Có mẹ nào từng cảm thấy lo lắng và tủi thân khi nghe thấy những bà mẹ xung quanh nuôi con thật giỏi. Con mới vài tháng tuổi mà bú được 80ml, 100ml, thậm chí là 150ml/ cữ. Thế nhưng, mỗi đứa trẻ một cơ địa, việc so sánh như vậy không phù hợp và cũng vô tình gây áp lực cho người mẹ nuôi con.
Mới đây, một mẹ bỉm đã chia sẻ câu chuyện của bản thân khiến nhiều người giật mình. Cụ thể, thấy con bú sữa rất giỏi nên người mẹ này rất mừng, cố cho con bú mỗi cữ 120ml. Cho đến một ngày con không muốn bú, có dấu hiệu phản kháng nhưng mẹ ấy vẫn cố ép vì sợ con đói, mong con lên cân. Thế nhưng, hậu quả là khi đi khám, bác sĩ phát hiện bé đã bị trào ngược dạ dày, dấu hiệu viêm phổi, phải uống kháng sinh và khí dung.
“Bông nhà mình trộm vía háu bú. Lúc sinh em đã ăn được khoảng 70ml. Bác sĩ dặn mình nên cho bú theo khoa học chứ đừng bú theo nhu cầu. Vì bản năng trẻ sơ sinh là mút mát, nếu không hiểu rõ thì rất dễ làm tổn thương dạ dày và đường ruột của con.
Từ đó mình duy trì cho con ăn theo số ml bác sĩ hướng dẫn và tăng dần theo thời gian. Trong tháng Bông ti rất giỏi, mình rất mừng. Bông ngủ cũng giỏi nữa, chưa bao giờ quấy khóc.
Nhưng khi ra tháng, Bông bắt đầu ăn theo nhu cầu. Mình đã cho con ti theo nhu cầu, lượng sữa tăng lên mức 110, 120ml trong 3 tiếng. Từ đây sai lầm của mình bắt đầu mà mình không hề hay biết.
Mỗi cữ sữa mình đều pha 120ml. Có những khi con chỉ bú khoảng 90, 100, 110ml nhưng mình nghĩ con có thể ti thêm nên nhét bình cho con ăn hết 120ml. Khi cố thì con vẫn ti được hết, mình mừng lắm.
Mình vẫn cứ như vậy, hôm nào con phản kháng quá thì thôi. Kéo dài thêm được 2-3 tuần thì Bông có dấu hiệu ăn ít, nôn trớ, ọc sữa. Chỉ trong 3 tháng mà nôn 2 lần. Mình không cho con đi khám vì nghĩ chắc ăn no quá nên vậy.
Càng ngày Bông càng bú ít lại. Từ 120 xuống 90-70-60. Đỉnh điểm là 2 tháng rưỡi con chỉ còn ti 30-40ml. Cho bú là nhả nhớt, quấy khóc, giãy nảy. Mình sợ con đói nên cũng cố gắng cho ăn, từ 600ml/ ngày xuống còn 200, 300ml.
Sai lầm nối tiếp sai lầm khi mình nghĩ con chỉ biếng ăn sinh lý, nặng hơn là tâm lý. Mình đã đổi đủ cả loại bình sữa, núm ti, bỏ tiền ra học khóa biếng ăn tâm lý cho trẻ. Nhưng mình áp dụng không cải thiện, con ti càng lúc càng ít kèm theo nhõng nhẽo, đòi bế, khò khè. Lúc này mình mới cho con đi viện.
Trời ơi, bác sĩ bảo con đã bị trào ngược dạ dày, dẫn đến viêm đường hô hấp dưới. Nếu không đưa con đi khám kịp thì con rất dễ bị viêm phổi (có thể tái đi tái lại) rất khó chữa.
Lúc này con phải dùng thuốc kháng sinh và thở khí dung. Nguyên nhân là vì bị ăn no quá (những lần mẹ ép thêm 10, 20ml). Kể cả khi con không có nhu cầu bú đêm, mình vẫn cố gắng cho bú hoặc goi dậy lúc 23h và 3h sáng vì sợ con đói. Điều này khiến dạ dày của con quá tải, không hồi phục kịp.
Giờ Bông đang trong quá trình điều trị trào ngược dạ dày và mình thực hiện không ép con ăn nữa. Con từ chối là mình dừng ngay lập tức.
Nhưng buồn nhất là cân nặng của con không tăng như trước. Lúc mới sinh trộm vía 3,4kg. 5 tháng được 5kg. Bây giờ mình lại bắt đầu hành trình rèn ăn khoa học lại cho con. Mình đã hại con từ đứa bé háu bú, bụ bẫm thành đứa bé sợ ăn, còi cọc rồi. Mình hối hận lắm”, người mẹ tâm sự.
Dưới phần bình luận, nhiều mẹ tâm sự nhờ video này mà dừng ngày việc ép con ăn, chỉ cho bé ăn theo nhu cầu. Nếu phát hiện bất thường cần đưa con đi gặp bác sĩ.
Đây cũng là một bài học cho hầu hết các mẹ bỉm nuôi con trong giai đoạn này. Không nên cố ép hoặc bắt con uống khi thấy bé đã quá no.
1. Cho trẻ bú theo nhu cầu
Bạn không nhất thiết phải cho bé bú sữa theo cữ cố định, từ 2-3 tiếng một lần mà nên cho bé bú khi nào bé đói. Lúc này, lực bú của bé thường mạnh, giúp bé bú nhanh và được nhiều hơn. Khi đó, tuyến sữa của mẹ cũng nhận được đủ kích thích để có thể tiết sữa dễ dàng, giúp bé ăn no bụng hơn.
2. Cho con bú đúng cách
Việc cho bé bú sai tư thế sẽ khiến con không bú được đủ theo nhu cầu dẫn đến bị đói và thường xuyên đòi bú liên tục. Để tránh được điều này, các bạn có thể tham khảo hướng dẫn cho bé bú mẹ đúng cách sau đây:
Mẹ cần ngồi cho bé bú với tư thế thực sự thư giãn, thoải mái. Mẹ bế bé bằng hai tay, áp sát người bé vào người mẹ sao cho mặt bé hướng vào bầu vú. Đặc biệt cần chú ý giữ cho đầu và thân bé thẳng hàng. Cho bé ngậm hết phần quầng vú để sữa có thể tiết ra dễ dàng và đều hơn.
3. Làm gì khi bé bú căng bụng vẫn đòi bú?
Với trường hợp bé đòi bú liên tục dù bụng đã no, tùy thuộc vào nguyên nhân và tình trạng của bé mà mẹ có thể chọn cách xử lý sao cho phù hợp.
Nếu bé đã no bụng nhưng vẫn đòi bú là để dễ ngủ hoặc giúp con cảm thấy dễ chịu, bạn có thể tiếp tục cho con bú khi trẻ không xuất hiện biểu hiện nôn ói, quấy khóc nhiều hơn. Ngược lại, nếu bé đòi bú liên tục nhưng có dấu hiệu ọc sữa, trớ sữa… lúc này mẹ nên ngừng cho con bú.
Thay vào đó, mẹ có thể áp dụng các phương pháp thay thế như ngậm ti giả, hát ru hoặc đổi tư thế bế con phù hợp. Điều này có thể sẽ giúp bé cảm thấy dễ chịu hơn. Các mẹ cần chú ý theo dõi sức khỏe của trẻ thường xuyên.
Trong trường hợp trẻ đòi bú nhiều nhưng không tăng cân, chậm phát triển hoặc có các triệu chứng bất thường, lúc này mẹ nên cho trẻ đi khám để được bác sĩ chẩn đoán bệnh lý (nếu có). Điều này sẽ giúp điều trị kịp thời và hiệu quả nhất.