01.
Mẹ của các chủ nhân căn nhà này không may qua đời trong một vụ tai nạn. Mọi người đều đau buồn và quyết định phá bỏ ngôi nhà cũ – nơi họ đã cùng nhau trải qua tuổi thơ và xây dựng lại ngôi nhà mới để tưởng nhớ mẹ của họ.
Vì vậy, 3 anh em đã tập trung dành khoảng ba tuần để liên lạc với các kiến trúc sư đến từ nhiều quốc gia như: Singapore, Malaysia, Nhật Bản…
Guo Xien (KTS đến từ Thượng Hải) nói: “Chúng tôi đã dành rất nhiều thời gian cho dự án này, thậm chí là quá nhiều thời gian. Lần đầu tiên tôi gặp ba anh em, mẹ của họ đã mất được một năm nhưng tôi vẫn còn nhìn thấy những vết sẹo trên người con trai và nét đượm buồn trong đôi mắt của họ”.
Guo Xien cũng nói rằng, điều quan trọng nhất có thể không phải là xây lại kiểu nhà nào hay ai có thể thiết kế ngôi nhà đẹp nhất mà là tạo ra một nơi có thể lưu giữ những kỷ niệm gia đình, giúp tất cả những người sống trong đó đều cảm thấy dễ chịu hơn. Sau đó dần dần trở lại cuộc sống bình thường và chờ đợi nỗi đau vơi đi.
Cuối cùng, gia đình quyết định giao cho Guo Xien và Hu Rushan phụ trách xây dựng lại căn nhà này. Ba năm sau, tức năm 2022, ngôi nhà mới hoàn thành và được đặt tên là “Nostalgia House”.
02.
Ở Singapore, nơi đất đai có giá cao, hầu hết người dân sống trong các căn hộ cao tầng. Những căn nhà gỗ không chỉ tương đối hiếm mà còn thường mang dấu ấn lịch sử. Tiền thân của “Nostalgic House” là ngôi nhà gỗ, nét thiết kế có sự pha trộn giữa phong cách thuộc địa của Anh và các yếu tố truyền thống của Mã Lai.
Sau khi xây dựng lại, căn nhà hầu như không sử dụng gạch ngói cũ, cũng không còn mái ngói đỏ hay các chi tiết trang trí thời Victoria. Tuy nhiên, nó vẫn mang những nét đặc trưng của một ngôi nhà gỗ và còn lưu giữ ít nhất 3 kỷ niệm của gia đình họ.
Ký ức thứ hai là khu vườn ở giếng trời. Mẹ của 3 anh chị em ngày xưa rất yêu thích việc chăm sóc khu vườn của ngôi nhà cũ nên cả gia đình mong rằng sẽ có một khu vườn ở sân mới để tưởng nhớ bà và là không gian chung để chia sẻ, vui chơi cùng nhau của cả gia đình.
Sau khi bước vào cổng sân, bạn có thể nhìn thấy một cái cây nhỏ đứng dưới mái hiên. Một mảnh mái nhà phía trên đã bị khoét ra, tạo điều kiện cho các tia nắng chiếu xuống. Xa hơn bên trong là giếng trời lộ thiên, khu vườn tưởng niệm nằm ở giữa sân, chiếm phần lớn diện tích.
“Chúng tôi cố tình kiểm soát kích thước sân, không được nhỏ quá, nếu không sẽ không đủ ánh sáng tự nhiên, trong và ngoài sẽ tối. Đồng thời cũng không được quá lớn, nếu không sẽ giống không gian công cộng trong khách sạn và mất đi cách kể chuyện”, Guo Xi’en nói.
Ký ức thứ ba, dựa trên sự mong đợi của ba anh chị em, đã lưu giữ lại những phần mái dốc của ngôi nhà xưa đã gắn bó với ký ức tuổi thơ của họ.
“Chúng tôi đều có trải nghiệm tương tự khi còn nhỏ. Chúng tôi thích chơi trò trốn tìm và ‘đi tìm kho báu’ trong những góc nhỏ, khuất sâu trong nhà để xem liệu có thể đào ra được những đồ vật và câu chuyện cổ mà người lớn đã gìn giữ bấy lâu nay hay không”, người con trai cả nói.
Phần mái dốc của căn nhà này không chỉ bao phủ mái của ngôi nhà mà còn bao bọc toàn bộ tầng 2.
03.
Sau khi ba anh chị em lớn lên, họ lần lượt chuyển ra ngoài sống và bắt đầu có những ngôi nhà nhỏ của riêng mình. Sự ra đi đột ngột của người mẹ khiến họ gắn bó hơn với gia đình. Tận dụng cơ hội tái thiết này, họ hy vọng sẽ trở lại cuộc sống của một gia đình lớn cùng chung sống trong tương lai nên họ đề xuất không gian ở mới nên có đủ không gian cho các thành viên.
Những ngôi nhà có sân truyền thống của Trung Quốc mang đến nguồn cảm hứng cho các nhà thiết kế. “Chúng tôi sử dụng hình thức kiến trúc sân trong vì sân này ‘không gian hóa’ khái niệm cuộc sống truyền thống phương Đông. Nó có một trung tâm chung để các gia đình tụ họp và một khu ngoại vi nơi các thành viên sống riêng biệt, phù hợp cho việc chung sống nhiều thế hệ”, người con gái thứ 2 chia sẻ.
Dinh thự hai tầng được tổ chức xung quanh một giếng trời hình tròn ngoài trời. Tầng một có phòng khách, bếp mở, phòng ăn và phòng học. Diện tích tường kính và cửa kính lớn khiến toàn bộ sàn nhà tạo thành không gian mở và vô cùng thoáng đãng. Nó trong suốt đến mức đứng ở bất cứ đâu trong nhà, người ta cũng gần như có thể nhìn thấy cốt lõi của ngôi nhà, chính là khu vườn tưởng niệm trung tâm.
Singapore nằm ở vùng nhiệt đới nên việc thông gió trong nhà rất quan trọng. Vì vậy, một lợi ích khác của sự trong suốt là bạn có thể mở cửa kính để thông gió bất cứ lúc nào. Trong nhà và ngoài trời được kết nối với nhau, giúp không chỉ gió không bị cản trở mà vạn vật trong nhà như hoa cùng các loại cây cối đều có đủ điều kiện tốt về thời tiết, khí hậu để tiếp tục sinh sôi.
4 phòng ngủ riêng đều được “nâng” lên tầng 2 và nối với nhau bằng hành lang. Có ba không gian có chiều cao gấp đôi xuyên suốt ngôi nhà, giống như “lỗ quan sát” trên tầng hai. Đứng ở hành lang tầng 2, bạn có thể nhìn thấy phòng khách, phòng ăn hoặc bếp ở tầng dưới qua những “lỗ quan sát” này. Đồng thời, tầng trên và tầng dưới không cách biệt nhau. Mọi người vừa có thể duy trì sự riêng tư nhưng vẫn cảm nhận được sự hiện diện của các thành viên trong gia đình và có thể chăm sóc lẫn nhau.
“Mặc dù chúng tôi không xem xét bất kỳ yếu tố nào liên quan đến dịch bệnh COVID-19 khi thiết kế ngôi nhà này, nhưng bây giờ nhìn lại, mô hình của nó có vẻ rất phù hợp để sống chung trong thời kỳ dịch bệnh. Một số gia đình nhỏ có thể sống tương đối độc lập trong khi vẫn có thể chia sẻ khu vườn và các không gian khác. Không có nhiều người và khoảng cách giữa mọi người là vừa phải”, KTS nói.