*Dưới đây là những lời chia sẻ của Bernadette Joy – BTV Tài chính của The Forbes, về mối liên hệ giữa việc ăn hàng và mục tiêu tự do tài chính. Cô cho rằng ăn hàng là hoạt động tốt, có thể hỗ trợ cho hành trình chinh phục mục tiêu tự do tài chính của mỗi người. Bernadette Joy và chồng đã trả hết khoản nợ 300.000 USD trong ba năm và xây dựng tài sản ròng trị giá 1 triệu USD ở tuổi 30.
Với quan điểm và trải nghiệm của mình, Bernadette Joy cho rằng việc ăn hàng có thể hỗ trợ mục tiêu tự do tài chính vì 4 lý do sau.
1 – Khi đi du lịch, lưu giữ kỷ niệm bằng đồ ăn, đặc sản, chứ không phải mua quà
Là một người Mỹ gốc Philippines, không nói được ngôn ngữ của tổ tiên, ẩm thực là một trong số ít những mối liên kết mà tôi có với quê hương của mình. Ở Charlotte – phía Bắc Carolina, nơi tôi đang sống, chỉ có một nhà hàng Philippines ở vị trí không mấy thuận tiện.
Vì vậy, khi đến thăm các thành phố như Las Vegas hoặc Los Angeles, tôi sẽ luôn ghé các tiệm bánh và nhà hàng của người Philippines, không chỉ để thưởng thức ẩm thực quê hương, mà còn để hỗ trợ những người đồng hương của mình bằng cách mua đồ ăn về làm quà.
Ảnh minh họa
Thói quen này cũng được chúng tôi áp dụng với các chuyến du lịch nước ngoài. Trong chuyến đi du lịch Hàn Quốc, trải nghiệm ẩm thực của xứ sở kim chi, tôi đã học được cách làm món gà rán Hàn Quốc, bibimbap.
Những cuộc phiêu lưu ẩm thực đã giúp chúng tôi tìm hiểu về nền văn hóa nước này thay vì mua những món quà lưu niệm chỉ để phủ bụi. Chúng tôi thay thế các khoản mua sắm quà tặng, quà lưu niệm bằng cách khám phá ẩm thực và tự tay nấu chúng cho những người thân của mình.
Bằng cách này, chúng tôi tăng được trải nghiệm cho bản thân, đồng thời tiết kiệm ngân sách mua quà tặng sau mỗi chuyến du lịch.
2 – Nếu biết “luật ăn hàng”, sẽ không tốn kém lắm đâu
Nhiều người cho rằng ăn hàng vừa không healthy, vừa tốn kém. Tôi không đồng ý với quan điểm này.
Ngày nay, có rất nhiều lựa chọn ăn uống lành mạnh, phù hợp với bất kỳ chế độ ăn kiêng nào mà bạn có thể nghĩ đến.
Chìa khóa để duy trì ngân sách tài chính và chế độ ăn lành mạnh chỉ đơn giản nằm ở việc bạn ăn có ý thức hay không. Tờ Business Insider từng khẳng định khẩu phần ăn của người Mỹ thường lớn hơn so với phần còn lại của thế giới. Đây rõ ràng là văn hóa đề cao số lượng hơn chất lượng.
Ảnh minh họa
Nguyên tắc của chúng tôi khi ăn hàng là luôn gọi vừa đủ hoặc thậm chí là ít hơn một chút so với cảm giác đói của bản thân lúc đó. Một nhà hàng yêu thích của chúng tôi phục vụ những bát ngũ cốc “khổng lồ” với rất nhiều rau và protein từ hạt với giá 15 USD. Chúng tôi sẽ mua bát ngũ cốc này, mang về nhà và chia nó thành 3 bữa khác nhau. Tính ra chỉ 5 USD/bữa, rẻ hơn nhiều so với việc tự mua đồ và tự nấu.
3 – Bớt thời gian và năng lượng dọn dẹp sau nấu ăn
Trước đây, tôi từng làm việc cho một CEO, người ăn ức gà và salad mỗi ngày vào bữa trưa. Bất kể chúng tôi đi đâu, anh ấy cũng sẽ gọi món giống hệt nhau. Lúc đầu tôi nghĩ việc này thật nhàm chán. Nhưng tôi quan sát thấy anh ấy làm việc hiệu quả ra sao mỗi ngày, và trở thành trụ cột cho đại gia đình bao gồm cả chị gái và bố mẹ anh ấy.
Từ đó, tôi nhận ra rằng ăn ngoài là cách tiết kiệm năng lượng và thời gian của những cá nhân/gia đình bận rộn và có mức thu nhập từ ổn cho tới cao.
Trong các buổi tọa đàm chia sẻ, tư vấn kỹ năng quản lý tài chính cho sinh viên, tôi cũng luôn nhắc các bà mẹ đang vừa đi học, vừa nuôi con nhỏ rằng họ không phải là những bậc cha mẹ tồi nếu họ không thể nấu mọi bữa ăn cho con mình ở nhà.
Sẽ rất hợp lý nếu bạn thỉnh thoảng đặt mua chiếc bánh pizza cho tụi trẻ để có thể dành thời gian cho bản thân hoặc cho con, hơn là cặm cụi nấu nướng rồi rửa chén bát.
4 – Không ai cô đơn khi đi ăn hàng
Mới đây, kết quả cuộc khảo sát toàn cầu của Meta-Gallup cho thấy: 24% người tham gia khảo sát thừa nhận họ luôn cảm thấy khá cô đơn, hoặc rất cô đơn.
Đi ăn ngoài được đánh giá là một trong những cách tốt nhất để thúc đẩy kết nối xã hội và thư giãn, nâng cao sức khỏe tinh thần. Tuy nhiên, cần hiểu rằng những bữa ăn “mua cho xong” không giống như những bữa ăn cùng bạn bè và gia đình. Ly cà phê bạn mua chỉ để vượt qua một ngày khác với cà phê bạn uống với một người bạn sau một thời gian dài không gặp gỡ.
Ảnh minh họa
Nói như vậy để thấy rằng việc ăn hàng có thể tốn kém nếu bạn không có kế hoạch hay mục đích rõ ràng. Tôi luôn khuyên mọi người nên đi ăn ngoài một đến ba lần mỗi tuần, và hãy dành ít nhất một bữa ăn để kết nối với người mà bạn quan tâm.
Bằng cách kết hợp trải nghiệm ăn uống vào ngân sách hàng tháng của mình, bạn vừa có thể tiết kiệm năng lượng, xua đi cảm giác cô đơn, đồng thời tạo dựng mối quan hệ và tăng cường trải nghiệm cho chính mình.
Tôi tin rằng việc ăn hàng không hề ảnh hưởng tới các mục tiêu tài chính của bạn trong ngắn hạn hoặc dài hạn, miễn là bạn đảm bảo mình ăn hàng một cách có kế hoạch và có ý thức.