Vì vậy, cần đặt ra quy tắc cụ thể về thời gian sử dụng loại thiết bị này. Cô Nguyễn Phương Hà – Trường Tiểu học Vạn Phúc (Hà Nội) chia sẻ bí quyết liên quan đến những quy tắc nói trên.
Giới hạn thời gian, không gian
Nhiều phụ huynh đặt ra quy tắc không cho trẻ sử dụng điện thoại vào những ngày đi học, trừ khi cần tra cứu tài liệu. Đặc biệt, không được xem TV, điện thoại vào giờ ăn.
Việc thiết lập các quy tắc chung như thế giúp cha mẹ không phải đưa ra quyết định mỗi ngày hoặc từng trường hợp cụ thể về thời gian sử dụng thiết bị. Khi vượt qua được sự phản kháng ban đầu, con sẽ chấp nhận quy tắc này.
Do đó, phụ huynh có thể đặt ra một khung giờ nhất định ví dụ trước bữa ăn tối và một khoảng thời gian cố định ví dụ là 30 phút để trẻ sử dụng thiết bị điện tử cho hoạt động giải trí. Đồng thời, đặt máy tính, máy chơi game và TV ở các khu vực hoạt động chung để có thể kiếm soát thời gian con sử dụng thiết bị.
Thậm chí, cha mẹ cũng có thể cùng xem, nghe và chơi cùng con trên điện thoại hoặc máy tính để đảm bảo rằng nội dung mà trẻ tiếp cận là an toàn.
Phụ huynh có thể lựa chọn những ứng dụng, trò chơi có tính giáo dục để tham gia cùng con. Với trẻ lớn hơn, có thể khuyến khích tham gia cộng đồng trực tuyến tích cực bằng cách chia sẻ kiến thức, ủng hộ dự án xã hội hoặc tạo ra nội dung sáng tạo. Điều này giúp trẻ thấy đang đóng góp và học hỏi từ sự tương tác trực tuyến.
Thiết bị điện tử rất thú vị nhưng các hoạt động giải trí khác cũng hấp dẫn trẻ không kém. Phụ huynh nên khuyến khích trẻ tham gia vào các hoạt động dã ngoại cùng gia đình, vui chơi với bạn bè, tham gia vào các lớp học nghệ thuật, kỹ năng hoặc thể thao. Việc đa dạng hóa trải nghiệm giải trí giúp trẻ phát triển các kỹ năng khác nhau và cảm nhận thế giới xung quanh mình.
Để trẻ tự kiểm soát
Phụ huynh có thể cho phép trẻ tự lựa chọn về cách thức, thời điểm sử dụng thiết bị điện tử, miễn là con tuân thủ các nguyên tắc đã đề ra. Cha mẹ cũng nên đưa ra cảnh báo trước khi hết thời gian và cho phép trẻ, đặc biệt là những bé nhỏ tuổi, có cơ hội tự nhấn nút tắt thiết bị. Cần tránh để con xem TV, điện thoại quá gần giờ đi ngủ vì có thể ảnh hưởng sức khỏe.
Cha mẹ nên nhớ rằng những gì mình làm sẽ gửi thông điệp mạnh mẽ hơn nhiều so với những gì nói. Nếu người lớn cũng gặp khó khăn trong việc quản lý thời gian sử dụng thiết bị, có nhiều ứng dụng miễn phí cho phép theo dõi việc sử dụng và hạn chế quyền truy cập vào các ứng dụng mà bạn cảm thấy chiếm quá nhiều thời gian của mình. Các ứng dụng này cũng có thể là công cụ hữu ích cho thanh thiếu niên đang học cách tạo cân bằng thời gian sử dụng thiết bị điện tử.
Để tận dụng tối đa thời gian sử dụng thiết bị điện tử của trẻ cha mẹ nên tự xem trước nội dung để đảm bảo điều đó phù hợp không. Khuyến khích trẻ xem các chương trình giáo dục không có quảng cáo, và thảo luận về những gì trẻ đang được nhìn thấy trên màn hình điện tử. Hạn chế thời gian trên mạng xã hội. Nói chuyện về quyền riêng tư và an toàn trực tuyến với trẻ.
Trì hoãn việc tiếp cận với màn hình điện tử
Một số phụ huynh cho rằng việc loại bỏ hoàn toàn thời gian sử dụng thiết bị điện tử sẽ dễ dàng hơn so với quản lý thời gian sử dụng. Tuy nhiên, chúng ta đang sống trong thời đại kỹ thuật số. Thật khó để nói không với màn hình điện tử. Khi một đứa trẻ đã quen với việc sử dụng thiết bị điện tử và xem những chương trình hấp dẫn ở đó, chúng sẽ bị cuốn hút và luôn muốn dành thời gian nhiều hơn cho các chương trình này thay vì khám phá thế giới thật. Vì vậy, nếu trẻ sơ sinh hay trẻ nhỏ chưa từng tiếp xúc với thiết bị điện tử, bạn có thể trì hoãn việc cho trẻ tiếp cận với các thiết bị này.
Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) khuyên trẻ dưới 1 tuổi không nên ngồi dán mắt vào màn hình, mà thay vào đó chúng có thể ngồi nghe người lớn đọc sách và kể chuyện. Đối với trẻ 2 tuổi, nên cho trẻ xem màn hình điện tử ít hơn 1 tiếng mỗi ngày, và càng ít càng tốt.
Nhiều bậc cha mẹ cho con sử dụng thiết bị điện tử trong khi ăn để con ăn nhiều và dễ dàng hơn. Việc này sẽ gây tổn hại đáng kể đến sự phát triển tinh thần và thể chất của trẻ. Nhiều nghiên cứu chứng minh rằng việc xem TV trong bữa ăn có thể dẫn đến béo phì và các tổn hại sức khỏe sau này như tiểu đường loại 2, cao huyết áp và bệnh tim. Các vấn đề khác bao gồm rối loạn ngôn ngữ và hành vi, giảm sự phát triển vận động tinh ở trẻ nhỏ, giảm tập trung và kỹ năng tư duy phản biện.