Ngay từ khi biết gia đình sắp chào đón thành viên mới, bố mẹ đã ấp ủ trong mình cái tên thật hay dành cho em bé nhỏ. Cái tên đi theo con suốt đời nên cả nhà phải suy xét thật kĩ, lựa chọn được tên hay, ý nghĩa, gửi gắm cho con nhiều kỳ vọng. Thậm chí nhiều nhà còn xảy ra mâu thuẫn, tranh cãi vì mỗi người 1 ý.
Câu chuyện cãi nhau về tên gọi cho con có lẽ hội chị em cũng đã thấy nhiều trong cuộc sống hàng ngày, và chuyện của bà mẹ dưới đây cũng là một ví dụ điển hình.
“Bất lực với mẹ chồng quá mọi người ơi. 2024 rồi, mình đặt tên cháu phải có chữ “Thị” nữa? Nói chồng thì anh ý “cũng được”, mẹ vui là được!. Mình phải làm sao ạ?”, một người mẹ chia sẻ.
Cụ thể, trước khi sinh con, hai vợ chồng đã thống nhất 1 cái tên rất hay. Tuy nhiên, bà nội không đồng ý mà phải đặt con theo ý bà. Người mẹ không đồng ý nên đã thương lượng với chồng: “Anh ơi, anh bảo mẹ đi, em muốn để tên con như vợ chồng mình đã thống nhất là Đỗ Hải Đường rồi. Mà mẹ cứ muốn phải thêm Thị vào cho nữ tính, dịu dàng. Em không muốn tên dài như thế, mà cũng hơi quê. Em không đi đăng ký giấy khai sinh cho con được, nhờ mẹ đi, mẹ để Thị vào thì…”.
Thế nhưng, đáp lại, người chồng chỉ nhắn: “Thì thôi cũng được mà em, để cho mẹ vui”. Câu trả lời khiến người mẹ chưng hửng, buồn bã và cảm thấy rất buồn.
Dưới phần bình luận, nhiều người đã đưa ra những ý kiến khác nhau. Một số người cho rằng người chồng trong câu chuyện không tâm lý cũng không tinh tế khi đưa ra câu trả lời như vậy. Bởi trước đó, cái tên đã được cả 2 vợ chồng thống nhất, việc thay đổi cần được xem xét, cân nhắc và trao đổi kĩ hơn.
Đa số đều cho rằng việc đặt tên thêm “Thị” hay “Văn” đều là do quan điểm từ xa xưa của ông bà, cốt lõi đều mong đem lại điều tốt đẹp cho cháu. Thế nhưng, cái tên cũng cần phải phù hợp với thời nay, theo đúng ý của bố mẹ vì nó sẽ theo con cả cuộc đời. Vợ chồng sẽ là người thống nhất, sau đó nói khéo với ông bà để ông bà không phật ý.
Bình luận của cư dân mạng
Trong tình huống như vậy, mẹ bỉm không nên vội vã phản đối mà nên giữ tâm trạng thật bình tĩnh để có thể trao đổi một cách cởi mở với bà nội. Việc lắng nghe cẩn thận những ý kiến và nguyện vọng của bà ngoại về việc thêm “Thị” vào tên của cháu sẽ giúp thể hiện sự tôn trọng và quan tâm đến ý kiến các thành viên lớn tuổi trong gia đình. Mẹ bỉm có thể chia sẻ và giải thích những suy nghĩ của mình, làm thế nào mà việc đặt tên cho con đã được cân nhắc kỹ lưỡng, cũng như ý nghĩa và những hy vọng mà mẹ đã gắn liền với cái tên ấy.
Sau đó, cả gia đình có thể cùng nhau ngồi xuống và thảo luận một cách đầy đủ và chi tiết hơn, mỗi người một phần đưa ra quan điểm, mong muốn và lý do của mình. Qua đó, hãy cố gắng tìm ra một sự đồng thuận, một giải pháp chung mà ở đó, mỗi ý kiến đều được lắng nghe và tôn trọng. Hoàn cảnh lý tưởng nhất là khi tất cả có thể tìm ra một cái tên mà không chỉ làm hài lòng mẹ bỉm mà còn làm ấm lòng bà ngoại và tất cả những người thân yêu trong gia đình, vì sau cùng, cái tên ấy sẽ đi cùng đứa trẻ suốt cuộc đời, gắn liền với số phận và nhân cách của con.