Thương vụ thâu tóm Spirit Aerosystems trị giá 3.7 tỷ bảng Anh của Boeing đã tạo nên làn sóng chấn động trong ngành hàng không, đặc biệt là những lo ngại về tương lai của nhà máy sản xuất hàng không lớn nhất Anh Quốc tại Belfast.
Quyết định mang tính chiến lược này của Boeing được xem là nỗ lực nhằm củng cố chuỗi cung ứng và lấy lại niềm tin sau loạt bê bối về an toàn, nhưng đồng thời cũng đặt ra nhiều thách thức cho ngành công nghiệp hàng không Anh Quốc.
Di sản lịch sử
Nhà máy sản xuất hàng không tại Belfast, từng là cái nôi của hãng hàng không tiên phong Short Brothers, mang trong mình di sản lịch sử đồ sộ và đóng vai trò quan trọng trong ngành hàng không Anh Quốc.
Nơi đây không chỉ ghi dấu ấn lịch sử mà còn là trụ cột kinh tế của địa phương, góp phần tạo nên diện mạo cho ngành công nghiệp hàng không Anh Quốc.
Tuy nhiên, thương vụ thâu tóm Spirit Aerosystems trị giá 3.7 tỷ bảng Anh của Boeing lại không bao gồm nhà máy Belfast, nơi đang tạo công ăn việc làm cho 3.500 lao động.
Quyết định này của Boeing đã gieo rắc nỗi bất an trong lòng người lao động và các bên liên quan, đặt ra câu hỏi lớn về tương lai của nhà máy và ngành hàng không địa phương.
Về phía Boeing, thương vụ thâu tóm Spirit được xem là động thái nhằm củng cố tiêu chuẩn an toàn sau loạt bê bối liên quan đến sản xuất và an toàn sản phẩm.
Bằng cách giành lại quyền kiểm soát chuỗi cung ứng, Boeing muốn lấy lại niềm tin từ khách hàng và khẳng định vị thế dẫn đầu trong ngành hàng không toàn cầu.
Bê bối bung chốt cửa giữa chuyến bay trên trời cao vào tháng 1/2024 cùng hàng loạt cáo buộc phớt lờ an toàn sản xuất đang khiến niềm tin của khách hàng đi xuống với máy bay của Boeing.
Chính hãng Spirit là nhà máy sản xuất hợp đồng thân máy bay Boeing 736 Max, dòng sản phẩm bị bung chốt cửa trong chuyến bay của Max 9 Alaska Airlines.
Hiện Boeing đang đàm phán để mua lại Spirit từ tháng 3/2024. Trên thực tế tập đoàn này sở hữu Spirit trước đây nhưng tách ra vào năm 2005 để tiết kiệm chi phí, qua đó khiến việc giám sát chất lượng đi xuống và tạo nên cội nguồn của những bê bối sau này.
Rắc rối từ Airbus
Thương vụ Boeing – Spirit càng trở nên phức tạp khi nhà máy Belfast hiện đang sản xuất linh kiện cho Airbus, đối thủ cạnh tranh trực tiếp của Boeing. Điều này đặt ra nghi vấn về xung đột lợi ích tiềm ẩn và tác động của nó đến mối quan hệ hợp tác giữa Spirit Aerosystems và Airbus.
Phản ứng trước thương vụ, lãnh đạo Airbus bày tỏ lo ngại về việc linh kiện của hãng có thể bị sản xuất bởi đối thủ cạnh tranh trực tiếp. Vị thế của Airbus trong chuỗi cung ứng toàn cầu cũng bị ảnh hưởng, buộc hãng phải xem xét lại chiến lược và có những điều chỉnh phù hợp.
Thương vụ thâu tóm này không chỉ tác động đến nhà máy Belfast mà còn ảnh hưởng đến toàn bộ hệ sinh thái hàng không Anh Quốc.
Ước tính có khoảng 7.000 việc làm gián tiếp liên quan đến hoạt động của nhà máy tại Belfast. Các doanh nghiệp trong ngành hàng không Anh Quốc đang phải đối mặt với nhiều quyết định chiến lược để thích nghi với cục diện mới.
Bức tranh tổng thể
Bên cạnh những sóng gió trong ngành hàng không, bức tranh kinh tế Anh Quốc cũng đang phản ánh những gam màu u ám.
Gã khổng lồ đóng tàu Titanic, Harland & Wolff, vừa trải qua cú sốc khi cổ phiếu bị đình chỉ giao dịch do vấn đề kế toán. Công ty đang chật vật với khoản nợ khổng lồ và phải trông chờ vào sự hỗ trợ từ chính phủ để vượt qua khó khăn.
Trong khi đó, chuỗi cửa hàng mỹ phẩm The Body Shop cũng đang đứng trước bờ vực phá sản. Các nhà quản lý đang chạy đua với thời gian để tìm kiếm giải pháp cứu doanh nghiệp và hàng nghìn việc làm.
Thương vụ thâu tóm tiềm năng được xem là tia hy vọng mong manh để The Body Shop có thể thoát khỏi nguy cơ phá sản.
Dù đối mặt với nhiều thách thức, ngành sản xuất Anh Quốc vẫn ghi nhận mức tăng trưởng nhẹ trong hai tháng liên tiếp, bất chấp xuất khẩu yếu do ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng Biển Đỏ.
Tuy nhiên, báo cáo của Ngân hàng Trung ương Anh về giảm số lượng duyệt vay mua nhà cho thấy người tiêu dùng vẫn e ngại trước tình hình kinh tế bất ổn.
*Nguồn: The Sun
Theo An ninh Tiền tệ