Ngày 10/4, CTCP Dịch vụ Hàng không Sân bay Tân Sơn Nhất (Sasco – Mã: SAS) tổ chức họp ĐHĐCĐ thường niên 2024 nhằm thông qua kế hoạch kinh doanh năm 2024, phương án phân phối lợi nhuận, bầu thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024 – 2029 và các nội dung quan trọng khác.
Chia sẻ tại đại hội, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, Chủ tịch Hội đồng quản trị (HĐQT), cho biết năm 2023, ngành hàng không nói chung và thị trường của Sasco nói riêng vẫn phải đối mặt những thách thức đáng kể do tác động của dịch bệnh Covid-19 và các xung đột địa chính trị.
Kế hoạch lãi tăng 3%
Thị trường và khách hàng trọng điểm của công ty bị gián đoạn, các thay đổi hành vi trong chi tiêu của khách hàng tác động mạnh đến hoạt động sản xuất kinh doanh của công ty. Áp lực cạnh tranh trong các lĩnh vực hoạt động chính của tại thị trường truyền thống cũng đang gia tăng. Mặc dù lượng hành khách có sự phục hồi, nhưng mảng đóng góp chính từ thị trường quốc tế (đặc biệt là Trung Quốc) vẫn chưa đạt như dự kiến.
Kết thúc năm 2023, Sasco báo lãi sau thuế hơn 285 tỷ đồng, tăng 36% so năm trước và vượt 22% kế hoạch. Với kết quả trên, công ty dự kiến trả cổ tức tiền mặt tỷ lệ 18,26%.
Ban điều hành Sasco dự báo năm 2024 sẽ chứng kiến sự sụt giảm tốc độ tăng trưởng của kinh tế toàn cầu so với năm 2023 do các yếu tố bất ổn từ xung đột chính trị và rủi ro trong thị trường tài chính toàn cầu. Kinh tế Việt Nam cũng sẽ đối mặt tác động từ những yếu tố này.
Theo Tổng Giám đốc Nguyễn Văn Hùng Cường, Sasco vẫn chú trọng vào Sân bay Quốc tế Tân Sơn Nhất (TP HCM), tập trung vào bán hàng miễn thuế, phòng chờ và các dịch vụ khác. Dự kiến doanh thu thuần đạt 2.903 tỷ đồng và lợi nhuận trước thuế 343 tỷ đồng, tăng lần lượt 5% và 3% so với năm trước.
Các chỉ tiêu kế hoạch dựa trên kế hoạch sản lượng hành khách tăng nhẹ của Tổng Công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất. Trong năm 2024, ACV ước tính sản lượng khách đi và đến sẽ đạt 42 triệu lượt, tăng 104% so với năm 2023. Trong đó, sản lượng quốc tế dự kiến tăng 111% và lượng quốc nội dự kiến đạt 99% so với năm trước.
Để đạt được mục tiêu kinh doanh, công ty tập trung một số giải pháp: chuyển đổi số và nâng cấp công nghệ; tập trung phát triển các dịch vụ đẳng cấp, đầu tư vào con người…
Công ty sẽ thúc đẩy thu hồi công nợ tại Bamboo Airways. “Công nợ tại Bamboo Airways từ tháng 5 đến tháng 9/2023 khoảng 42 tỷ đồng công ty đã trích lập dự phòng. Đồng thời công ty có nhiều biện pháp để thúc đẩy Bamboo Airways trả nợ, hiện đang tiếp tục thương lượng. Nếu cần công ty sẽ có những biện pháp mạnh tay hơn”, ông Cường chia sẻ.
Đồng thời, Sasco sẽ đón đầu cơ hội phát triển tại nhà ga T3 Tân Sơn Nhất và Cảng Hàng không Quốc tế Long Thành trong tương lai.
“Tương lai Sasco đặt tại sân bay Long Thành”
Theo Tổng Giám đốc Cường, công ty không có quyền tự quyết, hiện chưa biết về khả năng có được tham gia tại các dự án T3 và Long Thành hay không, và thị phần nếu được tham gia là bao nhiêu để đưa ra dự phóng về doanh thu, lợi nhuận.
Đánh giá cơ hội của sân bay Long Thành, ông Johnathan Hạnh Nguyễn nói Long Thành sẽ thay thế vai trò của sân bay Tân Sơn Nhất và tương lai của Sasco ở đó. Sasco có cơ hội tham gia kinh doanh tại Long Thành cùng các đối thủ khác. Công ty có tài chính và IPPG sẽ hỗ trợ nếu cần thiết.
Nói về mặt cạnh tranh, Sasco hiện có rất nhiều đối thủ chứ không mang tính độc quyền. “Sasco có 3 thế mạnh: kinh nghiệm 30 năm hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ hàng không, sở hữu 138 thương hiệu của đối tác chiến lược IPPG và nguồn nhân sự chất lượng hàng ngàn người. Ba yếu tố này sẽ được công ty tập trung, củng cố, phát triển tại T3 và Long Thành”, vị chủ tịch nhận định.
Nhiều dự án bất động sản
Một khía cạnh cũng được nhiều cổ đông quan tâm tại cuộc họp lần này là tình hình triển khai các dự án bất động sản Sasco đang đầu tư cũng như thời điểm thực hiện hóa lợi nhuận.
Đơn cử như dự án Ngôi nhà Việt (Viethaus) tại Berlin, Đức. Do một số điều kiện khách quan, dự án không đạt kỳ vọng nên Sasco quyết định sẽ chấm dứt. Hiện công ty đang làm thủ tục với cả phía Đức và Việt Nam. Khi nào chấm dứt dự án sẽ thông tin để cổ đông. Công ty cũng có ý định thu hồi dự án Suối Nhung, Bình Phước.
Với dự án hợp tác đầu tư kinh doanh đất nền tại khu dân cư thương mại An Thới, Bình Thủy, TP Cần Thơ, ông Cường cho biết dự án này do yếu tố pháp lý nên tạm dừng. Sasco đang làm thủ tục dừng, khi đó công ty sẽ có quỹ đất.
Với khoản đầu tư với Nhà Phú Nhuận, đây là khoản đầu tư kinh doanh bất động sản thương phẩm, cụ thể là đất ở khu Long Điền, Bà Rịa – Vũng Tàu. Sasco được chia 54 nền và đã kinh doanh 30 nền, còn lại 24 nền.
Về việc thực hiện các dự án bất động sản, ông Johnathan Hạnh Nguyễn khẳng định công ty luôn làm theo quy định pháp luật, chỉ triển khai khi có đầy đủ thủ tục.
Hiện công ty đang đang dư vốn để gửi tiết kiệm, dẫn đến lợi nhuận tài chính cao. Công ty chưa vội bán bất động sản nếu chỉ để lấy về gửi tiết kiệm, chỉ thực hiện khi giá gấp 2 – 3 lần. Theo vị chủ tịch đánh giá, hai dự án tại Cần Thơ và Bà Rịa – Vũng Tàu chắc chắn không lỗ.
Về dự án Khách sạn Sasco Nha Trang, UBND TP Nha Trang đã có chủ trương cho Sasco triển khai dự án, đang chờ các thủ tục chính thức. Trong thời gian chờ thủ tục, công ty sẽ chuẩn bị các nguồn lực để triển khai.
Dự án Suối Hoa tại Đà Lạt và dự án tại Phú Quốc cũng tương tự, công ty đang chờ các thủ tục.
Nhiều đối tác quốc tế quan tâm DFS
Một thông tin đáng chú ý khác, ông Jonathan Hạnh Nguyễn kỳ vọng tương lai sẽ có cửa hàng miễn thuế (duty free shop – DFS) ngay tại Việt Nam.
Trước đó, ông Johnathan Hạnh Nguyễn, ở cương vị Chủ tịch IPPG đã có chia sẻ trong khuôn khổ chuyến thăm và làm việc với Tập đoàn Du lịch Trung Quốc (CTG) tại TP HCM. Theo đó, Tập đoàn Miễn thuế Trung Quốc (CDF – thành viên của CTG) đã ký kết hợp tác phát triển thị trường du lịch mua sắm giữa hai nước với IPPG. CTG là doanh nghiệp thuộc sở hữu nhà nước, được quản lý trực tiếp bởi Chính phủ Trung Quốc.
Tại đại hội, ông Jonathan Hạnh Nguyễn tiết lộ nhận được phản hồi tích cực từ đối tác, trong đó hai nước đang muốn nâng tầm hơn, cam kết hơn nữa hợp tác đối tác chiến lược toàn diện.
“4 công ty lớn về DFS trên thế giới có ý muốn hợp tác với chúng tôi để mở rộng hợp tác. Việc phục hồi của DFS dựa vào khách quốc tế, do quốc nội không được mở DFS, chúng ta chỉ được mở ở ga quốc tế thôi. Nhưng hiện này, ngành kinh doanh DFS của Sasco hay các công ty khác chưa được mong muốn, lý do là khách Trung Quốc chưa đến. Mà khách Trung Quốc lại là nhóm chi tiêu nhiều nhất”, ông Johnathan Hạnh Nguyễn chia sẻ.
Vị lãnh đạo kỳ vọng sắp tới ngay trung tâm TP HCM sẽ có DFS để phục vụ khách quốc tế, khách Trung Quốc. Vấn đề đang vướng mắc là mặt bằng. Hiện tại, thuế suất của Việt Nam để bảo vệ hàng trong nước, dẫn đến khách quốc tế chưa mặn mà.
Đại hội kết thúc với tất cả tờ trình được thông qua. Cổ đông bầu thành viên hội đồng quản trị nhiệm kỳ 2024 – 2029 với 5 thành viên: ông Johnathan Hạnh Nguyễn, bà Lê Hồng Thủy Tiên, ông Nguyễn Văn Hùng Cường, bà Lê Thị Diệu Thúy và ông Lê Anh Tuấn. So với nhiệm kỳ trước, dàn lãnh đạo mới có sự bổ sung duy nhất là bà Lê Hồng Thủy Tiên, đồng thời là vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn.