Theo thống kê của tổ chức ghi nhận ung thư thế giới Globocan năm 2022, số ca mắc ung thư vú đang gia tăng đáng kể và ngày càng trẻ hóa. Tại Việt Nam, ung thư vú chiếm tỉ lệ 28,9% tổng số ca ung thư ở nữ giới. Đây được được xem là loại ung thư có tỉ lệ sống còn cao (lên đến hơn 90%) nếu được phát hiện ở giai đoạn đầu.
Đối tượng nên tầm soát ung thư vú
Ung thư vú xuất phát từ sự biến đổi của tế bào tuyến vú, tạo thành khối u có thể xâm lấn tại chỗ và di căn đến các cơ quan khác, với các yếu tố nguy cơ như tuổi tác, di truyền, tiền sử bệnh và lối sống.
Theo Hiệp hội Ung thư Mỹ (ACS), lịch tầm soát ung thư vú ở phụ nữ tùy thuộc vào từng nhóm nguy cơ. Các yếu tố thuộc nhóm nguy cơ cao bao gồm: tiền sử gia đình bị ung thư vú, mang gene đột biến gây ung thư thông qua xét nghiệm gene, từng xạ trị vùng ngực trước năm 30 tuổi, có các hội chứng di truyền ung thư. Nếu mắc một trong những yếu tố này, người bệnh được xếp vào nhóm nguy cơ cao mắc ung thư vú, cần được bác sĩ chuyên khoa tuyến vú khám và tư vấn kế hoạch tầm soát cụ thể.
Trường hợp thuộc nhóm nguy cơ trung bình, bác sĩ khuyến cáo phụ nữ nên bắt đầu tầm soát từ năm 40 tuổi theo các tần suất: Phụ nữ từ 40 – 54 tuổi nên thực hiện tầm soát ung thư vú hàng năm. Phụ nữ trên 55 tuổi khuyến khích thực hiện tầm soát định kỳ từ một đến hai năm một lần cho đến khi sức khỏe còn tốt và kì vọng sống thêm hơn 10 năm.
Các phương pháp tầm soát ung thư vú
X-quang tuyến vú (nhũ ảnh). Đây là phương pháp tầm soát phổ biến, sử dụng tia X liều thấp để chụp hình ảnh tuyến vú, giúp sàng lọc phát hiện sớm, mang lại hiệu quả cao. Tuy nhiên, không phải mọi bất thường về mô vú được phát hiện qua chụp X-quang tuyến vú đều là ung thư. Để có chẩn đoán chính chính xác hơn, người bệnh cần thực hiện các xét nghiệm chuyên sâu.
Siêu âm tuyến vú. Đây là phương pháp sử dụng sóng âm để tạo hình ảnh chi tiết tuyến vú và các thành phần bên trong, đặc biệt hiệu quả đối với phụ nữ có mô vú mật độ cao. Siêu âm là phương tiện hỗ trợ chẩn đoán ung thư vú bên cạnh X-quang tuyến vú.
MRI tuyến vú là phương tiện đặc biệt trong việc phát hiện những biểu hiện phức tạp của ung thư vú. Chụp MRI vú với thuốc cản từ thế hệ mới cho kết quả hình ảnh bên trong vú rõ ràng hơn, phát hiện ra ung thư mà chụp X-quang tuyến vú có thể bỏ sót. Phương pháp này được khuyên dùng cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh ung thư tuyến vú.
Hiện nay, việc kết hợp các phương pháp tầm soát gồm X-quang, siêu âm và MRI tuyến vú không chỉ tăng cường độ chính xác mà còn mở rộng cơ hội phát hiện ung thư sớm, gia tăng sự lựa chọn và cơ hội điều trị khỏi bệnh.
Bên cạnh đó, bác sĩ còn sử dụng nhiều phương pháp sinh thiết khối u, bao gồm: sinh thiết mở, FNA, sinh thiết u có định vị kim, corebiopsy dưới hướng dẫn siêu âm… và mới nhất là sinh thiết vú có hỗ trợ chân không (Vaccuum Assites Breast Biopsy – VABB) với nhiều ưu điểm vượt trội, cho kết quả chẩn đoán đáng tin cậy.
Tầm soát ung thư vú không đơn thuần chỉ là thực hiện một quy trình y khoa. Đây còn là cơ hội để phụ nữ hiểu rõ hơn về cơ thể của mình và đưa ra những quyết định có ý thức về chăm sóc sức khỏe. Việc duy trì lối sống lành mạnh, tinh thần lạc quan, vui vẻ và thực hiện các biện pháp tầm soát chính là cách để phụ nữ luôn chủ động chăm sóc bản thân mình.
Yên Chi