Mới đây, một đoạn video lan truyền trên MXH do camera ghi lại tại một gia đình gây xôn xao. Cụ thể, cậu bé khoảng 7-8 tuổi đang ở nhà một mình. Khi trên tay đang cầm một chiếc bật lửa, vì tò mò hay nghịch ngợm, cậu bé vô tình bật lên, đúng vị trí của đồ trang trí trong nhà.
Cậu bé vô tình làm cháy nhà
Nhưng đồ vật này đều là thúng tre, lá cọ được đan bằng dây mây… những thứ cực kỳ dễ cháy. Nên chỉ trong phút mốt ngọn lửa đã bùng lên dữ dội. Gặp tình huống này, ai nấy đều cảm thấy vô cùng lo sợ. Bé trai ngay lập tức dùng hết sức bình sinh dập tắt ngọn lửa.
Ban đầu, cậu bé dùng áo dập đám cháy. Tuy nhiên thấy không hiệu quả, cậu bé quyết định vào nhà tắm lấy đồ vật thấm nước rồi liên tục vẩy vào khu vực cháy. Rất may sau đó, ngọn lửa có dấu hiệu ngừng lại, tuy nhiên lửa vẫn đang cháy âm ỉ.
Theo dõi camera mà ai nấy thót tim. Có lẽ sau đó, cậu bé đã nhờ sự trợ giúp của ba mẹ. Đây chắc chắn là bài học dành cho bé cũng như các bậc phụ huynh trong việc phòng cháy chữa cháy trong gia đình.
Nhiều người quan sát phòng khá chật hẹp, có nhiều đồ dùng dễ gây cháy. Cậu bé lại vì tò mò nên nghịch ngợm bật lửa. Trẻ nhỏ trong độ tuổi hiếu động cần được dạy về an toàn phòng cháy chữa cháy và những đồ dùng không được phép nghịch.
Mùa hè chính là thời điểm mà các vụ hỏa hoạn thường xuyên xảy ra nhất. Bởi vì đây là thời điểm các em nhỏ nghỉ hè ở nhà và ít chịu sự giám sát của người lớn. Do đó, ba mẹ cần phải trang bị cho con các kỹ năng cần thiết liên quan tới vấn đề phòng chống cháy nổ.
Những kỹ năng cần dạy bé để xử lý hỏa hoạn
Báo cho người lớn khi phát hiện có cháy
Điều đầu tiên mà ba mẹ dạy trẻ khi trẻ phát hiện ra có đám cháy đó chính là trẻ cần phải báo ngay cho người lớn biết. Vì trẻ còn quá nhỏ để có thể tự mình xử lý được các đám cháy cho dù là nhỏ. Hơn nữa các bé còn quá nhỏ để nhận biết được nguyên nhân gây ra cháy và cách để dập tắt đám cháy. Vậy nên khi đám cháy xảy ra, trẻ cần nhanh chóng báo cho người lớn biết.
Đồng thời, các em cần được dạy rằng khi đám cháy xảy ra cần phải thật bình tĩnh để xử lý tình huống, và nhanh chóng tìm sự giúp đỡ của người lớn. Với những tình huống như vậy, không chỉ nhà trường mà ba mẹ cũng nên thường xuyên luyện tập cho trẻ khả năng xử lý vấn đề bình tĩnh và kịp thời. Hãy dạy cho trẻ biết việc báo cho người lớn giúp đỡ bé xử lý đám cháy càng sớm sẽ càng giúp giải quyết được vấn đề nhanh chóng.
Tìm cách thoát ra khỏi nơi xảy ra đám cháy
Ba mẹ cần dạy trẻ khi phát hiện ra đám cháy thì cần phải vừa tìm sự giúp đỡ của người lớn, vừa phải tìm cách thoát ra khỏi khu vực có đám cháy càng sớm càng tốt. Vì không khí xung quanh đám cháy rất độc hại, nếu trẻ ở lại đó quá lâu sẽ dẫn tới ngạt thở hoặc nhiễm khói độc. Đồng thời, ba mẹ cũng nên dạy trẻ cách nhận biết các lối thoát hiểm xung quanh nơi ở của mình để bé có thể tìm cách chạy thoát khi có đám cháy, đồng thời ba mẹ cũng cần dạy bé không được sử dụng thang máy khi có hỏa hoạn. Hãy hướng dẫn bé đi cầu thang bộ hoặc đi theo sát những người lớn xung quanh bé.
Bên cạnh đó, ba mẹ cần dạy trẻ khi phát hiện ra đám cháy, phải nhanh chóng chạy thoát ra khỏi đám cháy, không được chạy đi tìm hay mang theo những món đồ chơi, hay vật quan trọng với trẻ. Bởi vì việc tìm kiếm trong trường hợp này sẽ rất mất thời gian và càng đặt trẻ vào tình huống nguy hiểm hơn.
Cách tránh hít phải khói độc
Không khí quanh đám cháy rất là độc hại. Rất nhiều trường hợp tử vong khi xảy ra hỏa hoạn không phải là do bỏng lửa mà lại là do ngạt khói. Để tránh hít phải khói độc. Trong trường hợp này bạn cần phải dạy bé biết làm ướt khăn hoặc miếng vải nào đó mà bé tìm thấy xung quanh. Sau đó, dùng chúng để che mũi và miệng. Miếng khăn ướt có công dụng giống như một tấm màng lọc không khí, giúp trẻ không hít phải khói độc vào cơ thể bé.
Ngăn khói lan vào phòng
Trong trường hợp mà đám cháy xảy ra ngay tại lối thoát hiểm duy nhất của trẻ và trẻ không thể tự thoát ra được. Các bậc phụ huynh cần phải dạy trẻ bình tĩnh tìm cách giữ an toàn cho mình càng lâu càng tốt để kéo dài thời gian cho tới khi có người đến giúp đỡ trẻ. Bạn cần dạy bé dùng miếng vải lớn nhúng nước và chặn các khe hở của cửa để ngăn khói từ bên ngoài lan vào trong phòng. Ba mẹ cũng cần nhắc trẻ dùng khăn ướt để che miệng mũi trong trường hợp này. Đồng thời, dặn trẻ tuyệt đối không được nấp vào những nơi khó tìm hoặc không gian nhỏ. Nếu như trong phòng có cửa sổ hay ban công bạn cần dạy bé đứng ở đó và kêu gọi sự giúp đỡ, dùng những tấm vải màu sắc để thu hút sự chú ý của người khác.
Gọi điện nhờ sự giúp đỡ
Ba mẹ cần dạy trẻ ghi nhớ thông tin về số điện thoại của mình, hàng xóm. Sau khi trẻ đã thực hiện các bước đảm bảo an toàn trên thì cần phải gọi điện cho bố mẹ, hoặc hàng xóm để thông báo và yêu cầu sự giúp đỡ từ họ.
Dập lửa cháy trên quần áo bé đang mặc
Ba mẹ cần dạy bé nằm xuống sàn lăn qua lăn lại để dập tắt lửa hoặc chạy tới nơi có nước gần nhất để lấy nước dập tắt lửa trên quần áo, trong trường hợp không may quần áo của trẻ bị bắt lửa. Đồng thời, lúc này khi đồ trên người trẻ ướt cũng giúp trẻ giảm nguy cơ bị bỏng.