Trẻ cần hiểu rằng, vào giờ đi ngủ, một em bé ngoan sẽ nằm trên giường mà không than vãn, rên rỉ.
Khó chịu vì con ưa than vãn
Mong muốn của trẻ không được đáp ứng hoặc diễn ra không như ý chính là lý do phổ biến nhất khiến trẻ than vãn. Khi đó nếu cha mẹ nhượng bộ sẽ tạo ra một nhận định rằng bất kỳ điều gì trẻ muốn có cũng có thể áp dụng cách ăn vạ, thậm chí mức độ ngày càng nghiêm trọng hơn.
Ban đầu có thể chỉ là những lời năn nỉ hoặc tỏ ra giận dỗi nhưng dần dần trẻ sẽ phản kháng mạnh mẽ hơn như khóc, la hét, đập phá đồ đạc hoặc thậm chí đánh đập người xung quanh.
Trong đó, không ít phụ huynh “đau đầu” khi trẻ thường xuyên than vãn về việc đến giờ ngủ. Một số trẻ dễ dàng rơi vào giấc ngủ trong khi xem tivi với cha mẹ hoặc vào lúc nghe những câu chuyện cổ tích.
Một số trường hợp, trẻ vẫn ở trong phòng ngủ của mình. Tuy nhiên, trẻ lại trì hoãn giờ đi ngủ với những câu hỏi liên tục hay yêu cầu vô lý. Đôi khi, trẻ có thể khóc lóc hay giận dữ. Những đứa trẻ như vậy thường phải gọi dậy nhắc nhở một cách khó khăn và dễ mệt mỏi vào buổi sáng.
Chị Hoài An (Hoàng Mai, Hà Nội) bày tỏ vô cùng mệt mỏi khi ngày nào, cu Bin nhà chị cũng than vãn về việc ghét đi ngủ.
“Cứ đến 10 giờ tối hằng ngày, con trai tôi lại bắt đầu một ‘bài ca muôn thuở’ rằng, con chưa muốn đi ngủ. Dù nhiều lần áp dụng các biện pháp khác nhau từ nhẹ nhàng giải thích cho đến to tiếng, cháu vẫn ‘chứng nào tật nấy’”, nữ phụ huynh chia sẻ.
Đồng cảnh ngộ với chị An, anh Phạm Minh (Hai Bà Trưng, Hà Nội) thường xuyên gặp khó khăn để dỗ con đi ngủ. Bé Thỏ nhà anh rất ngoan, nhưng cứ đến giờ đi ngủ là cô bé phụng phịu. Tuy nhiên, nếu để con thức muộn hơn, Thỏ sẽ không thể dậy sớm để đi học vào sáng hôm sau.
“Con gái tôi thường xuyên kêu ca về việc phải đi ngủ như: Con không muốn đi ngủ bây giờ đâu. Tại sao lại phải đi ngủ sớm như vậy hả bố mẹ? Các bạn ở lớp con thường xuyên được thức muộn hơn để chơi trò chơi, xem tivi. Con cũng muốn được như vậy cơ…”, anh Minh kể.
Áp dụng chiêu thức phù hợp
Cô Nguyễn Thị Liên – Trường Mầm non Hoa Sen (Hà Nội) cho biết, khi trẻ lên 2 tuổi, đây là độ tuổi bắt đầu có những bước thay đổi về tâm sinh lý rõ rệt. Ăn vạ chính là hình thức mà trẻ dùng để thể hiện sự thất vọng, bị người lớn yêu cầu làm điều gì đó mình không thích. Giai đoạn này vốn từ của trẻ còn chưa hoàn thiện nên chỉ có thể bộc lộ ra bên ngoài bằng cách rên rỉ, hay khóc lóc.
Theo cô Liên, nếu thỉnh thoảng, trẻ đến giường của cha mẹ vì sợ hãi, lo lắng hoặc cảm thấy không được khỏe, khi đó con nên được giúp đỡ. Tuy nhiên, nếu trẻ cố gắng trì hoãn giờ đi ngủ, chúng ta cần dạy con những nguyên tắc. Nếu là ban đêm, một đứa trẻ ngoan sẽ không rời khỏi phòng ngủ của mình đi lung tung. Hoặc trẻ cũng không nên đánh thức cha mẹ trừ khi đó là trường hợp khẩn cấp. Có thể ví dụ những tình huống nghiêm trọng cho trẻ biết như trẻ thấy ốm hay gặp phải vấn đề khiến trẻ lo sợ…
Một đứa trẻ ngoan sau khi thức dậy sẽ nhận được phiếu bé ngoan và một bữa sáng rất ngon miệng. Nếu trẻ không ngủ ngoan, sẽ mất một quyền lợi vào ngày hôm sau. Bạn có thể chọn những việc liên quan đến sở thích của trẻ. Ví dụ, không được xem tivi hay chơi món đồ yêu thích. Con cần học cách tự đưa bản thân vào những giấc ngủ ngắn như giờ nghỉ trưa và cả lúc ban đêm. Cha mẹ cũng hãy quy định về một giờ đi ngủ cố định.
Thông thường, khi mới bắt đầu những quy tắc trên, trẻ sẽ không chịu thực hiện và sẽ kèm theo những tiếng khóc hay la hét, than thở.
Nếu trẻ đang ngủ chung với cha mẹ, phụ huynh hãy nói với con: “Bắt đầu từ tối nay, chúng ta sẽ ngủ trên giường của riêng mỗi người. Con có phòng riêng của con và cha mẹ cũng vậy. Con đã quá lớn để ngủ chung với cha mẹ rồi”.
Nếu giờ đi ngủ là 10 giờ tối, cha mẹ có thể bắt đầu cho trẻ ngủ sớm hơn 15 phút mỗi tuần. Ở những đứa trẻ không biết về thời gian, phụ huynh có thể từ từ thay đổi để giúp trẻ đi ngủ đúng giờ.
Cố gắng phớt lờ tiếng than vãn của trẻ. Tuy nhiên, nếu trẻ cố tình gây rối, hãy đóng cửa lại. Khi đó, cha mẹ có thể nói với trẻ: “Mẹ xin lỗi, nhưng mẹ phải đóng cửa phòng của con. Mẹ sẽ mở cửa lại ngay khi con yên lặng”.
Trong trường hợp trẻ không dừng ở việc than vãn mà chuyển sang la hét hoặc đập cửa liên tục, phụ huynh có thể mở cửa sau mỗi 15 phút và nhắc nhở. Hãy nói rằng, nếu trẻ giữ im lặng, cửa có thể mở. Đồng thời, hãy trấn an trẻ rằng, cha mẹ sẽ mở cửa ngay khi con đi ngủ.