệ phù hợp. Và trong trường hợp cần thiết, NHNN sẽ sử dụng dự trữ ngoại hối để can thiệp tỷ giá, đảm bảo mục tiêu đề ra. “Quan điểm điều hành tỷ giá của Việt Nam rất linh hoạt, mặc dù chúng ta vẫn tiếp tục ổn định tỷ giá cho nền kinh tế nhưng không cố định, ngược lại còn lên xuống để phù hợp với tình hình và tránh những tác động mạnh của thế giới. Chúng tôi cũng sẵn sàng can thiệp nếu như tỷ giá tiếp tục có những tác động bất lợi”, ông Tú nói.