Càng đến gần kỳ nghỉ lễ 30/4 – 1/5, news feed lại càng ngập tràn những status về dự định sẽ làm gì trong mấy ngày nghỉ? Nào “Ngủ 5 ngày 5 đêm xuyên lễ” – Bạn gọi không dậy, sếp nhắn tin cũng mặc kệ!, nào là lên đồ ra biển, xách balo về quê,… cái nào nghe cũng hấp dẫn!
Và chính sự hấp dẫn này mà dân công sở không khỏi xao lãng chuyện công việc, và tình hình chung lúc này: Thân thể ở công ty, tâm hồn đã nghỉ lễ là thật.
Nhưng có những ngành nghề, trước lễ hay trong lễ thì cũng đều phải duy trì nhịp độ công việc, đặc biệt, những ngày sát lễ lại là những ngày căng nhất để kịp “deadline” nghỉ ngơi của khách hàng. Trong tình huống này, các sếp nên làm gì đây?
Hội chứng cứ sắp được nghỉ lễ lại muốn bỏ việc
Thu Hoài (27 tuổi, nhân viên công ty xuất nhập khẩu) thú nhận tâm trạng chán nản, không tập trung trước kỳ nghỉ kéo dài. Thỉnh thoảng, cô còn muốn nghỉ việc trong những ngày này:
“Mỗi khi sắp đến kỳ nghỉ là mình lại muốn… bỏ việc. Mà kỳ lạ là trong thời điểm phải làm việc bình thường thì không sao, chỉ khi dịp nghỉ lễ nào đó sắp đến mình mới có cảm giác này. Thậm chí mình còn nghĩ ‘Hay là xin sếp nghỉ sớm 1 ngày để về nhà sớm?’.
Nhưng đến hiện tại, khi còn 2 ngày nữa là được nghỉ thì mình vẫn chỉ dám nghĩ thôi chứ không dám làm. Vì đợt này đã được nghỉ 5 ngày rồi, xin nghỉ thêm nữa sẽ bị mắng mất”.
(Ảnh minh họa)
Lan Anh (24 tuổi, nhân viên văn phòng) cũng gặp tình trạng tương tự: “Trước mỗi kỳ nghỉ dài, mình có rất nhiều công việc phải hoàn thành nhưng lại không muốn làm gì cả, chỉ thấy uể oải cả về thể chất lẫn tinh thần. Đợt nghỉ lễ này cũng không ngoại lệ. Suốt cả tuần vừa rồi, mỗi ngày đi làm mình chỉ nghĩ đến việc sắp được tung tăng du lịch cùng người thân và đang đếm ngược từng giờ đến ngày nghỉ”.
Hiện tại, Lan Anh vẫn đang cố gắng duy trì công việc nhưng chắc chắn hiệu quả sẽ không được như bình thường. Tuy nhiên cô cũng chưa để xảy ra vấn đề gì nghiêm trọng để đến mức phải bị phạt hay khiển trách.
Không rơi vào trạng thái mệt mỏi nhưng Quang Huy (25 tuổi, IT) cũng để tâm hồn treo ngược cành cây, chỉ nghĩ đến các hoạt động vui chơi giải trí trong kỳ nghỉ.
“Thành thực mà nói thì 2 ngày trước kỳ nghỉ dài như 2 năm vậy, trong đầu mình chỉ nghĩ đến 2 chữ: Nghỉ lễ! Mình không đi chơi xa nhưng đã lên lịch dành 3 ngày 3 đêm để ngủ, thời gian còn lại đi cà phê, ăn uống cùng với gia đình và tụ tập bạn bè” – anh chàng nói.
(Ảnh minh họa)
Sếp không nghĩ tới chuyện phạt, mà dùng cách này để kéo nhân viên vào việc
Chị Thanh Dân – founder Nàng Thơm Communication cho biết vì đặc thù công việc trong lĩnh vực truyền thông, dòng chảy thông tin không bao giờ tạm dừng trong những ngày nghỉ lễ nên ngay từ tuyển dụng, chị đã chia sẻ thẳng thắn với nhân sự. Điều này giúp họ cân nhắc quyết định và đưa ra sự chọn lựa của mình trước khi gia nhập công ty.
Để giải quyết vấn đề hiệu quả công việc có thể bị giảm sút ở thời gian trước – trong và sau nghỉ lễ, chị cho biết: “Trung bình một năm, người lao động có 12 ngày nghỉ phép và ít nhất là 11 ngày nghỉ lễ. Để đảm bảo hiệu quả hoạt động, mỗi doanh nghiệp đều phải tìm giải pháp, giúp nhân sự tạo ra hiệu suất tốt nhất ở mọi thời điểm, phù hợp với tính chất ngành nghề của mình.
Ở công ty, tôi thường yêu cầu có kế hoạch rõ ràng cho từng dự án, bắt đầu từ khi nào và kết thúc lúc nào, trong bao nhiêu ngày, ai là người chịu trách nhiệm, tôi thường đánh giá hiệu quả cuối cùng. Đó là thước đo chính xác cho sự tập trung của từng thành viên trong suốt một quá trình dài hạn chứ không chỉ vài ngày trước hay sau lễ”.
Chị Thanh Dân
Cũng chính vì quan điểm này mà chị Thanh Dân cho rằng trong tình huống này nói riêng và môi trường công sở nói chung, “phạt hay không phạt” không phải là cách miêu tả hợp lý cho những thoả thuận giữa nhà quản lý và người lao động.
“Luật Lao động và bộ ứng xử nguyên tắc làm việc của từng công ty đều có, 2 bên dựa vào đó để làm việc với nhau sao cho hợp tình hợp lý. Một nhân sự chuyên nghiệp là người có thể điều chỉnh cảm xúc mình cho phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp. Và tôi luôn dành thời gian tìm kiếm những người có tinh thần chuyên nghiệp thay vì ngồi nghĩ ra hình phạt” – chị nói.
KTS Đoàn Mạnh – Founder kiêm CEO công ty thiết kế thi công nội thất Combo Home cũng nắm bắt sơ bộ tình hình nghỉ lễ 30/4 – 1/5 thông qua quản lý cấp trung và chưa phát hiện chuyện nhân sự để “tâm hồn treo ngược cành cây”. Hơn nữa vì vẫn phải đúng hạn hợp đồng với khách hàng nên nhìn chung mọi người đều khá tập trung, thậm chí còn tăng ca trước dịp nghỉ lễ để đảm bảo tiến độ.
KTS Đoàn Mạnh
Về việc xử lý nhân viên trong trường hợp không tập trung, làm ảnh hưởng đến công việc, anh Mạnh cho biết: “Nếu có chuyện đó, tôi nghĩ quản lý cần trao đổi thẳng thắn, đánh giá vào năng lực cũng như ý thức, trách nhiệm và xét thưởng cuối năm của nhân viên. Ở công ty tôi, nhân viên sẽ có lương cứng và % công trình, thêm nữa đặc thù nghề thiết kế cũng cần sáng tạo nhưng ban lãnh đạo luôn có quy định rõ ràng để quản lý vừa cứng vừa mềm.
Ngoài ra tôi cũng nhắc nhở nhân viên về chuyện làm hết sức chơi hết mình, nghiêm túc và tập trung để không ảnh hưởng đến chính các bạn. Với tình hình chung như hiện nay, các doanh nghiệp siết chặt mọi thứ, cắt giảm nhân sự mà nhân viên không đảm bảo được năng lực, ý thức và trách nhiệm thì chuyện bị cắt giảm hoàn toàn có thể xảy ra”.
Tuy nhiên anh Mạnh cũng đưa ra các phương án khích lệ nhân viên để duy trì tinh thần làm việc vì quan điểm “với doanh nghiệp con người là quan trọng nhất nên tôi luôn coi đội ngũ của mình là một tài sản”. Cũng chính vì vậy nên nếu nhân viên có tranh thủ xin thêm một vài ngày trong thời gian dịp nghỉ lễ này mà công việc vẫn đạt hiệu quả thì không có vấn đề gì.