Bên cạnh những món ăn thông thường, được chế biến theo những cách cơ bản, ẩm thực Việt còn rất nhiều món ăn “độc – lạ” khác, được sáng tạo từ bàn tay của những người đầu bếp. Đặc biệt, chúng có thể chẳng cần những nguyên liệu cao sang, đắt tiền, mà được tận dụng chính các nguyên liệu tự nhiên dân dã. Món thịt nướng sau đây là một ví dụ và thứ tạo nên hương vị thơm ngon của nó là loại lá nhiều người Việt nghe xong phải thừa nhận – họ chưa từng nghe tên. Đó là món thịt nướng với lá mắc mật.
Lá mắc mật là gì? Tìm thấy ở đâu?
Lá mắc mật là loại lá được hái từ cây mắc mật – loại cây có tên gọi khác như cây hồng bì núi, cây củ khỉ, cây dương tùng. Cây thuộc họ Cửu lý hương, tên khoa học là Clausena indica, phân bố nhiều ở các địa phương miền núi phía Bắc nước ta. Có thể kể tới như Sơn La, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Tuyên Quang, Thái Nguyên… Cái tên “mắc mật” cũng bắt nguồn từ tiếng dân tộc Tày – Nùng, dịch ra có thể hiểu đơn giản là “quả ngọt”.
Màu sắc chuẩn của lá mắc mật tươi là màu xanh sẫm, mọng trên cành theo dạng lá kép lông chim. 2 mặt của lá khác nhau khi mặt trên nhẵn, căng bóng, còn mặt dưới màu nhạt hơn, có lớp mỏng như lớp lông.
Loại lá đặc biệt chứa nhiều tinh dầu thơm, ngay cả khi chưa chế biến đã rất dậy mùi. Bởi vậy người dân bản địa thường sử dụng hàng ngày như một loại gia vị, giúp gia tăng hương vị của món ăn, đặc biệt trong những món ăn được chế biến bằng hình thức quay, nướng hay chiên. Ví dụ như món lợn quay hay vịt quay lạng sơn, phần lá ta vẫn thường thấy trong bụng con vịt/con lợn, chính là lá mắc mật.
Không chỉ tạo hương thơm, lá mắc mật hoàn toàn có thể ăn được. Bởi theo nhiều nghiên cứu đông ý, loại là này cũng mang nhiều lợi ích sức khỏe cho người, hoặc khi được nướng, chiên giòn cùng thịt, nó có vị đậm đà, ăn vui miệng, giúp giải ngấy.
Món ăn đơn giản với lá mắc mật
Hiện nay, không chỉ tại các địa phương vùng núi phía Bắc được nhắc tới ở trên, lá mắc mật đã trở nên phổ biến hơn, có thể tìm thấy ở nhiều khu chợ dân sinh tại các thành phố lớn khác. Giá của lá mắc mật cũng không quá đắt đỏ, dao động trong khoảng 60.000 – 100.000 đồng/kg, tùy thời điểm. Người dùng có thể chia nhỏ để chế biến thành nhiều món ăn cho nhiều bữa, nhiều ngày.
Món ăn được đánh giá là dễ làm nhất theo nhiều chị em nội trợ đó chính là món thịt nướng lá mắc mật. Không cần tẩm ướp cầu kỳ, chỉ cần thêm lá mắc mật vào khi nướng thịt, món ăn sẽ có hương vị hấp dẫn hơn hẳn so với thông thường. Cách làm này chủ yếu được áp dụng với thịt ba chỉ hoặc thịt nạc vai heo. Cách làm như sau:
1. Chuẩn bị nguyên liệu
– Thịt nạc vai heo hoặc thịt ba chỉ với tỷ lệ nạc mỡ hài hòa tùy theo sở thích, khẩu vị của gia đình.
– Các gia vị tẩm ướp thịt như nước mắm, dầu hào, dầu ăn, đường, hạt tiêu, bột ngọt…
– Số lượng lá mắc mật tùy thuộc vào lượng thịt, khoảng 30-50 lá.
– Xiên que gỗ/tre mảnh hoặc tăm nhọn.
2. Các bước thực hiện
– Thịt sau khi được sơ chế, thái miếng dày, kích thước vừa phải đủ để xiên vào các que gỗ, tre/tăm, theo dạng thịt xiên.
– Tẩm ướp thịt với các loại gia vị đã chuẩn bị và để trong khoảng 1 giờ đồng hồ. Khi ướp có thể cho một ít lá mắc mật giã/băm nhỏ vào cùng để dậy mùi thơm.
– Trong lúc đợi ướp thịt, đem lá mắc mật đi rửa rồi để cho lá ráo nước.
– Khi đã hết thời gian đợi ướp thịt, bắt đầu tiến hành xiên từng miếng thịt vào các que/tăm đã chuẩn bị. Tùy theo kích thước của que/tăm mà sắp xếp các miếng thịt sao cho phù hợp. Ví dụ với những chiếc tăm nhỏ, chỉ nên xiên 2-3 miếng thịt/tăm; với những que gỗ/tre dài hơn, có thể xiên 5-6 miếng thịt/que.
– Đan xen giữa mỗi miếng thịt là một lá mắc mật. Cứ làm như vậy cho đến khi hết phần thịt đã chuẩn bị. Phần lá nếu thừa có thể cất đi để lần sau sử dụng tiếp.
– Người dùng có thể làm chín thịt với nồi chiên không dầu, bếp nướng hoặc chảo rán. Miễn sao thịt được chín đều, vàng giòn rụm ở cả 2 mặt.
=> Cuối cùng, thành quả thu được sẽ là đĩa thịt xiên nướng lá mắc mật thơm ngon. Khi ăn hãy thử 1 miếng thịt với 1 lá mắc mật, hương vị sẽ vô cùng đặc biệt và thú vị.
Món ăn không chỉ phù hợp trong những bữa cơm gia đình mà còn phù hợp trong những chuyến dã ngoại, picnic ngoài trời, phù hợp cho mọi đối tượng.
Bên cạnh lá, quả từ cây mắc mật cũng được đánh giá là một nguyên liệu tạo nên gia vị hấp dẫn cho nhiều món ăn. Quả mắc mật vẫn mang hương thơm đặc trưng song còn có vị chua ngọt, thanh thanh. Tuy vậy, nó lại khó kiếm hơn so với lá, bởi theo nhiều người trồng, mùa quả mắc mật chỉ rời vào từ cuối tháng 6 – đầu tháng 7 hàng năm.
Người ta thường dùng quả mắc mập để ăn tươi hoặc muối ớt với măng, ướp thịt, làm lạp xưởng hay thêm vào nhiều món ăn khác làm gia vị. Khi chế biến, thường để cả quả hoặc phơi khô, giã nhỏ.