Bên cạnh nguồn thức ăn đạm hàng ngày tới từ thịt lợn – loại thịt được xem là phổ biến nhất, nhiều gia đình hiện nay ưa chuộng sử dụng cả thịt bò cho bữa cơm gia đình. Thịt bò có giá thành đắt hơn so với thịt lợn hay cả thịt gà, các loại thịt gia cầm khác, tuy nhiên, “đắt sắt ra miếng”. Theo các chuyên gia, trong thịt bò không chỉ chứa nhiều protein mà đó còn là protein chất lượng cao. Ngoài ra, các chất dinh dưỡng khác như lipid, vitamin A, vitamin B6, vitamin PP, vitamin B12, sắt, magie, canxi,… cũng được tìm thấy trong thịt bò.
Phương pháp chế biến dễ dàng nhất với thịt bò đó là xào. Tuy nhiên, vẫn có nhiều người dùng đang mắc phải sai lầm khi thực hiện công việc này hàng ngày. Tiêu biểu chính là việc đợi cho dầu ăn sôi, chảo thật nóng rồi mới cho thịt bò vào.
Theo các đầu bếp chuyên nghiệp, việc làm này có thể khiến gia tăng khả năng thịt bò bị dính chảo, bị cháy và bị dai, khó ăn khi cho ra thành phẩm. Khi tiếp xúc với dầu sôi, sự thay đổi nhiệt độ đột ngột sẽ khiến thịt bò bị co lại. Đây cũng là nguyên nhân chính cho thịt bò bị dai, các đầu bếp giải thích thêm.
Thay vào đó, ngay khi đặt chảo lên bếp, hãy cho thịt bò vào ngay vào. Xào trên lửa lớn, đảo nhanh tay. Cần để ý thật kỹ, cũng không nên để thịt bò chín quá kỹ bởi khi này bò sẽ không còn mềm nữa. Hãy canh thịt bò vừa chín thì tắt bếp và lấy ra.
Nếu người dùng vẫn muốn đảm bảo thịt bò được mềm, không bị dính chảo, hãy thêm chút dầu ăn vào công đoạn ướp thịt.
Các bước để làm món thịt bò xào thơm mềm, không dai
Để cho ra thành phẩm một đĩa thịt bò xào thơm mềm, không dai, không chỉ có công đoạn chế biến món ăn mới cần được chú trọng. Ngay từ những bước đầu tiên như mua thịt bò, sơ chế thịt hay ướp thịt, người dùng đã cần ghi nhớ những lưu ý quan trọng.
1. Chọn thịt bò
Loại thịt nào cũng vậy, mỗi cách chế biến lại có một loại thịt riêng, được xem là phù hợp nhất. Đối với thịt bò xào, phần thịt phù hợp nên là phi lê, thăn diềm bò hoặc bắp bò. Tốt nhất, với những người chưa có nhiều kinh nghiệm, hãy chủ động nói với người bán hàng mục đích món ăn sẽ nấu để họ chọn cho mình loại phù hợp.
Một số đặc điểm khác thể hiện một miếng bò tươi ngon, chất lượng đó là bò có màu đỏ tươi vừa phải, cũng không nên quá sẫm. Nếu miếng bò có mỡ, mỡ phải mang màu vàng nhẹ và cứng. Người dùng có thể dùng tay để ấn thử vào miếng thịt bò, nếu thấy thịt không dính, không có mùi khó chịu bất thường là được.
2. Sơ chế bò
Thịt bò tươi khi mới mua về có một mùi khá đặc trưng. Bởi vậy người dùng có thể sơ chế qua trước khi thái để loại bỏ phần nào mùi này. Cách làm đó là ngâm với nước muối và gừng rồi rửa lại nhẹ nhàng với nước.
Sau khi ngâm, rửa thịt bò xong, dùng khăn giấy lau khô miếng thịt rồi tiến hành thái. Vì thịt bò dùng để xào nên người dùng cần thái thành miếng mỏng, kích thước nhỏ, vừa ăn. Thái thịt bò cũng là một trong những công đoạn khá khó.
Bởi thớ của thịt bò nhỏ nhưng dài. Nếu thái không đúng thớ, thịt bò chắc chắn sẽ bị dai, khiến chất lượng món ăn bị suy giảm. Người dùng cần nhìn và xác định đúng thớ ngang của miếng thịt và dùng một con dao thật sắc để thái được độ mỏng ưng ý.
Ảnh minh hoạ
3. Ướp thịt bò
Đến bước ướp thịt bò cũng có nghĩa là người đầu bếp đã đi được 3/4 chặng đường để hoàn thành món thịt bò xào thơm ngon. Các gia vị phổ biến, thường xuất hiện trong công đoạn này có thể kể tới như tỏi, tiêu, gừng, hạt nêm hay nước tương. Các gia vị này không chỉ giúp gia tăng hương vị cho món ăn mà còn giúp khử mùi hiệu quả.
Sau khi đã nêm nếm các gia vị với định lượng phù hợp, trộn đều toàn bộ với thịt bò và ướp khoảng 30 phút. Hết thời gian chờ, người dùng có thể tiến hành xào thịt bò theo như hướng dẫn đầu bài viết.
Nếu xào thịt bò cùng các loại rau củ khác, người dùng cần tiến hành xào riêng từng loại nguyên liệu. Quy trình được khuyến khích đó là xào rau củ trước, khi rau củ chín thì cho thịt bò vào bởi thời gian cần để xào thịt bò ngắn hơn so với xào các loại rau củ.