Khi biết con mình bị bắt nạt ở tường, cha mẹ nào cũng đau xót và tức giận. Ngày nay, tình trạng bắt nạt, bạo lực học đường được nhiều người chú ý tới hơn nhờ sự lan truyền trên mạng xã hội.
Phần lớn học sinh đều từng trải qua việc bị bắt nạt ở trường tùy theo mức độ bạo lực khác nhau từ bạn cùng lớp. Điểm chung của những đứa trẻ dễ bị bắt nạt thường rơi vào những trường hợp dưới đây.
1. Trẻ thiếu an toàn
Những đứa trẻ có cảm giác bất an trong lòng phần lớn đều có tính cách mỏng manh, nhạy cảm, không dám nói cho người khác biết cảm xúc thật của mình. Nếu bị bắt nạt, trẻ thường chọn cách giấu giếm, kiềm chế cảm xúc của mình và không dám kể với thầy cô, cha mẹ.
Ngoài nguyên nhân về tính cách, nguyên nhân khiến trẻ thiếu cảm giác an toàn là do cha mẹ không tạo cho con đủ cảm giác an toàn.
Trong cuộc sống, có những tình huống trẻ kể với cha mẹ về việc bị bắt nạt nhưng cha mẹ lại trách con vô dụng hoặc không quan tâm đúng cách về việc con bị bắt nạt.
Đứa trẻ không nhận được đủ cảm giác an toàn từ cha mẹ khi bị bắt nạt lần nữa, chúng sẽ chọn cách im lặng chịu đựng và không dám nói với cha mẹ nữa.
2. Trẻ em được cha mẹ bảo vệ quá mức
Một số cha mẹ cho rằng, con còn nhỏ nên mọi thứ cần cha mẹ lo liệu, thậm chí khi có mâu thuẫn với bạn bè cũng do cha mẹ đứng ra giải quyết mà không cho con cơ hội tự mình làm.
Khi một đứa trẻ được bao bọc quá mức, chúng sẽ không có khả năng tự bảo vệ bản thân, lúc bị bắt nạt thường lúng túng, không dám phản kháng và dễ dàng bị người khác sai khiến.
3. Trẻ khác biệt đáng kể so với các bạn cùng lứa
Trẻ em thích chơi với những người giống mình. Nếu một đứa trẻ có những đặc điểm khác biệt so với số đông, chúng thường trở thành mục tiêu bị bạn bè chế giễu.
Ví dụ, trẻ xuất thân trong gia đình đơn thân, bị khuyết tật, học sinh đột ngột chuyển tới trường mới, trẻ quá béo hoặc quá gầy đôi khi cũng trở thành lý do để bị bắt nạt.
Nếu một đứa trẻ khác biệt rõ rệt so với các bạn cùng lứa, có tính cách yếu đuối, sức đề kháng kém, không biết cách chống trả khi bị người khác chế nhạo hay khiêu khích, chúng dễ dàng trở thành đối tượng bị bắt nạt.
4. Những đứa trẻ sống xa cha
Trong một số gia đình, nếu trẻ bị mẹ la mắng, chúng sẽ tìm tới sự trợ giúp của cha. Bởi trong trái tim của chúng, người cha có sức mạnh rất lớn. Nếu có cha động viên, chúng sẽ tự tin thể hiện bản lĩnh của mình trước những người bắt nạt mình.
Đối với những đứa trẻ sống xa cha mình vì nhiều lý do, chúng sẽ không cảm nhận được sự nam tính, bản lĩnh đàn ông và những phẩm chất khác của nam giới nên một số trẻ có tính cách yếu đuối, dễ trở thành mục tiêu bắt nạt.
5. Trẻ bị cha mẹ kỷ luật quá nghiêm khắc
Đôi khi, việc đánh nhau giữa trẻ em có thể là cách giao tiếp độc đáo của chúng và không hề có khái niệm “ai bắt nạt ai” cả.
Tuy nhiên, để ngăn ngừa những rắc rối trước khi chúng xảy ra, hoặc để con trở thành những đứa trẻ ngoan, văn minh, lịch sự, một số cha mẹ thường dặn con “không được đánh bạn”.
Theo thời gian, trẻ có thể cảm thấy việc đánh ai đó bất cứ lúc nào là sai. Kết quả là trẻ sẽ không hiểu khi nào mình thực sự bị bắt nạt hoặc có thể không có khả năng chống cự hoặc tự vệ.
6. Trẻ nhút nhát và kỹ năng giao tiếp kém
Một số trẻ ở nhà rất hiếu động nhưng khi đối mặt với người ngoài, chẳng hạn như ở trường mẫu giáo, chúng trở nên rất rụt rè, khi bị bạn đánh không biết cách tự vệ.
Khi những đứa trẻ này bị bắt nạt vì không dám chống cự, kẻ bắt nạt sẽ dễ dàng thành công. Bởi vì kỹ năng giao tiếp kém, không có bạn bè xung quanh nên sẽ không có ai đứng ra giúp đỡ khi trẻ bị bắt nạt.