Tháng 5/2024, Bách Hóa Xanh ghi nhận cột mốc doanh thu bình quân 2 tỷ đồng/shop, tăng so với mức 1,8 tỷ đồng trong quý I và 1,9 tỷ đồng trong tháng 4. Doanh thu lũy kế ước đạt 15.800 tỷ đồng, tăng 42% và đóng góp hơn 29% tổng nguồn thu cho Đầu tư Thế Giới Di Động (Mã: MWG).
Với con số này, Bách Hóa Xanh có thể đã “mang tiền về cho mẹ” khi nhiều công ty chứng khoán từng đưa ra dự báo mức 1,8 tỷ đồng/cửa hàng là điểm hòa vốn đối với chuỗi bán lẻ thực phẩm này.
Động lực tăng trưởng lớn nhất
“Chúng tôi kỳ vọng chuỗi bách hóa sẽ có lãi ngay trong quý II. Công ty quay lại mở mới với 2 cửa hàng trong tháng 5, mặc dù vẫn chậm so với mục tiêu mở 100 cửa hàng mới trong năm 2024″, báo cáo của SSI Research nêu.
Trong khi đó, Chứng khoán FPT khẳng định chuỗi Bách Hóa Xanh sẽ là động lực tăng trưởng chính của MWG sau khi đạt điểm hòa vốn vào cuối 2023, tương ứng với mức doanh thu trung bình/cửa hàng đạt 1,8 tỷ đồng/tháng.
Do đó, chuyên gia FPTS dự báo chuỗi bán lẻ thực phẩm này có tiềm năng mở rộng số lượng cửa hàng nhanh chóng trong giai đoạn 2024-2029.
Để phục vụ cho nhu cầu trên, chủ quản Bách Hóa Xanh vừa phát hành riêng lẻ 5% cổ phần cho CDH Investments (Trung Quốc) trong quý II với giá trị 1.773 tỷ đồng, với cam kết CDH Investments sẽ không có quyền can thiệp vào quá trình vận hành.
FPTS dự phóng MWG sẽ mở thêm 42 cửa hàng bách hóa trong năm nay để nâng tổng số lên 1.740 điểm bán; sau đó tiếp tục mở mới thêm 100 cửa hàng/năm trong giai đoạn 2025-2029.
Doanh thu trung bình/cửa hàng theo đó có thể đạt 1,88 tỷ đồng/tháng, tăng trưởng 21% trong năm 2024; sau đó tăng lên mức 2,65 tỷ đồng/tháng trong năm 2029 (tương ứng với CAGR 7,1%/năm giai đoạn 2024-2029).
Như vậy, doanh thu của chuỗi Bách Hoá Xanh năm 2024 sẽ phục hồi lên mức 39.300 tỷ đồng (tăng hơn 24%), trước khi tăng trưởng ở mức CAGR 15,1%/năm trong giai đoạn 2024-2029 (cao hơn mức tăng trưởng ngành CAGR 13%/năm) nhờ: việc mở rộng cửa hàng còn nhiều dư địa khi Bách Hóa Xanh chỉ mới có mặt tại 25 tỉnh thành và lợi thế liên quan đến đa dạng sản phẩm/dịch vụ vận chuyển tiện lợi hơn.
Chứng khoán DSC cũng cho rằng việc thay đổi định vị thành “siêu thị mini” là thay đổi mang tính bước ngoặt, tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở rộng khi mô hình minimart mới chỉ chiếm gần 50% ở thị trường tiêu dùng.
Với việc MWG đang tiến hành cơ cấu lại các ngành hàng kinh doanh và đang dồn lực cho Bách Hóa Xanh, chuyên gia DSC đánh giá chuỗi này sẽ dần chiếm tỷ trọng cao hơn trong cơ cấu doanh thu cũng như trở thành động lực tăng trưởng chính trong tương lai.
Thêm mảng mới tạo bước ngoặc
Không chỉ được kỳ vọng thành công lớn với chuỗi Bách Hóa Xanh mà MWG còn hưởng lợi đáng kể khi một số mảng kinh doanh khác cũng tiến đến ngưỡng hòa vốn, tăng thêm kỳ vọng phát triển cho tập đoàn.
“Era Blue tháng thứ 3 liên tiếp mang tiền về cho mẹ và chuẩn bị cho kế hoạch mở rộng từ 60 cửa hàng lên 500 cửa hàng vào 2027″, ông Đoàn Văn Hiểu Em, thành viên HĐQT MWG, chia sẻ trên trang cá nhân vào cuối tháng 6.
Thông điệp không nêu rõ hàm ý “mang tiền về cho mẹ” là hình thức có lãi cấp độ cửa hàng hay cấp độ hệ thống; tuy nhiên đây vẫn là tín hiệu rất khả quan cho chuỗi điện máy ra đời tại Indonesia từ tháng 11/2022.
Trong cuộc họp nhà đầu tư diễn ra đầu tháng 5/2024, ông Đoàn Văn Hiểu Em cho biết chuỗi điện máy này đang vượt trên mong đợi của bản thân, dự kiến tới quý IV/2024 có thể đạt được điểm hòa vốn và có lãi.
Era Blue là liên doanh của MWG (năm 45% vốn) với Erafone (công ty con của Tập đoàn Erajaya – nắm 55% cổ phần). Đây là chuỗi được xây dựng theo dạng cửa hàng chuyên bán lẻ các thiết bị điện tử tiêu dùng tại Indonesia, giống như mô hình Điện Máy Xanh tại Việt Nam.
Dư địa tăng trưởng của EraBlue còn tương đối rộng khi ban lãnh đạo nhìn nhận cơ hội tại Indonesia rất lớn, quy mô gấp 2-3 lần Việt Nam, song mảng bán lẻ hàng điện tử tiêu dùng vẫn còn ở những bước sơ khai, phần lớn thuộc về các cửa hàng nhỏ lẻ truyền thống.
Trong chia sẻ vào năm 2022, lãnh đạo MWG từng cho biết, 5-7 năm tới, với sự phát triển mạnh mẽ của kênh bán lẻ hiện đại, thị trường điện máy tại Indonesia có thể đạt ngưỡng 9-10 tỷ USD. Mục tiêu của Era Blue là đạt thị phần 20% đến 40% và IPO công ty sau 5 năm.
Với chuỗi bán lẻ dược phẩm An Khang, MWG mua lại 49% trong năm 2018 và sau đó hoàn tất nắm giữ 100% vốn từ cuối 2021 đến nay. Các cửa hàng tiêu chuẩn có diện tích 30-40 m2 với danh mục sản phẩm khoảng 4.300 mặt hàng.
Doanh thu trung bình/cửa hàng của An Khang ở mức 450 triệu đồng/tháng, tương đương với Pharmacity và thấp hơn nhiều so với mức khoảng 1,1 tỷ đồng của Long Châu. Hiện chỉ có chuỗi Long Châu đã có lợi nhuận, trong khi chuỗi An Khang và Pharmacity vẫn chưa đạt điểm hòa vốn.
MWG hiện đang tạm ngưng mở rộng cửa hàng mới, thay vào đó tập trung nâng cao hiệu quả hoạt động để gia tăng doanh thu/cửa hàng lên điểm hòa vốn – mức 550 triệu đồng/tháng.
Chuyên gia FPTS dự báo chuỗi An Khang sẽ đạt được điểm hòa vốn vào cuối năm 2024 với 525 cửa hàng; sau đó bắt đầu mở rộng 75 cửa hàng/năm trong giai đoạn 2025-2029.
Doanh thu trung bình/cửa hàng theo đó đạt 500 triệu đồng/tháng (tăng 29%) năm 2024, sau đó tăng lên mức 1,2 tỷ đồng/tháng trong năm 2029. Doanh thu cả chuỗi An Khang dự báo đạt 3.200 tỷ đồng (tăng 43%) trong năm 2024, sau đó có thể tăng lên mức 11.300 tỷ đồng vào năm 2029 (tương ứng với mức CAGR 29,2%/năm giai đoạn 2024-2029).
Chuỗi bán lẻ mẹ và bé AVAKids được thành lập từ đầu năm 2022 và đến nay có 64 cửa hàng trên 18 tỉnh thành. MWG chỉ duy trì số lượng cửa hàng hiện hữu khi cho rằng cửa hàng chỉ là điểm trưng bày và giới thiệu sản phẩm, động lực tăng trưởng chính sẽ đến từ kênh online.
Doanh thu chuỗi AVAKids năm 2023 ước đạt 895 tỷ đồng (tăng gần 83%), trong đó tỷ trọng kênh online chiếm gần 30%. Doanh thu bình quân mỗi cửa hàng đã chạm mốc 1,7 tỷ đồng/tháng – mức cao nhất trong các chuỗi cửa hàng bán lẻ sản phẩm mẹ và bé.
Theo FPTS, AVAKids đang tập trung nâng cao hiệu quả để đưa doanh thu/cửa hàng trong cả năm 2024 đạt mức hòa vốn (tương đương mức 1,45 tỷ đồng/tháng), giữ nguyên số lượng 64 điểm bán.
Sau đó, hệ thống bán lẻ này sẽ mở rộng mạng lưới cửa hàng trong giai đoạn 2025-2029 để gia tăng doanh thu/cửa hàng lên mức 2 tỷ đồng/tháng; song song với việc mở mới 15 cửa hàng/năm khi nhu cầu mở cửa hàng vật lý là không quá lớn.
Cổ phiếu lên đỉnh 2 năm
Trong phiên đầu tháng 7, cổ phiếu MWG ghi nhận diễn biến giao dịch sôi động khi kết phiên tăng 5,4% lên mức 65.800/cổ phiếu – mức giá cao nhất kể từ tháng 9/2022. Thanh khoản đột biến 21,7 triệu cổ phiếu, gấp 2 lần mức trung bình 20 phiên.
Đây cũng là phiên doanh nghiệp này chốt quyền nhận cổ tức năm 2023. MWG dự kiến chia cổ tức năm 2023 bằng tiền mặt với tỷ lệ 5%, tương ứng cổ đông sở hữu 1 cổ phiếu sẽ được nhận 500 đồng cổ tức. Công ty dự kiến sẽ thanh toán vào ngày 10/7.
Với hơn 1,46 tỷ cổ phiếu đang lưu hành, ước tính công ty sẽ cần chi khoảng 730 tỷ đồng để trả cổ tức cho cổ đông.