Trẻ con nghịch ngợm, mắc lỗi là điều khó tránh khỏi. Tuy nhiên, các bậc làm cha mẹ cũng nên biết cách dạy bảo để con không tái phạm nào nào nữa. Trên thực tế, việc dọa nạt, quát mắc khi con cái phạm lỗi không phải là cách hiệu quả, thậm chí còn có thể ảnh hưởng đến nhận thức, hành vi và tính cách của con.
Thay vào đó, tuỳ vào tình huống, các bố mẹ nên lựa chọn phương pháp phù hợp nhất để con thấy được lỗi sai của bản thân. Dưới đây là cách xử trí EQ cao của một ông bố khi phát hiện con trai 8 tuổi lấy trộm tiền.
Con trai của Hiểu Đồng tên là Bằng Bằng, 8 tuổi và sắp bước vào lớp 4. Một ngày nọ, khi vợ Hiểu Đồng đang ở trong bếp nấu bữa tối, anh nhận được một cuộc gọi của đồng nghiệp về cuộc họp gấp trên công ty.
Hiểu Đồng nhanh chóng nhắn nhủ vợ rồi lấy ô tô để di chuyển. Ra đến gara, anh phát hiện quên mang chìa khóa xe nên quay lại phòng ngủ để lấy. Vừa bước đến gần cửa, anh sững sờ khi thấy cậu con trai 8 tuổi của mình đang lấy tờ 100 NDT (khoảng 300.000 VNĐ) từ chiếc túi xách của mẹ. Hiểu Đồng tức giận, mặt đỏ bừng nhưng không vội quát mắng con. Anh đến gần con rồi nhẹ nhàng hỏi:
”Bằng Bằng à, tiền tiêu vặt hàng ngày của con có đủ tiêu không?”
Nghe thấy lời này của cha, Bằng Bằng hoảng sợ, lập tức khai ra toàn bộ câu chuyện.”Bạn con có một khối rubik mới, con cũng muốn có nhưng sợ bố không mua cho. Đây là lần đầu con lấy tiền, con xin lỗi” – Con trai Bằng Bằng đáp.
Hiểu Đồng nhẹ nhàng nói với con: “Bố muốn phê bình hành động này của con vì nó không đúng. Lần sau nếu muốn mua thứ gì, con có thể nói với bố mẹ. Nhưng cho dù bố mẹ không đồng ý, con cũng không thể tự ý lấy tiền được.”
Sau đó, Hiểu Đồng cũng hứa với con trai rằng chỉ cần con cư xử tốt và không bao giờ làm những điều tương tự trong tương lai thì cha cậu sẽ không bao giờ nhắc đến chuyện đó nữa. Và nếu Bằng Bằng đạt điểm cao trong kỳ thi tiếp theo, anh có thể mua cho con một món quà, ví dụ như khối rubik mà con muốn. Sau đó, Hiểu Đồng đã bí mật nói chuyện này với vợ và yêu cầu cô ấy im lặng, không nói gì với con để tránh làm con tổn thương.
Cách xử lý của người cha Hiểu Đồng được mọi người khen ngợi là khéo léo và nhẹ nhàng, đủ để con nhận ra lỗi lầm, từ đó răn dạy con không được tái phạm. Qua đây, các bậc làm cha mẹ nên lưu ý 3 điều sau nếu rơi vào hoàn cảnh tương tự.
1. Hãy bình tĩnh và đừng la mắng con
Nếu biết con có thói táy máy hay mắc bất kỳ lỗi lầm nào, cha mẹ không nên sử dụng bạo lực, lời nói xúc phạm, dọa nạt để dạy bảo con. Bạn nên hiểu rằng, những đứa trẻ chưa thể nhận thức về mức độ nghiêm trọng của hành vi đó, vì vậy cha mẹ phải kiềm chế cảm xúc của mình nếu bị sốc, tức giận sau khi phát hiện ra hành vi của con.
Bạn không nên xúc phạm hoặc buộc tội con là kẻ trộm. Một khi đưa ra định nghĩa như vậy cho trẻ sẽ ảnh hưởng rất lớn đến lòng tự trọng của con và khiến con cảm thấy mình là người xấu và kém cỏi. Bậc làm cha mẹ cần nhẹ nhàng nói chuyện với con để cho con hiểu được hành vi của bản thân là tiêu cực, không nên tái phạm.
2. Hiểu nhu cầu của con
Sau khi thấy con mình vi phạm, cha mẹ có thể chọn cách dành thời gian để nói chuyện với con và hiểu lý do tại sao con mình làm điều này, mục tiêu của con là gì.
Nếu điều trẻ mong muốn chính đáng và hợp lý thì cha mẹ nên trao đổi trực tiếp với con, đồng thời xem xét lại xem trước đây bản thân có thô lỗ từ chối yêu cầu của con hay không. Nếu điều con muốn là khoe khoang, mưu cầu những thứ nằm ngoài khả năng thì cha mẹ có thể hướng dẫn con học cách kiềm chế ham muốn của mình, muốn có được thứ gì thì phải đấu tranh và làm việc chăm chỉ thay vì ăn trộm đồ của người khác.
3. Hãy để con nhận ra lỗi lầm của mình
Nếu cha mẹ phát hiện con mắc lỗi, cần để con chịu trách nhiệm về lỗi lầm của mình. Đồng thời, các bậc phụ huynh cũng nên giúp con hiểu ra rằng việc kiếm ra tiền không hề dễ dàng, giúp con biết rằng phải lao động mới nhận được thành quả. Cuối cùng, khi con nhận ra lỗi lầm của mình, cha mẹ không được nhắc lại hay dùng sai lầm đó để dọa nạt, cảnh cáo con. Điều này có thể phản tác dụng khiến con bực bội, tự ái và xấu hổ về chính bản thân mình.
Theo Toutiao