Để nấu cháo, nhiều người vẫn có thói quen đổ nước vào gạo rồi đun. Cách làm này rất sai lầm, khiến hạt cháo không nở bụng và mất đi vị ngọt. Vậy đâu là cách nấu cháo ngon, chuẩn vị?
Bí quyết nấu cháo ngon, hạt nhừ tơi, vừa thơm vừa sánh
Sau đây là quy trình nấu cháo chuẩn mà các đầu bếp nhà hàng thường áp dụng để có được nồi cháo thơm ngon.
Lựa chọn nguyên liệu
Một yếu tố quan trọng quyết định nồi cháo có thơm ngon hay không chính là các hạt gạo. Bạn nên chọn các loại gạo mới, dẻo để cháo có vị béo ngọt, thơm.
Nên trộn gạo tẻ với một ít gạo nếp để tạo độ quánh vừa phải, tăng hương vị. Theo các đầu bếp, tỷ lệ nếp và gạo là 1/10 gạo. Không nên cho quá nhiều gạo nếp vì sẽ khiến món cháo bị nhão. Nên rửa gạo dưới vòi nước, tránh dùng tay vo nhiều lần vì sẽ mất chất dinh dưỡng và hương thơm.
Ngâm gạo
Đây là một trong những bí quyết nấu cháo ngon, nhừ tơi, sánh mịn mà nhiều người không biết.
Hãy chọn một chiếc nồi lớn, cho vào khoảng 1 lít nước, đổ gạo đã vo và 3 giọt dầu mè vào, khuấy đều. Đây là bước quan trọng giúp những hạt gạo nở bung khi nấu, đồng thời còn giúp gạo ngấm mùi thơm của dầu mè, tăng hương vị và màu sắc của nồi cháo. Bạn không nên bật bếp đun ngay mà hãy ngâm gạo khoảng 1 giờ trước khi nấu.
Nấu cháo
Sau 1 tiếng ngâm gạo, bạn bật bếp đun cháo ở nhiệt độ cao, khi thấy nước trong nồi bắt đầu sủi bọt thì nhanh tay dùng đũa đảo đều. Cách này giúp cháo không bị dính vào đáy nồi.
Đợi nồi cháo sôi, bạn chuyển sang nhiệt độ vừa. Khi muốn chế thêm nước vào cháo, bạn cần cho nước nóng vì nước lạnh sẽ làm cháo bị vữa. Nồi cháo của bạn sẽ có hương thơm và độ sánh rất đẹp mắt.
Sau khi sôi khoảng 5 phút thì nồi cháo sẽ đặc dần, bạn cần giảm nhiệt độ xuống mức thấp nhất và khuấy liên tục trong khoảng 5 phút, sau đó tắt bếp. Cách làm này sẽ giúp cháo không bị vữa, hạt gạo nở bung và sánh. Lưu ý không đun cháo sôi quá lâu vì sẽ khiến hạt gạo bị hút nhiều nước, mất đi hương vị thơm ngon.
Cháo là món ăn ngon miệng, bổ dưỡng, giúp hồi phục sức khỏe rất tốt. Tùy theo sở thích và thể trạng, bạn có thể kết hợp cháo với các nguyên liệu khác nhau để tạo nên món ăn giàu dinh dưỡng, hợp khẩu vị và tình hình thể chất.
Người mệt mỏi có thể ăn cháo thịt gà, cháo thịt bò, cháo cá hồi, cháo tôm. Người cảm cúm nên ăn cháo bí đỏ, cháo thịt băm gừng tươi. Người bị sốt nên ăn ch áo trứng đậu xanh, cháo gà, cháo trứng gà tía tô…
Đặc biệt, để món cháo thơm ngon hơn, bạn nên ăn nóng và có các gia vị đi kèm như hành lá, tía tô, gừng…