Những ngày vừa qua, thông tin về trường hợp dương tính với bệnh bạch hầu đã khiến nhiều người không khỏi lo lắng, đặc biệt là các phụ huynh có con nhỏ.
Bạch hầu là bệnh gì?
Bạch hầu là một bệnh truyền nhiễm nghiêm trọng do vi khuẩn Corynebacterium diphtheriae gây ra, làm ảnh hưởng chủ yếu đến mũi, vòm họng và thanh quản. Tuy nhiên, trong một số trường hợp hiếm gặp, bệnh còn có thể xuất hiện ở da, các màng niêm mạc khác như kết mạc mắt, bộ phận sinh dục. Vi khuẩn bạch hầu sản sinh ngoại độc tố gây tổn thương tại chỗ, tạo thành giả mạc màu trắng xám bám chắc vào niêm mạc vùng hầu họng, thanh quản. Giả mạc này nếu bong ra có thể gây tắc nghẽn đường thở, dẫn đến suy hô hấp và tử vong.
Bạch hầu lây lan rất nhanh qua đường hô hấp, qua tiếp xúc trực tiếp với dịch tiết từ niêm mạc họng của người bệnh hoặc người lành mang trùng khi ho, hắt hơi. Bất cứ ai chưa được tiêm phòng đầy đủ hoặc có hệ miễn dịch suy yếu khi tiếp xúc với mầm bệnh đều có nguy cơ cao nhiễm bệnh, đặc biệt là trẻ nhỏ, người già và những người có khả năng miễn dịch kém. Dù bạch hầu đã có vắc xin phòng bệnh hiệu quả nhưng bệnh vẫn có thể xảy ra ở những người chưa được tiêm chủng đầy đủ hoặc những người đã tiêm phòng nhưng không tạo đủ miễn dịch, đặc biệt ở những vùng có tỷ lệ tiêm chủng thấp.
Trung bình sau khi nhiễm phải vi khuẩn từ 2 – 5 ngày, nhưng cũng có thể kéo dài đến 10 ngày, người bệnh sẽ bắt đầu phát bệnh. Tùy theo vị trí của mầm bệnh sẽ có những triệu chứng khác nhau. Các triệu chứng phổ biến của bệnh là sốt nhẹ, mệt mỏi, đau họng, nuốt khó, khàn tiếng, sưng hạch cổ. Đặc trưng của bệnh là xuất hiện giả mạc màu trắng xám bám chắc vào niêm mạc vùng hầu họng, khó bóc tách và dễ chảy máu nếu cố bóc tách.
Những ai dễ mắc bệnh bạch hầu?
– Người ở mọi độ tuổi có tiếp xúc với người bị nhiễm bạch hầu, đi du lịch đến các vùng dịch tễ của bệnh bạch hầu nhưng chưa được tiêm phòng vắc xin.
– Đối với trẻ sơ sinh: thường có miễn dịch thụ động từ mẹ truyền sang con nên không mắc bệnh nhưng miễn dịch bảo vệ này sẽ mất đi khi trẻ 6 tháng – 1 tuổi nên trẻ sẽ có nguy cơ mắc bệnh nếu không tiêm vắc xin.
– Ở trẻ em tuổi dễ mắc bệnh <15 tuổi nếu chưa có miễn dịch.
– Sau khi mắc bệnh sẽ có miễn dịch suốt đời tuy nhiên với những nhóm người suy giảm miễn dịch tỉ lệ tái nhiễm bệnh khoảng 2 – 5%.
– Miễn dịch bảo vệ sau tiêm vắc xin thường kéo dài khoảng 10 năm, hiệu quả bảo vệ của vắc xin lên đến 97% nhưng giảm dần theo thời gian, do vậy nếu không tiêm nhắc lại vẫn có thể mắc bệnh.
Các mũi tiêm bạch hầu dành cho trẻ ra sao?
Vắc xin phòng bệnh bạch hầu trong chương trình Tiêm chủng quốc gia (TCMR) có những loại vắc xin:
– Vắc xin 5 in 1 phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Hib – Viêm gan B: chỉ định tiêm khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi, 3 liều tiêm cách nhau 1 tháng.
– Vắc xin Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván: tiêm nhắc khi trẻ đủ 18 tháng tuổi.
– Vắc vắc xin Bạch hầu – Uốn ván: tiêm nhắc lại khi trẻ đủ 7 tuổi.
Vắc xin dịch vụ phòng bệnh bạch hầu có những loại vắc xin sau:
– Vắc xin 6 in 1 Hexaxim (Pháp) cùng Infanrix Hexa (Bỉ) phòng ngừa 6 bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt – Hib – Viêm gan B: Chỉ định tiêm 4 mũi khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi (có thể tiêm sớm từ 6 tuần tuổi).
– Vắc xin 5 in 1 Pentaxim (Pháp) phòng 5 bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt Hib: Tiêm 4 mũi khi trẻ 2, 3, 4 tháng tuổi và khi trẻ 16 – 18 tháng tuổi.
– Vắc xin 4 in 1 Tetraxim (Pháp) phòng bệnh Bạch hầu – Ho gà – Uốn ván – Bại liệt: dành cho đối tượng từ 2 tháng tuổi đến 13 tuổi, đặc biệt là tiêm nhắc khi trẻ 4 – 6 tuổi đối với những trẻ đã tiêm đủ 4 mũi vắc xin 5 in 1 hoặc 6 in 1 trước đó.
– Vắc xin 3 in 1 như Adacel (Pháp), Boostrix (Bỉ) phòng ngừa bộ 3 bệnh Bạch hầu – Uốn ván – Ho gà: Đối với trẻ trên 4 tuổi và người lớn, tùy vào tiền sử tiêm chủng của từng người mà bác sĩ sẽ có chỉ định số liều và lịch tiêm phù hợp.
Vì sao cần tiêm đủ các mũi, đặc biệt mũi nhắc lại của bệnh bạch hầu?
– Giảm tỷ lệ mắc bệnh và tử vong do vi khuẩn bạch hầu cho trẻ.
– Giảm nguy cơ lây nhiễm cho trẻ sơ sinh (từ 0 – 3 tháng tuổi) chưa được chủng ngừa đầy đủ trong cùng một gia đình.
– Tạo miễn dịch cộng đồng giúp phòng tránh dịch bệnh lây lan rộng rãi.
– Giảm các chi phí phát sinh khi mắc bệnh.
Liệu tiêm chủng phòng bạch hầu rồi có mắc bệnh nữa không?
Sau khi được tiêm chủng đầy đủ, cơ thể sẽ sinh ra kháng thể giúp bảo vệ chúng ta khỏi bệnh bạch hầu. Tuy vậy, có một số ít mắc có thể là không tuân thủ phác đồ tiêm chủng, không tiêm đủ liều, cũng có thể do suy giảm miễn dịch sau khi mắc các bệnh truyền nhiễm.
Tốt nhất, cha mẹ nên đưa con đi tiêm theo phác đồ. Không nên chủ quan chỉ tiêm 1-2 mũi rồi bỏ qua các mũi tiêm nhắc lại sau đó.
Tổng hợp