Đằng sau hạnh phúc ngọt ngào của người mẹ khi được đón đứa con xinh yêu chào đời vẫn luôn chứa đựng rất nhiều những nỗi niềm. Là những vết rạn chằng chịt ngang dọc, lớp mỡ bụng bèo nhèo đầy ngấn, vết rạch tầng sinh môn xấu xí hay một vết sẹo sinh mổ dù ngang dọc cũng hệt như con rết bò chình ình trên bụng…
Mới đây, bức ảnh vết sẹo qua ba lần sinh mổ của một người mẹ khi đăng tải trong hội nhóm kín lại khiến các mẹ dấy lên nỗi xót xa. Người mẹ này đã sinh con được 18 tháng nhưng vết sẹo không mất đi mà ngày một to lên khiến chị vô cùng tự ti.
Người mẹ trải lòng: “Các mom ơi cho em hỏi chuyện hơi tế nhị chút. Em sinh mổ được 18 tháng rồi mà vết mổ như thế này, em buồn lắm ạ. Có mom nào giống em không ạ. Chồng em thì bảo chắc ai mổ cũng thế thôi. Nghĩ mà buồn quá, có cách nào cải thiện không?”.
Thông qua chia sẻ của người mẹ, ai cũng xót xa bởi vết sẹo sinh mổ này đã và đang sẽ ám ảnh chị cả đời. Vì có cơ địa sẹo lồi nên người mẹ đã làm đủ mọi cách như bôi thuốc, kiêng khem ăn uống nhưng vẫn không hiệu quả. Dù cũng mong muốn mổ thường nhưng vì nhiều lý do mà người mẹ này buộc phải sinh mổ.
Dưới phần bình luận, mọi người khuyên người mẹ nên vui vẻ, tự tin vì mình đã thực hiện thiên chức cao cả của người phụ nữ. Về phần sẹo, mẹ có thể can thiệp thẩm mĩ hoặc mặc quần áo khéo léo để che đi. Sự quan tâm, thấu hiểu của chồng cũng đóng vai trò vô cùng quan trọng giúp người mẹ tự tin hơn.
Vết sẹo mổ đẻ bị lồi thường không có ảnh hưởng đến sức khỏe của người. Tuy nhiên, nó là phần khiến người ta dễ tự ti và ám ảnh nhất.
Nguyên nhân khiến vết mổ sau sinh bị lồi
Tuy sinh mổ giúp giảm tỷ lệ tử vong cho chị em trong quá trình vượt cạn, nhưng hậu quả để lại là thời gian bình phục lâu hơn so với các chị em sinh thường. Bên cạnh những vết rạn da trong quá trình mang thai, mẹ sinh mổ cũng mang trên mình một vết sẹo dài sau khi sinh.
Vết sẹo sau sinh mổ thường là sẹo phì đại. Vết sẹo này thường tự phì đại hoặc dày lên, nhưng chỉ giới hạn đến mép vết thương trong vòng 6 tháng đầu. Sau đó, vết sẹo có màu đỏ hơn lúc ban đầu và có xu hướng tự giảm dần theo thời gian. Sẹo phì đại cũng phát triển to lên thành khối cứng, màu đỏ, cũng gây ngứa, đau, khó chịu cho mẹ.
Một số nguyên nhân gây nên sẹo phì đại/sẹo lồi sau sinh:
– Cơ địa mẹ dễ bị sẹo phì đại/sẹo lồi.
– Mẹ không kiêng khem đúng cách trong quá trình điều trị sẹo. Ví dụ: ăn các loại thức ăn dễ gây nên sẹo như rau muống, nếp…
– Mẹ bảo vệ vết thương không cẩn thận khiến vết mổ bị nhiễm trùng. Trong quá trình liền vết mổ, việc không che chắn bảo vệ đúng cách khiến các dị vật như bụi bẩn, lông thú nuôi… rơi vào vết mổ. Chúng tạo điều kiện cho ổ vi khuẩn sinh sôi và dễ hình thành sẹo xấu.
Cách phòng tránh sẹo lồi mổ đẻ các mẹ nên biết
Để các vết sẹo phì đại xấu xí không làm phiền chúng ta sau phẫu thuật, cần thực hiện theo các bước sau đây để ngăn ngừa sẹo sau sinh:
– Nghỉ ngơi sau khi thực hiện phẫu thuật
Sau quá trình phẫu thuật đau đớn, cơ thể cần thời gian để nghỉ ngơi và bình phục. Đặc biệt, đối với mẹ sinh mổ, quá trình này càng cần được lưu ý hơn. Theo lời khuyên của bác sĩ, mẹ cần dành ra 2-3 tuần để nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, chừa thời gian để cơ thể có thể hồi phục và vết thương mau lành.
– Chăm sóc vết thương đúng cách
Để ngăn ngừa sẹo xấu xuất hiện, mẹ cần chăm sóc vết thương đúng cách, cẩn thận. Sử dụng các loại nước rửa vết thương chuyên dụng để rửa và sát trùng vết thương. Nếu vết mổ có tình trạng sưng tấy, xuất hiện ổ viêm thì mẹ nên liên hệ với bác sĩ ngay. Tránh trường hợp nhiễm trùng vết mổ, kéo dài thời gian lành vết thương, tăng nguy cơ gây sẹo xấu về sau.
– Tránh các áp lực mạnh lên vết mổ
Trong quá trình lành vết thương, các mô ở vết mổ còn rất yếu và dễ bị phá vỡ. Nếu bạn không kiêng khem kỹ lưỡng mà thường xuyên vận động mạnh sẽ gây áp lực lớn lên các vết mổ. Điều này rất nguy hại, nó có thể làm vết thương của bạn bị hở hoặc khiến cho vết thương lan rộng hơn và hình thành vết sẹo lớn hơn.
Khi vết thương đã lành, mẹ sau sinh cần áp dụng ngay các phương pháp chống sẹo để ngăn ngừa sẹo xấu hình thành.