Gian nan đi điều trị chậm nói cho con/cháu
“Con chào bà, con bà, con chào bác, bố ơi ăn kem không, con ăn kem… mua kem”.
Hết giờ học, bé Nguyễn Bảo Gia Khánh ở Đông Anh, Hà Nội sà vào lòng bố líu lo đủ chuyện, nào đi chơi, ăn kem… Sự thay đổi thấy rõ sau hơn 2 tháng bé theo học lớp can thiệp dành cho trẻ bị rối loạn ngôn ngữ ở BV Nhi TW. Anh Nguyễn Thế Công, bố của bé cho biết: Khánh 4 tuổi, trước đó, bé chỉ nói được một số từ đơn giản, khi không vừa ý cái gì cháu chỉ biết khóc ăn vạ nhưng do bố mẹ chủ quan, nghĩ bé chậm nói không có vấn đề gì lớn nhưng càng lớn thì bé càng không nói được thêm từ gì nên anh chị mới đưa bé đi khám.
Vậy là mặc dù cách nhà hơn 20 km nhưng anh Công vẫn thường xuyên đưa con đến bệnh viện. Về nhà, hai bố mẹ dành nhiều thời gian hơn để tập luyện cùng con. Và, sự kiên trì của anh đã bắt đầu có kết quả. “Hơn 3 tuổi thì cháu đi khám Bệnh viện Nhi TW. Sang đây học cháu nói rõ hơn, chịu khó nói nhiều, ngồi học cũng tập trung hơn” – Anh Nguyễn Thế Công cho biết.
Cũng không quản ngại đường xa, mỗi ngày bà Nguyễn Thị Bích, nhà ở khu đô thị Ecopark- Hưng Yên đều đặn đưa cháu 4 tuổi đi học nói. Bà Bích cho biết: Cháu trai bà theo bố mẹ sang Ba Lan ở từ khi mới sinh. 2 tuổi bố mẹ đã nghĩ cháu bị chậm nói nhưng cả nhà không có điều kiện đưa con về Việt Nam điều trị.
“Bác sĩ bảo cháu bị loạn ngôn ngữ, về học nói. Bên kia mẹ cháu làm ăn cho chơi điện thoại, bây giờ về bác sĩ bảo cấm không cho xem điện thoại và ti vi. Chơi điện thoại nhiều nguy hiểm. Cháu học hơn 1 năm rồi, chưa nói đươc nhiều, mới có bye bye, ô tô mà thích thì nói không thích thì thôi. Học tốn kém lắm nhưng phải chịu chứ biết làm sao. Chẳng nhẽ để cháu không biết gì thì khổ” – Bà Bích chia sẻ.
Can thiệp, điều trị chậm nói ở trẻ càng sớm càng tốt
Theo BS Phạm Bích Hà – Phòng tư vấn Cây thông xanh của Trung tâm Nghiên cứu, đào tạo và phát triển cộng đồng, có nhiều nguyên nhân khiến cho trẻ chậm nói. Trẻ chậm nói, có thể do có vấn đề ở cơ quan phát âm hay do sự tác động của các yếu tố tâm lý, giáo dục gây rối loạn ngôn ngữ ở trẻ. Ngoài ra, trẻ chậm nói còn là dấu hiệu của hội chứng tự kỷ, tăng động giảm chú ý…
BS Phạm Bích Hà cho rằng, không ít người còn có quan niệm sai lầm rằng trẻ biết nói muộn cũng không đáng lo bởi lớn lên trẻ sẽ biết nói. “Không có cái gì là tự dưng trẻ có thể biết được cả. Với một đứa trẻ bình thường thì sẽ quan sát người lớn làm và sẽ học bắt chước làm theo. Nhưng trẻ đã có vấn đề, sửa khi trẻ nhỏ thì dễ nhưng nếu không phát hiện mà để con tự do phát triển thì tình trạng sẽ ngày càng tồi tệ, ảnh hưởng đến khả năng giao tiếp, phát triển của trẻ sau này” – BS Phạm Bích Hà nhấn mạnh.
Vì vậy, cha mẹ nên để ý sự phát triển ngôn ngữ của trẻ qua các giai đoạn 2 tháng, 4 tháng, 6 tháng, 12 tháng… để cảm nhận sự bất thường và cho trẻ đi khám, can thiệp sớm.
Các biểu hiện bất thường về phát triển ngôn ngữ ở trẻ:
– Không đáp ứng với giọng nói hay những âm thanh to khi bé 6 – 8 tuần tuổi.
– Không cười với giọng nói của cha mẹ lúc 2 tháng.
– Không quan tâm đến người và vật xung quanh lúc 3 tháng.
-Không bập bẹ ở giai đoạn 8 -12 tháng tuổi.
-Không nói được từ đơn lúc bé 2 tuổi.
– Không nói được một câu đơn giản khi bé 3 tuổi.
Nếu thấy trẻ có một trong những biểu hiện trên, cần đưa trẻ đến cơ sở y tế để các bác sĩ kiểm tra. Tùy theo mức độ chậm nói và độ tuổi của trẻ các bác sĩ sẽ có nhiều hình thức can thiệp khác nhau. Sự kiên trì, đồng hành của ông bà, bố mẹ chính là mở ra cho trẻ tương lai tốt đẹp hơn, có ý nghĩa trong suốt quá trình điều trị.