• Điều hòa có thời gian hoạt động tối thiểu và tối đa mà người dùng cần lưu ý
• Liên tục tắt đi bật lại điều hòa sẽ gây tiêu tốn nhiều điện hơn
• Điều hòa sẽ không tốn điện nếu người dùng biết sử dụng đúng cách
Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia, trong hôm nay và ngày mai, nhiều khu vực trên cả nước trải qua nắng nóng, nhiệt độ có nơi trên 38 độ C. Chính bởi vậy vào lúc này, loạt thiết bị làm mát trong nhà như quạt và điều hòa sẽ được huy động hết công suất, nhằm phục vụ cho nhu cầu của người dùng.
Tuy nhiên, để tiết kiệm điện năng, nhiều gia đình thay vì bật điều hòa xuyên suốt sẽ chỉ bật khởi động thiết bị trong khoảng 15-20 phút, sau đó nhanh chóng tắt đi. Họ cho biết khi bật điều hòa, cảm thấy không gian đã mát thì tắt ngay rồi chuyển sang sử dụng quạt. Khi thấy không gian không còn mát nữa, lại tiếp tục bật lại điều hòa.
Ảnh minh họa
Quá trình này diễn ra lặp đi lặp lại trong ngày và được cho là giúp tiết kiệm điện năng bởi điều hòa không cần hoạt động trong thời gian dài. Tuy nhiên trên thực tế, theo đánh giá từ các chuyên gia cũng như dựa trên cơ chế hoạt động của điều hòa, đây là một hành động vô cùng sai lầm.
Nó không những không giúp tiết kiệm điện mà còn gây phản tác dụng – khiến thiết bị tiêu tốn nhiều điện hơn. Bên cạnh đó, điều hòa cũng bị suy giảm tuổi thọ, sức khỏe con người bị ảnh hưởng bởi sự thay đổi nhiệt độ liên tục.
Người dùng không nên tắt đi bật lại điều hòa liên tục. Các chuyên gia giải thích, mỗi lần khởi động, thiết bị sẽ cần sử dụng công suất tối đa, gấp 3 lần so với công suất thông thường. Còn với những người dùng chỉ có nhu cầu bật điều hòa trong một thời gian ngắn rồi tắt đi, cũng cần tham khảo con số về “thời gian tối thiểu” của thiết bị.
Nên bật điều hòa ít nhất bao lâu?
Theo các chuyên gia, tính trung bình, một chiếc điều hòa sẽ cần tối thiểu 15 – 20 phút để đảm bảo cung cấp khí lạnh cho toàn không gian. Con số này còn có thể tăng lên đến 40 phút, khi nhiệt độ ngoài trời lúc này cao hơn, thời tiết nắng nóng hơn, diện tích phòng lớn hơn, hay điều hòa lâu ngày không được bảo dưỡng, điều hòa bị rò điện.
Ảnh minh họa
Bởi vậy, với những gia đình chỉ có nhu cầu sử dụng điều hòa trong thời gian tối thiểu, cũng nên bật thiết bị ít nhất khoảng 1 giờ đồng hồ. Có như vậy, thiết bị mới đủ thời gian để vận hành hết quá trình khởi động của mình, cung cấp hơi lạnh cho không gian, phục vụ được nhu cầu làm mát của gia đình.
Trên thực tế, theo nhiều thử nghiệm của người dùng, điều hòa về cơ bản không phải thiết bị tiêu tốn quá nhiều điện năng. Các thử nghiệm cho thấy, ví dụ người dùng sử dụng điều hòa qua đêm, từ 9 – 12 tiếng, chi phí phải bỏ ra sẽ dao động trong khoảng 5.000 – 7.000 đồng, tùy vào chủng loại và công suất của chiếc điều hòa. Thậm chí với những loại điều hòa được trang bị công nghệ Inverter, lượng điện thiết bị tiêu thụ sẽ còn ít hơn.
Có thể thấy điều hòa là thiết bị đem lại hiệu quả làm mát tốt, giúp ngày hè trở nên dễ chịu hơn, đánh bay cái nắng nóng oi bức. Phải bỏ ra một khoản chi phí nhất định cho thiết bị này cũng không có gì là quá đáng. Miễn sao người dùng cân đối, sử dụng sao cho vừa hiệu quả, tiết kiệm lại đảm bảo duy trì được tuổi thọ và tình trạng hoạt động của thiết bị.
Những chiếc điều hòa được trang bị công nghệ Inverter tiêu tốn không quá nhiều điện năng (Ảnh Duy Luân Dễ Thương)
Song song với đó, người dùng cũng không nên bật điều hòa liên tục 24/24. Việc làm này kéo theo hệ lụy điều hòa sẽ bị quá tải, tiềm ẩn nguy cơ xảy ra chập cháy. Tốt nhất chỉ nên sử dụng tối đa 12-15 tiếng điều hòa/ngày, chia làm nhiều khung giờ khác nhau.
Mẹo dùng điều hòa vừa tiết kiệm, vừa hiệu quả
Để sử dụng điều hòa vừa hiệu quả, vừa tiết kiệm, người dùng có thể tham khảo thêm một số mẹo sau đây, dễ dàng áp dụng hàng ngày.
1. Dùng điều hòa kết hợp với quạt
Người dùng nên duy trì điều hòa hoạt động ở mức nhiệt từ 24, 25 độ trở lên. Sau đó sử dụng kết hợp điều hòa cùng quạt. Gió quạt sẽ giúp khí lạnh từ điều hòa phân bổ nhanh hơn, đều hơn ra toàn bộ không gian. Từ đó thời gian khởi động của điều hòa được rút ngắn nên cũng giúp tiết kiệm điện hơn.
Việc dùng kết hợp cùng quạt cũng giúp người dùng không cần chỉnh nhiệt độ điều hòa xuống quá thấp mà không gian phòng, không gian nhà vẫn được làm mát sâu.
Ảnh minh họa
2. Hạn chế ánh nắng mặt trời vào phòng
Ít ai để ý rằng, nhiệt độ bên ngoài môi trường cũng có thể ảnh hưởng trực tiếp tới hiệu quả hoạt động của chiếc điều hòa. Cụ thể vào buổi trưa chiều nắng nóng, nếu người dùng để quá nhiều ánh nắng trực tiếp chiếu vào phòng, điều hòa cũng cần nhiều thời gian và duy trì công suất cao hơn để làm mát phòng.
Chính bởi vậy, hãy chủ động hạn chế điều này bằng cách sử dụng rèm cửa, che các cửa sổ lại để hạn chế hết mức có thể việc ánh nắng trực tiếp, đặc biệt là vào buổi trưa chiều, chiếu vào phòng.
Ảnh minh họa
3. Vệ sinh, bảo dưỡng điều hòa định kỳ
Một điều nữa cũng nhiều người bỏ qua khi dùng điều hòa đó là vệ sinh và bảo dưỡng điều hòa. Điều hòa lâu ngày không được thực hiện việc này sẽ tốn nhiều điện hơn khi hoạt động, đồng thời suy giảm hiệu hỏa bởi lớp bụi bẩn bám dày trên các bộ phận. Có thể kể tới như tấm lưới lọc ở dàn lạnh điều hòa hay cánh quạt khu vực cục nóng.
Các chuyên gia khuyên rằng, người dùng nên thực hiện công việc vệ sinh khoảng 3-4 tháng/lần. Còn bảo dưỡng định kỳ cần nhờ tới sự hỗ trợ của các chuyên viên kỹ thuật, thực hiện khoảng 1-2 lần/năm.