Theo bác sĩ một bệnh viện tại TPHCM, nếu đường cong biểu diễn chiều cao của trẻ nằm ngang hoặc đi xuống và đã loại trừ vấn đề suy dinh dưỡng thì rất có thể, trẻ rơi vào trường hợp chậm tăng trưởng chiều cao do thiếu hormone tăng trưởng (GH).
“Triển vọng điều trị cho trẻ bị chậm tăng trưởng do thiếu GH phụ thuộc nhiều vào thời điểm bắt đầu điều trị cho trẻ. Nếu tình trạng tăng trưởng chậm ở trẻ được chẩn đoán và điều trị sớm thì trẻ hoàn toàn có thể đạt được chiều cao gần với mức bình thường hoặc thậm chí phát triển bình thường như những đứa trẻ cùng tuổi khác”, bác sĩ Ngọc Anh nhấn mạnh.
Chậm tăng trưởng là tình trạng xảy ra khi tốc độ phát triển của trẻ không đạt được các mốc về cân nặng và chiều cao bình thường đối với từng độ tuổi. Các yếu tố ảnh hưởng chiều cao thường được phân thành các nhóm lớn gồm: di truyền, các yếu tố môi trường, dinh dưỡng, bệnh lý mạn tính và các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết.
Trong đó, yếu tố di truyền là không thể thay đổi được. Riêng trường hợp chậm tăng trưởng do thiếu GH (nằm trong nhóm các nguyên nhân liên quan bệnh lý nội tiết), theo thống kê, trên thế giới, ước tính chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 1/3000 – 1/4.000 nhưng đây là một trong những nguyên nhân quan trọng dẫn đến chậm tăng trưởng ở trẻ em và rất khó nhận biết.
Hầu hết trẻ chậm tăng trưởng chiều cao đơn thuần thì biểu hiện bên ngoài không có gì đặc biệt ngoài việc bé không tăng hoặc có tốc độ tăng chiều cao chậm. Trẻ thiếu GH ở thể nhẹ, dù không ảnh hưởng đến sức khoẻ nhưng chiều cao hạn chế. Riêng đối với trẻ thiếu GH nặng có thể có những biểu hiện như giảm sản vùng mặt giữa (tạo nên gương mặt giống búp bê), tay chân nhỏ, bộ phận sinh dục nhỏ ở nam…
Một số trẻ thiếu GH có thể có mỡ quanh vùng bụng, mũm mĩm dù tỷ lệ cơ thể bình thường. Trẻ thiếu GH cũng có thể sẽ thường xuyên thấy mệt mỏi. Ngoài ra, một số các triệu chứng về tâm lý cũng có thể xảy ra với trẻ thiếu GH như thiếu tập trung, trí nhớ kém…
Thông thường, trẻ chậm cao do thiếu GH có thể được chỉ định tiêm GH. Phương pháp điều trị này có thể được thực hiện liên tục trong vài năm khi trẻ đang trên đà phát triển.
Bắt đầu được triển khai từ năm 2017, tính đến nay, chương trình “Tầm soát chậm tăng trưởng chiều cao ở trẻ em” đã tầm soát miễn phí cho khoảng 2.400 trẻ. Tổng số trẻ được chẩn đoán thiếu hormone tăng trưởng thông qua chương trình là hơn 200 trẻ.