Đó là nguyên nhân khiến cho sau 3 tháng đầu tiên của thai kỳ, dù người mẹ có cố gắng ăn uống, tẩm bổ thật nhiều đi chăng nữa khiến mẹ tăng nhiều cân thì thai nhi vẫn nhỏ.
BS Phan Chí Thành – Chánh Văn phòng Trung tâm Đào tạo, Bệnh viện Phụ sản Trung ương cho biết, thực tế khám lâm sàng, BS thường gặp 2 trường hợp: Thứ nhất là người mẹ thiếu chất dinh dưỡng, thường gặp phổ biến ngày xưa do thiếu ăn, còn ngày nay chủ yếu ở những trẻ vị thành niên, vợ chồng trẻ kinh tế gia đình chưa ổn định, không có điều kiện chăm sóc thai nhi gây thiếu axit folic dẫn đến tình trạng bị hở các ống thần kinh.
Trường hợp thứ hai là thừa chất dinh dưỡng dẫn đến tăng cân nhưng lại thiếu chất. “Tôi đã gặp nhiều chị vừa cưới xong vài tháng, chưa có bầu mà đã tăng 5-7kg rồi. Đến khi mang thai, thường ông bà hai bên bồi bổ nào là trứng yến, đạm, cứ cái gì bổ nhất, tốt nhất thì cho mẹ bầu ăn. Tuy nhiên, trong trường hợp này thì cái mẹ bầu thiếu không phải là những thứ tinh chất mà là những thứ thô sơ. Nếu như ăn uống chúng ta thường vắt nước, pha sữa, những đồ tinh chất nhất cho mẹ nhưng cái mẹ cần là cả chất xơ, tức là ăn cam, quýt thì phải cả phần múi xơ… Nhiều mẹ bầu ăn hải sản, tôm cá quá nhiều, không tiêu hóa được dẫn đến bị táo bón nghiêm trọng. Đó là lợi bất cập hại trong khi con thì vẫn thiếu vi chất và thừa đạm rất nhiều” – BS Phan Chí Thành cho biết.
Về vấn đề mẹ tăng cân nhiều nhưng con lại nhỏ, BS Phan Chí Thành giải thích thêm:”Chúng ta hình dung sự trao đổi chất đi từ mẹ sang bánh rau mới sang thai nhi mà để hệ thống máu vận chuyển tốt thì người mẹ không được nhiễm mỡ máu. Nhưng thực tế chúng tôi làm xét nghiệm nhiều phụ nữ mang thai đặc mỡ ở bên trong. So với nước thì rõ ràng mỡ chảy chậm hơn rất nhiều và như vậy thì gây ra xơ vữa lòng mạch, hẹp lòng mạch dẫn đến dinh dưỡng không truyền được từ mẹ sang con, lòng mạch đã bị hẹp rồi thì càng ăn nhiều chỉ có vào mẹ thôi. Vấn đề ở đây, chúng ta không bị thiếu dinh dưỡng mà việc vận chuyển giống như bị tắc đường, dù có nhiều xe cộ đi lại nhưng vẫn không thể vận chuyển được dinh dưỡng từ mẹ sang con, đó là lý do vì sao nhiều mẹ bầu tăng rất nhiều cân nhưng con lại rất nhỏ”.
Vì vậy, dinh dưỡng thai kỳ hợp lý là các mẹ nên quan tâm, ăn uống đủ chất trước khi mang thai, ngay khi có dự định sinh con.
“Trước đây nói đến thai kỳ, chúng ta thường nghĩ đó là quý 1,2,3 nhưng sản khoa hiện đại có 5 quý. Quý 0 là 3 tháng đầu tiên ở giai đoạn chuẩn bị mang thai. Khi đó, hai vợ chồng phải có trách nhiệm, tránh những chất độc hại, tránh những chất ô nhiễm môi trường. Nếu bố mẹ hút thuốc thì phải từ bỏ, thay vào đó là có chế độ vận động và tập thể dục đều đặn, chế độ ăn đa dạng bảo đảm ăn nhiều chất thô đến từ ngũ cốc, rau, các loại hạt.
Tiếp theo 3 tháng đầu của quá trình mang thai, thời gian này người phụ nữ rất hay ốm nghén, mệt mỏi nhưng mọi người không nên quá lo lắng bởi sau đó sẽ hết. Quý 2 của thai kỳ là thời điểm vàng để phụ nữ đi chơi, du lịch…. Sang quý 3 thì thai to hơn, phụ nữ cảm thấy đau lưng mệt mỏi thì càng cần kiên định tập thể dục chuẩn bị tốt nhất hành trình đi đẻ. Quý 4 là giai đoạn sau sinh, người phụ nữ cần được chăm sóc về tâm lý, tinh thần…”- BS Thành nói.
BS Phan Chí Thành khuyến cáo: Khi đi khám thai, nếu phát hiện thai nhỏ thì người mẹ càng cần phải tuân thủ lịch tái khám của bác sĩ, nếu không sẽ dễ dẫn đến thai nhi bị suy hô hấp, mất tim thai trong bụng mẹ. “Nếu thai nhỏ thì các mẹ đến cơ sở y tế chuyên sâu, đặc biệt có kinh nghiệm theo dõi thai nhỏ để tránh biến cố thực sự là đáng sợ nhất trong ngành sản khoa, đó là con mất tim thai trong bụng mẹ hay còn gọi là thai lưu” – BS Phan Chí Thành nhấn mạnh.
Việc dự phòng thai nhỏ có ý nghĩa quan trọng. Vì vậy, nếu bố mẹ có tiền sử sinh con thai nhỏ thì nên đi khám bác sĩ sớm để được uống thuốc tăng tuần hoàn từ mẹ sang con, hình thành bánh rau ngay từ đầu. Chứ để đến khi siêu âm phát hiện thai nhỏ rồi mới đi xử trí thì việc điều trị sau đó chỉ là theo dõi, khó có khả năng can thiệp.