Bạn đã bao giờ lầm tưởng quả đác là dừa nước hay nhầm thốt nốt với những trái cây trên chưa? Điều này không quá bất ngờ khi màu trắng sữa đặc trưng bên trong cùi của chúng có thể khiến bất kỳ ai cũng phải đắn đo khi phân biệt. Nhưng chỉ với vài mẹo nhỏ sau bạn sẽ dễ dàng phân biệt ba loại quả này chỉ trong phút chốc kể cả khi 3 loại quả này đều mọc theo buồng.
Trong khi cây đác chủ yếu phân bố ở vùng Nam Trung Bộ như Nha Trang, Phú Yên thì người dân miền Tây lại không lạ gì với dừa nước bởi nó mọc dày đặc ở vùng đất cửa sông ven biển, các rạch miền sông nước Cửu Long hay khu vực có hệ sinh thái bán ngập mặn. Còn thốt nốt thì thân thuộc với người dân Đông & Tây Nam Bộ giáp Campuchia từ Tây Ninh tới Kiên Giang, đồng thời, thốt nốt cũng là biểu tượng đặc trưng của vùng đất này.
Hạt đác hay quả đác?
Hạt đác là một loại hạt đặc sản nổi tiếng được tìm thấy ở sâu trong những cánh rừng bạt ngàn tại Nha Trang, nơi mưa gió thuận hòa đã mang đến cho hạt đác những gì tinh túy nhất từ thiên nhiên: Sạch và dinh dưỡng (ít chất béo và calo nhưng lại giàu khoáng chất, vitamin).
Cây đác phải sinh trưởng 10 năm mới cho trái, đặc biệt quá trình ra hoa, kết quả đến khi thu hoạch cũng mất thêm vài năm nữa. Sau khi thu hoạch, cây sẽ không cho trái tiếp. Đôi khi người ta nhầm lẫn quả đác với quả thốt nốt vì chúng đều có dáng tròn tròn như nhau. Tuy nhiên, sự khác biệt lớn nhất có thể nhìn thấy là quả đác nhỏ, mọc thành những buồng dài. Còn thốt nốt cũng cho buồng, nhưng quả to và buồng ngắn.
Nhìn bên ngoài, quả đác tựa quả dừa nhưng bé hơn nhiều, mỗi quả sẽ cho 3-4 hạt. Quá trình thu hoạch được hạt đác không hề dễ dàng. Sau khi vào rừng, canh rắn rết quanh cây, chặt buồng đác nhưng do chúng nhiều nhựa gây ngứa nên phải chất đống đem đốt cháy vỏ ngoài, sau đó ép lấy hạt.
Công đoạn tách hạt đác từ quả rất vất vả nên giá thành của hạt đác cũng không rẻ.
Hạt đác bên trong trắng đục màu sữa, trơn láng, đặc ruột, ăn sần sật nhưng vẫn có độ dẻo, tuy không có mùi nhưng bùi và ngậy.
@anden
Màu nguyên bản của hạt đác là trắng sữa hoặc trắng đục, nếu hạt quá trắng có thể không còn được nguyên chất mà do chất tẩy. Khi chọn mua hạt đác, bạn nên chọn mua hạt tươi, mềm, hạt cứng bị già và không được tươi. Đặc biệt, hạt đác tươi không có mùi, nếu mua phải những túi hạt có mùi hương thơm rõ ràng, nồng nặc là do đã được tẩm hương.
Để đảm bảo chất lượng, nên mua hạt đác tươi, loại đác rim sẵn khó có thể kiểm tra được nguyên liệu đầu vào. Còn nếu bạn tìm mua những loại đác đã rim sẵn, cần chọn địa chỉ uy tín để mua được hàng chất lượng cao.
Dừa nước và đác có gì khác nhau?
Dừa nước, còn được gọi là dừa lá, chúng được biết đến là loài duy nhất trong họ Cau có thể sinh sống được trong đầm lầy. Dọc theo các bờ sông, vùng ven cửa biển có thủy triều lên xuống mà nước chảy chậm bồi đắp giàu phù sa, dừa nước mọc rất nhiều. Dừa nước có thể phát tán sinh trưởng tự nhiên theo dòng thủy lưu. Đây là loại cây đặc trưng của vùng Nam Bộ.
Cũng giống với đác, dừa nước phải chừng 10 năm mới bắt đầu cho quả. Dừa nước cho quả quanh năm nhưng vào khoảng tháng 8 đến tháng 10 là lúc chúng rộ nhất. Nếu quả đác trông giống quả dừa thu nhỏ thì quả dừa nước lại cực kỳ khác với dừa cạn. Để hình dung về cách gọi của dừa nước, có người thấy chúng giống quả thông khô, bông hoa hoặc quả cầu gai.
Cũng mọc thành buồng trĩu quả nhưng cách kết trái của dừa nước rất độc đáo. Dừa nước trổ hoa kết thành từng chùm hình cầu nằm trên đầu cuống. Hoa đực thường có màu đỏ hoặc vàng hình đuôi sóc. Mỗi quả kết chặt, ghép lại với nhau thành hình cầu gọi là quài dừa. Đặc trưng của dừa nước là chúng có màu nâu sẫm. Mỗi chùm dừa nước có khoảng 40-50 quả mọc ép lại với nhau, có buồng còn đến cả trăm quả.
Một điều cực kỳ thú vị của loại quả này đó là gọi dừa nước nhưng không có nước mà chỉ có phần cơm dừa (cùi) nhỏ giống hình quả nhót, màu trắng đục. Có lẽ vì phần cùi có màu sắc này nên nhiều người cũng nhầm chúng với hạt đác.
@tuntun
Dừa nước chất lượng là mềm dẻo, cùi mọng nước, có vị ngọt nhẹ, bùi và mát. Những người dân vùng miệt thứ giàu kinh nghiệm, chỉ cần nhìn quài dừa là biết dừa nước thu hoạch được hay chưa. Khi quài dừa cúi xuống là lúc cùi dừa đã hình thành, đến độ hái.
Ngoài cùi dừa, người dân còn thu hoạch cả phần nhựa ngọt từ cuống hoa dừa nước. Phần nhựa thu hoạch được ấy được lên men thành một loại giấm nguyên chất là đặc sản của vùng Paombong, Bulacan, Phillippine. Người ta còn dùng mầm dừa non để ăn, cánh hoa làm trà, lá dừa non dùng để gói bánh, cũng có nơi dùng để sản xuất giấy cuốn thuốc lá. Lá bánh tẻ và lá già người ta dùng lợp nhà, đan giỏ xách, mũ đội, các sản phẩm handmade,… Còn phần cùi dừa được dùng làm các món giải khát quen thuộc.
Thốt nốt có phải là dừa nước?
Với người dân Đông & Tây Nam Bộ giáp Campuchia từ Tây Ninh tới Kiên Giang, cây thốt nốt không chỉ là loại cây đặc trưng của vùng mà còn là hình ảnh thân thuộc trong thời thơ ấu của nhiều người.
Cây thốt nốt thuộc họ Cau, phân bố nhiều tại các nước vùng Nam Á và Đông Nam Á như Ấn Độ, Sri Lanka, Thái Lan, Campuchia, Việt Nam, Malaysia,… Với tán lá xòe như lá cọ, bẹ có gai ngắn mọc ra từ thân to thẳng đứng, những rặng thốt nốt dọc khắp các tỉnh Tây Ninh, An Giang,… đã trở thành nguồn cảm hứng bất tận trong văn học và thơ ca.
Cùi thốt nốt vẫn còn bọc phần vỏ lụa bên ngoài.
Cây thốt nốt cũng cho những chùm hoặc buồng quả hơi tròn màu nâu tím hoặc hạt dẻ. Khi bổ ra bên trong có những múi nhỏ, trắng trong, có nhựa và mùi thơm lạ đặc trưng. Phần cùi này được pha chế thành món giải khát được nhiều người ưa thích. Phần cùi quả thốt nốt vị ngọt dịu, ngon sần sật, thanh mát tựa như dừa nước, ở giữa đều rỗng ruột.
@utvevuon
Chính vì phần cùi khi cắt nhỏ ra trông rất giống với phần cùi của dừa nước nên nhiều người thường nhầm lẫn hai loại này với nhau. Đều dai dai, mềm mềm nhưng thốt nốt có vị thơm đặc trưng hơn hẳn. Phần cùi và nước thốt nốt không chỉ làm các món giải khát ngon mát mà còn làm được nhiều món ăn dân dã có hương vị khó quên khác như chè thốt nốt, bánh thốt nốt, bánh bò thốt nốt. Ngoài ra, người dân ở đây còn nổi tiếng với đường thốt nốt, giống như đường mía thường thấy ngoài miền Bắc và Trung.