Chị Nguyễn Ngọc Tiểu Ni (32 tuổi, nhiếp ảnh gia về ẩm thực, hiện đang sống ở Đà Lạt) là mẹ của em bé Nguyễn Ngọc Hạ Nhiên (Mins, 6 tuổi). Mins còn nhỏ tuổi nhưng đã có thể sử dụng dao rất thành thạo, một vật dụng mà các phụ huynh thường không cho phép con cái động vào.
Khi thấy chị Ni cho con dùng dao, nhiều người bất an vì sợ con chẳng may cắt trúng vào tay thì làm sao? Tâm lý này là hoàn toàn bình thường và dễ hiểu vì hành động được cho là hết sức nguy hiểm. Nhưng tại sao người làm mẹ như chị Ni lại bình tĩnh thế nhỉ?
“Em bé Mins 6 tuổi nhà mình hiện tại đã dùng dao khá tốt và tự tin. Để có kết quả như ngày hôm nay là cả quá kiên trì, cố gắng của cả hai mẹ con. Mình cảm thấy cho dù mình có cố giữ con đến đâu, thì cũng không giữ con tránh khỏi tất cả mọi hiểm nguy của cuộc đời được. Vậy nên mình không dạy con tránh xa, bảo vệ con hết mức mà mình dạy con cách đương đầu với chúng.
Hiếu kỳ là bản tính tự nhiên của trẻ con, các con luôn muốn khám phá thế giới. Đứa trẻ càng bị cấm cản, chúng lại càng tò mò, muốn tìm hiểu. Sẽ thật nguy hiểm nếu các con không ý thức được việc dùng dao, vật sắc nhọn nguy hiểm ra sao. Ngược lại, sẽ an toàn hơn nếu con hiểu được việc đang làm và nắm được kỹ năng dùng dao đúng cách.
Ngoài mục đích dạy con một số kỹ năng an toàn, việc dạy con dùng dao còn giúp con phát triển kỹ năng phối hợp tay trái – tay phải, kỹ năng phối hợp tay – mắt, nâng cao sự tập trung, xây dựng lòng tự tin, góp phần hình thành tính độc lập và ý thức giúp đỡ người khác nữa.
Dĩ nhiên, để con được an toàn, chúng ta phải kiên nhẫn dạy con từng bước một và giám sát con chặt chẽ. Như em bé nhà mình, ngay từ lúc biết bò, mình đã cho bé chơi với các loại rau củ, trái cây, đồ bếp để bé làm quen. Dần dần bé sẽ cảm thấy an toàn trong môi trường bếp. Tiếp theo, mình thường xuyên để bé vào bếp cùng mẹ, sơ chế rau củ, làm bánh, nấu ăn… Khi bé quen nhìn mẹ sử dụng dao rồi, mình mua cho bé bộ đồ chơi cắt rau củ bằng gỗ cho bé vừa chơi vừa thực hành. Cuối cùng, bé được sử dụng dao thật dưới sự giám sát chặt chẽ của ba mẹ”, chị Ni Nguyễn chia sẻ.
Cách sử dụng dao an toàn chị Ni Nguyễn dạy con
– Đầu tiên mình phải dạy con dao không phải là đồ chơi, và nó sẽ dể dàng gây thương tích nếu không sử dụng đúng cách.
– Luôn đặt dao và thớt lên một mặt phẳng thật chắc chắn trước khi sử dụng.
– Khi sử dụng dao, phải cầm dao bằng tay thuận của mình, dùng 4 ngón tay vòng từ dưới lên nắm chặt cán dao, ngón trỏ đặt lên sống dao và lưỡi dao, ngón tay cái giữ từ phía trên cán dao. Không được chạm vào phẩn lưỡi sắc nhọn của dao.
– Khi đặt dao xuống mặt bàn luôn để cách xa mép bàn và đầu mũi dao, lưỡi dao quay ra ngoài.
– Khi cắt, mắt luôn nhìn xuống dao.
– Khi muốn lấy rau củ đã cắt ra phải đặt dao sang một bên rồi mới lấy rau củ.
Khi sử dụng dao, phải cầm dao bằng tay thuận của mình, dùng 4 ngón tay vòng từ dưới lên nắm chặt cán dao, ngón trỏ đặt lên sống dao và lưỡi dao, ngón tay cái giữ từ phía trên cán dao. Không được chạm vào phẩn lưỡi sắc nhọn của dao. Khi cắt, mắt luôn nhìn xuống dao…
– Lưu ý, khi bắt đầu, chỉ dùng dao cắt các loại rau củ và trái cây mềm… Và bạn cũng không nên kỳ vọng bé sẽ làm thật tốt ở những lần đầu tiên. Theo thời gian, bé sẽ khéo léo hơn.
Bên cạnh dạy con cách dùng dao an toàn, mình cũng dạy con cách sơ cứu nếu không may bị đứt tay. Thật may mắn, cho đến thời điểm hiện tại, em bé Mins nhà mình chỉ mới bị xước tay một lần duy nhất. Sau lần đó, con cũng ý thức và cẩn thận hơn.
Các ba mẹ ơi, hãy cho con có cơ hội được trải nghiệm, cho con cơ hội được trưởng thành, tự lập và hãy kiên nhẫn với con nhé!
Nhìn em bé nhỏ cầm dao thực hiện việc nấu nướng thành thạo mà ai cũng phải “mắt chữ A, mồm chữ O”. Quả thực, để làm được điều này cần sự kiên trì, giúp đỡ của ba mẹ, đồng thời các con cũng phải hợp tác, thích vào bếp nữa.