Trả lời Báo Người Lao Động về việc nghiên cứu xây dựng khung pháp lý cho tài sản số, tiền số (còn gọi là tài sản ảo, tiền ảo – PV), ông Cao Đăng Vinh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế (Bộ Tư pháp) cho biết từ năm 2017, Bộ Tư pháp đã được giao nhiệm vụ rà soát, đánh giá thực trạng pháp luật về tài sản ảo, tiền ảo ở Việt Nam và khảo sát kinh nghiệm quốc tế.
Theo ông Vinh, trên cơ sở nghiên cứu, rà soát, Bộ Tư pháp đã có báo cáo Thủ tướng Chính phủ về các nội dung liên quan đến tài sản ảo, tiền ảo. “Về thuật ngữ, tài sản ảo, tiền ảo có nhiều cách gọi khác nhau. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) sử dụng thuật ngữ tài sản mã hóa (crypto asset) để chỉ tiền mã hoá, tiền ảo hay tiền kỹ thuật số”- ông Vinh cho hay.
Về khung khổ pháp lý, ông Vinh cho biết các quốc gia có hướng tiếp cận khác nhau trong việc chỉnh điều pháp luật đối với tài sản mã hoá. Một số quốc gia hiện nay như Mỹ, đang áp dụng pháp luật hiện hành để quản lý, xử lý đối với từng trường hợp cụ thể, song song với đó là nghiên cứu khung pháp mới. “Các quốc gia đang tập trung quản lý sự lưu thông, giao dịch của tài sản mã hoá”- ông Cao Đăng Vinh nêu rõ.
Phó Vụ trưởng Vụ Pháp luật Dân sự – Kinh tế cho rằng về bản chất pháp lý, tài sản mã hóa cần được khẳng định là một loại tài sản theo pháp luật dân sự. Tuy nhiên hiện nay, pháp luật về ngân hàng không coi tài sản mã hóa (tiền ảo, tiền mã hoá) là phương tiện thanh toán hợp pháp trên lãnh thổ Việt Nam và có thể trong tương lai gần cũng chưa coi là phương tiện thanh toán hợp pháp.
Tuy nhiên theo ông Vinh, một cộng đồng hay hệ sinh thái cụ thể có thể đang sử một loại tài sản mã hóa nhất định trong cộng đồng hay hệ sinh thái đó. Trong trường hợp này, cần đối xử với hành vi như vậy là hình thức trao đổi giữa hàng hoá, dịch vụ.
Ông Cao Đăng Vinh cũng lưu ý rằng, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam với vai trò là cơ quan quản lý Nhà nước chuyên ngành về tiền tệ, cần tăng cường theo dõi, giám sát và thanh tra các hành vi sử dụng tiền mã hóa cho mục đích rửa tiền và tài trợ khủng bố. Trong đó cần tập trung vào các tổ chức trung gian cung cấp dịch vụ trao đổi, lưu giữ loại tài sản này.
Đại diện Bộ Tư pháp cũng nhìn nhận, về quản lý hoạt động sử dụng, mua bán, trao đổi, lưu thông tài sản mã hoá, do bản chất đây là tài sản và để thúc đẩy đổi mới sáng tạo, phải đảm bảo không hạn chế quyền đầu tư, kinh doanh của người sở hữu tài sản này, miễn là không nhằm thực hiện các hoạt động phi pháp.
Trên thực tế, theo ông Vinh, người sở hữu các loại tài sản mã hóa có thể giao dịch trực tiếp với người khác mà không cần thông qua bất kỳ trung gian nào. “Tuy nhiên, các giao dịch này cũng tiềm ẩn rủi ro về lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, hoặc lợi dụng cho mục đích rửa tiền, tài trợ khủng bố…”- ông Vinh nêu rõ.
Vì vậy, đại diện Bộ Tư pháp cho rằng cần tập trung vào quản lý, giám sát các trung gian “tập trung”, như nhà cung cấp, vận hành sàn giao dịch, ví kỹ thuật số. Việc quản lý, giám sát có thể thông qua việc đặt ra các điều kiện để được cấp phép hoạt động và duy trì các điều kiện đó trong quá trình hoạt động để đảm bảo sự an toàn về mặt pháp lý khi giải quyết tranh chấp phát sinh, tạo thuận lợi cho Nhà nước trong quản lý, cũng như thu thuế từ các giao dịch này.
Trước câu hỏi của phóng viên về việc trong các báo cáo gửi Chính phủ, Bộ Tư pháp thể hiện quan điểm cấm hay xây dựng khung pháp lý điều chỉnh đối với tài sản ảo, tiền ảo, ông Cao Đăng Vinh cho biết Bộ đã nêu rõ kết quả rà soát, cảnh báo các nguy cơ và thể hiện quan điểm không cấm, mà cần xây dựng khung pháp lý để quản lý, điều chỉnh đối với loại tài sản này.
Ông Cao Đăng Vinh cho biết thêm, mới đây, tại Quyết định số 194/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành kế hoạch hành động quốc gia thực hiện cam kết của Chính phủ Việt Nam về phòng, chống rửa tiền, tài trợ khủng bố và tài trợ phổ biến vũ khí hủy diệt hàng loạt, Chính phủ đã giao Bộ Tài chính chủ trì nghiên cứu về khung pháp lý cho tài sản ảo, tiền ảo, hoàn thiện trước tháng 5-2025.
Theo nld.com.vn
https://nld.com.vn/bo-tu-phap-can-quan-ly-giam-sat-cac-san-giao-dich-tien-ao-196240413114847442.htm