Đừng quen miệng hứa suông
Nhà văn Hoàng Anh Tú chia sẻ trên trang cá nhân về lời hứa của cha mẹ dành cho con cái:
Kiểm soát cảm xúc và lời nói của mình với con cũng là một cách dạy con trưởng thành ít đau đớn hơn rất nhiều các cha mẹ ạ!
Hôm rồi, trên một chương trình truyền hình tôi có chia sẻ về giá trị từ những lời hứa của cha mẹ. Nhiều cha mẹ vẫn quen thói “trẻ con thì biết cái gì” hay “trẻ con mau quên” mà hứa rồi quên luôn.
Đúng! Nhiều đứa trẻ quả thực quên rằng cha mẹ đã hứa với chúng điều gì vì… đằng nào cha mẹ chả thất hứa. Nhiều đứa trẻ thì đúng là “trẻ con thì biết cái gì” nên chúng cũng không cần biết đến việc phải giữ lời hứa của mình. Bố mẹ có giữ lời hứa đâu sao con phải giữ lời hứa?
Cũng phải bao biện cho cha mẹ một chút vì quỹ thời gian của cha mẹ vốn không rộng dài như lũ trẻ. Công việc mưu sinh, bận rộn kiếm tiền rồi trăm lời hứa khác với sếp, với đồng nghiệp, bạn bè không thể thất hứa được nên lời hứa với con (con mình đẻ ra mà, nó phụ thuộc vào mình mà) sẽ không được xếp ưu tiên trong trí nhớ của cha mẹ. Chỉ là nếu cha mẹ giữ được lời hứa với con mình thì cha mẹ sẽ thay đổi con cái rất nhiều.
Đầu tiên là lòng tin của con vào cha mẹ. Tiếp đến là con sẽ nhận thức đúng đắn về lời hứa. Đã hứa là phải làm. Điều thứ ba là con sẽ học cách chính trực trong cuộc sống của con. Chính trực không phải là thứ mặc định sẵn có trong mỗi con người, nó cần được giáo dục và rèn luyện mỗi ngày, qua chính môi trường sống của chúng.
Một đứa trẻ nói dối, vòng vo, đối phó với cha mẹ vốn là bởi nó sợ nói thật cha mẹ sẽ đánh mắng nó, nói thật cha mẹ không tin, nói thật chẳng có ích lợi gì. Và quan trọng hơn cả, nó học sự dối trá từ chính việc cha mẹ hứa mà không làm, nói một đằng, làm một nẻo.
Và một thứ quan trọng hơn cả mà tôi thấy nhiều cha mẹ chưa nhận ra. Đó là việc chúng ta giữ lời hứa với con trẻ cũng chính là bài học dạy con về TRÁCH NHIỆM. Là khi con nói ra điều gì đó, con hãy có trách nhiệm với lời nói đó của mình.
Những đứa trẻ sống có trách nhiệm luôn phải được bắt đầu từ việc cha mẹ có trách nhiệm với mỗi lời nói ra của mình trước mặt con trẻ. Cha mẹ nói là cha mẹ làm, cha mẹ hứa là cha mẹ sẽ thực hiện, cha mẹ không nói suông. Cha mẹ không phải là những người tùy tiện nói theo cảm xúc tức thời, vui thì xin gì cũng cho, đang bực thì sai sót nhỏ cũng thành lỗi lầm lặp lại.
Vẫn biết là cha mẹ thật khó để rành rẽ cảm xúc của bản thân, đang tức chồng tất nhiên làm sao thay đổi 180 độ vui vẻ với con cho được? Đang bù đầu với deadline của công ty, sếp củ chuối thì làm sao nhẹ nhàng nhắc nhở con khi nó làm đổ bát cơm cho được? Nên nhiều khi cha mẹ cũng giận cá chém thớt vậy.
Nhưng lũ trẻ của chúng ta bao dung hơn chúng ta nghĩ đấy, chúng sẵn sàng tha thứ cho cha mẹ nếu như cha mẹ sau đó biết xin lỗi chúng, biết nhận sai. Tôi tin là vậy vì tôi đã trò chuyện với hàng ngàn đứa trẻ kể cả khi làm anh Chánh Văn hay hàng trăm cuộc trò chuyện khắp các trường học, bọn trẻ của chúng ta không giận cha mẹ lâu, không hận thù cha mẹ, không thù dai đâu, nếu cha mẹ biết nói lời xin lỗi với con. Và đừng lặp lại nó liên tục vì lời xin lỗi vốn có hạn dùng lặp lại không nhiều đâu.
Kiểm soát cảm xúc và lời nói của mình với con cũng là một cách dạy con trưởng thành ít đau đớn hơn rất nhiều các cha mẹ ạ!
Người lớn quên nhưng trẻ nhớ lâu
Chuyên gia tư vấn tâm lý học đường Lê Thị Lan Anh cho rằng, người lớn rất dễ thất hứa nhưng không nhận ra. Bởi nhiều câu nói vô tình nghĩ rằng trẻ không biết, không để ý đã trở thành câu “cửa miệng”.
Tình huống thường gặp nhất thường khiến người lớn mắc lỗi là lúc muốn từ chối yêu cầu nào đó của trẻ. Chẳng hạn, cha mẹ đang bận làm việc nhưng con lại muốn đi chơi. Nhiều người thường nói “chờ mẹ một chút”, “mẹ sắp xong rồi”,… Những câu nói này người lớn cũng không nghĩ rằng con có thể quan tâm và thực sự mong đợi “một chút” đó. Nhưng không phải lúc nào mẹ cũng xong việc ngay. Đôi khi bé chấp nhận điều chờ đợi, nhưng những gì vừa hứa chỉ là chiêu thức “đánh lừa” của mẹ. Vì thế, người lớn thường sẽ quên ngay lời hứa đó sau khi vừa nói xong.
Nhiều trẻ sẽ phản ứng bằng cách khóc hay biểu hiện sự thất vọng sau khi biết mẹ đã không thực hiện cam kết với mình. Sự thất vọng tràn trề đã ảnh hưởng tới trẻ ngay từ khi còn bé. Trẻ không còn tin ở người lớn cũng là lúc trẻ học cách nói dối. Nếu như vì một lý do nào đó, bố mẹ không thể thực hiện được điều mình hứa với con thì bố mẹ không nên giải thích qua loa, đại khái cho xong việc.
Chuyên gia Lê Thị Lan Anh cũng cho rằng, phần lớn trẻ em học hỏi là nhờ vào việc “bắt chước”. Nếu cha mẹ luôn giữ lời hứa và trung thực thì trẻ cũng sẽ học được tầm quan trọng và giá trị của việc thực hiện một cam kết và dần định hình nhân cách trung thực, giữ lời đã hứa khi lớn lên.
Do vậy, để đảm bảo khả năng thực hiện lời hứa với trẻ, trước khi hứa điều gì đó, cha mẹ cần chắc chắn khả năng thực hiện và cố gắng giữ lời hứa để có được sự tôn trọng, an tâm và tin cậy nơi trẻ. Nếu việc thất hứa thường xuyên diễn ra, tốt nhất cha mẹ nên xem lại cách thu xếp thời gian của mình và xem lại lời hứa với trẻ có được đưa ra trong lúc cao hứng và tùy tiện hay không.
Ngược lại, cha mẹ nên hứa và thực hiện lời hứa với trẻ khi chúng ngoan ngoãn, làm việc tốt, có thành tích tốt… Lời hứa lúc này là một phần thưởng cho trẻ, giúp trẻ nỗ lực hơn để dành được phần thưởng mà chúng mong đợi.