Đầu tháng 6, tại Trường Đại học Anh Quốc Việt Nam (BUV) ở Ecopark, đã diễn ra Show Trình Diễn Thời Trang “52” do Câu lạc bộ Thời trang BUV tổ chức. Show quy tụ nhiều “hot face” trong giới mộ điệu và âm nhạc tại Việt Nam, với quy mô lớn và tính chuyên nghiệp dưới sự bảo trợ của nhiều doanh nghiệp lớn.
“52” lấy cảm hứng từ sự giao thoa, kết hợp giữa tình yêu Hà Nội cùng với khát khao sáng tạo của giới trẻ. Số 52 là biểu tượng của sự đối lập, sự phản ánh giữa truyền thống và hiện đại, được khéo léo đan xen vào các bộ sưu tập nam và nữ.
Bốn trường đoạn thời trang khắc họa sự giao thoa văn hóa và lịch sử của Hà Nội thông qua những thiết kế thời trang lấy cảm hứng từ kiến trúc, con người và những câu chuyện chưa bao giờ phai nhạt.
Show Trình Diễn Thời Trang “52” do Câu lạc bộ Thời trang BUV tổ chức
Chương 1 – “Đất Hà Nội” tái hiện vẻ đẹp kiến trúc và văn hóa độc đáo của Hà Nội xưa, sự giao thoa giữa truyền thống và hiện đại tạo nên một Hà Nội đậm chất hoài niệm. Nối tiếp vẻ đẹp của “vật”, vẻ đẹp của “văn” được tôn vinh trong Chương 2 – “Hà Nội Thuở Xưa”, khắc họa những giá trị văn hóa và đạo đức sâu sắc của người Hà Nội thời xưa, tôn vinh các chuẩn mực “Công – Dung – Ngôn – Hạnh” của phụ nữ, và “Tam – Cương – Ngũ – Thường” của nam giới.
Chương 3 – “Hà Nội Năm Ấy” tái hiện lại những thời khắc lịch sử hào hùng của Hà Nội qua các cuộc kháng chiến kiên cường và cuộc sống thường nhật của người dân Thủ đô. Chương cuối “Hà Nội Hôm Nay” đưa người xem từ thời kỳ bao cấp khó khăn đến những thay đổi trong thập niên 90, sự phá cách, năng động của thế hệ trẻ Hà Nội ngày nay, song song với đó là ý thức giữ gìn những giá trị cốt lõi.
Cả show diễn như một chuyến tàu xuyên không đưa khán giả tìm về những cảm xúc hoài cổ của Thủ đô ngàn năm văn vật, hoặc mang lại lăng kính mới mẻ về một Hà Nội xưa cũ tới Gen Z. Trên sàn diễn, nhiều thiết kế độc đáo về ý tưởng và duy mỹ về mặt thiết kế đã mang lại bất ngờ thú vị cho các khách mời.
Phát biểu trong khuôn khổ sự kiện, Bà Trang Lê – Nhà Sáng lập kiêm Chủ tịch Chương trình Tuần lễ Thời trang Quốc tế Việt Nam (Vietnam International Fashion Week) đánh giá cao các sản phẩm sáng tạo và đặc sắc trong các bộ sưu tập, và đặc biệt là khâu tổ chức sự kiện bài bản, quy mô của sinh viên BUV không hề thua kém các sự kiện lớn chuyên nghiệp.
“Cách đây một năm, đứng trước lựa chọn có nên để con gái du học Anh Quốc sau cấp ba hay không, chúng tôi đã quyết định ở lại Việt Nam và chọn BUV. Qua đó, con gái tôi vừa được học tập trong môi trường chuẩn Anh Quốc ở gần gia đình, vừa được thụ hưởng các giá trị quý báu của việc luyện tập, thực hành ngay khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Hôm nay, được tận mặt chứng kiến tinh thần và năng lực của con cùng các bạn đồng trang lứa, tôi cảm thấy quyết định trước đây là vô cùng đúng đắn”, Bà Trang Lê cho hay.
Bà Tạ Hà Lan – Giám đốc ban Công tác và Phát triển Sinh viên, Bà Trang Lê và NTK Đức Hùng chụp ảnh kỷ niệm cùng Ông Rick Bennett, Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tịch BUV (theo thứ tự từ trái qua phải).
Chia sẻ cảm nhận, Nhà thiết kế Đức Hùng cho biết: “Mặc dù tôi là người con sinh ra và lớn lên ở phố cổ Hà Nội, nhưng có nhiều chi tiết tỉ mỉ bản thân tôi cũng không để ý, mà lại được các bạn sinh viên nhận diện và tôn lên làm điểm sáng trong các thiết kế thời trang. Điều này khiến tôi thực sự cảm thấy ‘wow’ và nể phục sự sáng tạo của các bạn trẻ”.
Theo ông Rick Bennett, Phó Hiệu trưởng kiêm Phó Chủ tịch BUV, hiện Trường chưa có chuyên ngành đào tạo về Thời Trang, nên đây là sản phẩm dày công của các sinh viên đến từ nhiều chuyên ngành khác nhau tập hợp lại như Marketing, Kinh Doanh, Quản Lý Sự Kiện… phần nào phản ánh sự năng động và đa tài của các sinh viên BUV.
Một số thiết kế ấn tượng được trình diễn trong Show Thời Trang “52”:
Chữ Quốc Ngữ theo dạng phù điêu hoặc những ký tự chữ cái đắp nổi của biển hiệu các hàng xưa ở Hà Nội được in nhiệt tinh tế lên những chiếc tạp dề màu be.
Những chi tiết mái vòm, gạch lát trên mái chùa của Thăng Long tứ trấn với 4 ngôi đền Bạch Mã, Voi Phục, Kim Liên, Quán Thánh được cách điệu trên các đường nét.
Màu sắc đặc trưng của nhiều trong số 36 phố phường, như đỏ và hồng sen của Phố Hàng Đào, hay xanh lam của Phố Hàng Bông, tạo sự chấm phá trên các trang phục.
Không nhiều người biết trong tiếng Việt cổ, “sũ” trong Lò Sũ có nghĩa là áo quan. Những đặc trưng thú vị của con phố từng chuyên bán quan tài được truyền tải lên thiết kế màu trắng be khơi gợi nhiều liên tưởng.
Thiết kế lấy cảm hứng từ “Giáo Huấn Ca” của Nguyễn Trãi, thể hiện chữ “Ngôn” trong cách ứng xử của người phụ nữ qua lời nói, kết hợp đường nét mềm mại và chất liệu tafta nhẹ nhàng bay bổng.
Nhiều thiết kế kết hợp các giá trị truyền thống của dân tộc, nhưng được biến tấu theo hơi thở và xu hướng thời đại.
Thiết kế lấy ý tưởng từ chiếc áo trấn thủ dành cho nữ giới, thấm đẫm lời kêu gọi Toàn quốc kháng chiến năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Đám cưới thập niên 90 có nhiều đổi mới so với thời bao cấp, cô dâu mặc áo dài hoặc váy cưới, còn chú rể mặc vest trang trọng theo phong cách Âu phục.
Thiết kế lấy cảm hứng từ tiếng khóc em bé thời bình sinh ra từ những nhà hộ sinh A ở phố Ngô Quyền, nhà hộ sinh B ở Lò Đúc những năm sau giải phóng.
Giữa thời đại mới, sinh viên BUV đã thỏa chí tưởng tượng ra một bộ trang phục đám cưới trong tương lai qua hai bộ thiết kế xoá bỏ lằn ranh giữa tính nam và tính nữ.