Như bất kỳ ai từng thèm muốn một chiếc túi xách hàng hiệu đều sẽ thừa nhận rằng rào cản lớn nhất chính là giá của nó. Một số người tiết kiệm hàng năm trời để khoác lên tay món phụ kiện mơ ước, đó có thể là chiếc túi chần bông Chanel cổ điển, một chiếc Louis Vuitton Pochette hay một chiếc Gucci Jackie.
Thế nhưng, nếu đối tượng nhắm tới là một chiếc túi Hermès Birkin, họ có thể bị sốc bởi ngay cả khi đủ khả năng chi trả cho mức giá khởi điểm của nó là 9.000 bảng Anh (khoảng 280 triệu VNĐ) thì việc chạm được tới chiếc túi vẫn chưa có gì đảm bảo. Thực tế, con đường để sở hữu chiếc túi hiệu huyền thoại này khó khăn và phức tạp hơn những gì bạn có thể tưởng tượng, đến mức mới đây 2 khách mua hàng ở California đã khởi kiện hãng vì từ chối bán túi Birkin cho họ dù đã “cố gắng mua nhiều lần”.
Đơn kiện cáo buộc rằng trong mỗi lần cố gắng mua một chiếc túi Birkin, khách đều được thông báo rằng họ “cần phải mua thêm các mặt hàng và phụ kiện khác”, và rằng những chiếc túi xách chỉ được bán cho “khách hàng đã liên tục ủng hộ doanh nghiệp” – một thông lệ được xem là “trói buộc”, điều này khiến Hermès vi phạm luật chống độc quyền của Mỹ. Vụ kiện tập thể có thể thu hút hàng ngàn khách hàng tương tự cũng bị ép mua các sản phẩm khác của Hermès chỉ để có được cơ hội tiếp cận chiếc túi họ muốn.
Trong toàn bộ cáo buộc, không có trường hợp nào đủ sức lay động lòng người bởi trong bối cảnh khủng hoảng chi phí sinh hoạt thì lời kêu ca về việc “tôi đủ tiền mua chiếc túi Hermès giá 9.000 bảng Anh nhưng bị ép mua thêm cả đống khăn choàng và ví Hermès” có vẻ không đáng được cảm thông chút nào. Tuy nhiên, nó nêu ra một số vấn đề quan trọng, làm sáng tỏ quy trình bí ẩn cố ý đằng sau việc mua bán một chiếc túi Birkin.
Liệu chăng có chuyện “chọn mặt bán túi”?
Hermès sở hữu những khách hàng danh giá bậc nhất bao gồm Angelina Jolie, Julia Roberts, Vương hậu Mary của Đan Mạch, Kendall Jenner và Victoria Beckham (được đồn có tới hơn 100 chiếc). Thế nhưng đây lại là thương hiệu xa xỉ độc nhất vô nhị trong việc không tặng túi cho người nổi tiếng cũng như không trả tiền cho các đại sứ thương hiệu để quảng bá sản phẩm của họ. “Chúng tôi có những người nổi tiếng mua túi của mình, nhưng chúng tôi chưa bao giờ có đại sứ là người nổi tiếng, bởi vì mọi người đều được xem là khách hàng”, Axel Dumas, giám đốc điều hành công ty – và là thành viên thế hệ thứ sáu của gia đình Hermès – đã nói trong một cuộc phỏng vấn năm 2017. “Mọi người đều được chào đón, không ai bị phán xét”. Có lẽ những người mua sắm ở California sẽ không đồng ý với điều này.
Siêu mẫu Kate Moss và Kim Kardashian với chiếc túi Birkin. (Ảnh: Internet)
Trên TikTok, có nhiều câu chuyện về hành trình dai dẳng và tốn kém mà một người muốn sở hữu chiếc túi Birkin phải trải qua – quá trình này được gọi là “trò chơi” liên quan đến việc xây dựng mối quan hệ mạnh mẽ với “SA” (trợ lý bán hàng) của Hermès. Trong một bài đăng nhận được 388 nghìn lượt thích, influencer Freya Killin đã kể lại chi tiết cách cô đã đi từ London đến Paris trong dịp sinh nhật thứ 30 của mình với hy vọng mua được một chiếc.
“SA tốt bụng của tôi đã sắp xếp cho tôi một leather appointment (cuộc hẹn để khách hàng của Hermès trực tiếp đến xem hàng và có thể mua được túi) – điều này không có nghĩa là bạn chắc chắn mang được túi về nhà, nhưng có thể sẽ có được một cái gì đó”, cô giải thích với 140k người theo dõi của mình. “Có thể không đúng như những gì bạn tìm – phần cứng kim loại có thể khác màu hoặc không phải loại da bạn muốn”. Sau thời gian chờ đợi căng thẳng, trợ lý bán hàng quay trở lại với một chiếc Birkin da Togo màu đen kích thước 25 cùng phần cứng màu vàng kim, giá 9.000 bảng. “Không thể tin được nó là của tôi. Tôi chính thức là một Birkin mum (chỉ những phụ nữ sở hữu túi Birkin)”, cô mỉm cười.
Điều gì làm nên cái giá “trên trời”?
Người hoài nghi chỉ trích Hermès cố tình làm cho những chiếc túi Birkin thật khan hiếm để thúc đẩy nhu cầu, nhưng Hermès phản bác lại rằng chế tác một chiếc túi Birkin mất rất nhiều thời gian. Rằng đây không phải là hàng thời trang nhanh, 3000 thợ thủ công làm việc ở 15 xưởng khác nhau trải khắp nước Pháp, mỗi người được đào tạo chuyên sâu cho những kỹ thuật độc đáo để tạo ra chiếc túi trứ danh. Theo Hermès, phải cần đến 7 năm để thuần thục nghệ thuật tạo tác một chiếc túi Birkin da cá sấu – là một trong những mẫu có cấu trúc phức tạp nhất.
Chính nhờ sự kỳ công và tinh xảo này mà túi Birkin được đánh giá cao. Hầu hết dân sành sỏi thời trang đều xem Hermès như chén thánh của sự xa xỉ nhờ vào lịch sử thương hiệu cũng như các sản phẩm của hãng. Thành lập tại Paris vào năm 1837 bởi Thierry Hermès, ban đầu hãng sản xuất các loại dây cương ngựa và trung thành với dòng sản phẩm phục vụ cưỡi ngựa. Đến năm 1880, hãng mở cửa hàng đầu tiên và bắt đầu kinh doanh đồ da từ năm 1922 và sau đó là quần áo năm 1925. Việc hãng bảo vệ danh tiếng của mình một cách cẩn trọng chính là lý do tại sao sản phẩm của hãng luôn được săn đón. Hermès không giảm giá và không bị ảnh hưởng bởi suy thoái kinh tế, giá vẫn tiếp tục tăng theo cấp số nhân. Sau khi công bố mức tăng trưởng doanh thu 17,5% vào tháng 2, Hermès cho biết hãng sẽ tăng giá từ 8 đến 9% vào năm 2024.
Mặc dù một chiếc Birkin mới có giá từ 9.000 đến 150.000 bảng Anh (khoảng 280 triệu đến hơn 4,6 tỷ VNĐ), nhưng nếu so với giá được đấu giá thì mức đó còn khá phải chăng. Theo báo cáo của nhà đấu giá Christie vào năm 2021, một chiếc túi Birkin da cá sấu Himalaya màu trắng mờ hiếm có với phần cứng vàng trắng và kim cương đã đạt mức đấu giá kỷ lục 405.000 bảng Anh (hơn 12,6 tỷ VNĐ). Năm 2021, Bonhams đã bán một chiếc Birkin da Togo màu đen mà Jane Birkin sở hữu với giá 119.000 bảng Anh (3,7 tỷ VNĐ). Đó là cái giá để có được món đồ trong mơ từ chính chủ nhân tên gọi của chiếc túi.
Không chỉ là túi hiệu, Birkin còn là một khoản đầu tư
Với việc chiếc túi Birkin mới ngày càng khó mua, không khó hiểu khi thị trường bán lại bùng nổ. Các nhà đấu giá ở Anh bắt đầu tổ chức các phiên đấu giá chuyên cho túi xách khoảng 12 năm trước, mặc dù mặt hàng này mới thực sự trở nên phổ biến trong 8 năm qua. 10 năm trước, nhiều người tỏ ra ngạc nhiên khi biết rằng túi xách đã mua có thể được đem bán đấu giá, trong khi ngày nay mọi người đều biết rằng những chiếc túi như của Hermès rất có giá trị sưu tầm, có thể giữ giá và thậm chí tăng giá đáng kể. Hầu hết các nhà đấu giá hiện nay đều có bộ phận chuyên trách về đấu giá túi xách xa. Điều đó chứng tỏ sức hút và ma lực của chúng.
Trong khi những chiếc túi có chủ sở hữu nổi tiếng hoặc là phiên bản hiếm luôn có mức giá cao ngất, thì ngay cả những chiếc Birkin tiêu chuẩn cũng là một khoản đầu tư đáng giá. Trang web bán lại hàng xa xỉ Vestiaire Collective cho biết Birkin là một trong những chiếc túi có nhu cầu cao nhất, ước tính rằng nó vẫn giữ được khoảng 130% giá trị ban đầu, một khoản lợi nhuận vượt xa các khoản đầu tư truyền thống như tài sản hoặc vàng. Nền tảng trực tuyến Baghunter ước tính giá trị sẽ tăng từ 8 đến 10 lần giá trị thị trường ngày nay trong 50 năm tới. Theo Credit Suisse, giá trung bình của túi Birkin đã tăng 38% vào năm 2021, trong khi thị trường chứng khoán Anh tăng trở lại 8% trong cùng năm.
Tất cả những điều này có lẽ sẽ không làm dịu đi sự bất mãn của hai khách hàng ở California. Mặc dù Hermès vẫn chưa phản hồi về vụ kiện, nhưng điều đó chắc chắn sẽ không ảnh hưởng đến nhu cầu. Trong thời đại mà tay nghề, di sản và nguyên tắc của thời trang chậm được khao khát hơn bao giờ hết, đối với những người may mắn đủ khả năng mua được một chiếc, việc mang một chiếc túi Birkin về nhà sẽ luôn là phần thưởng cuối cùng.
Nguồn: Telegraph