Đại diện Bưu điện Việt Nam cho biết, đến 22h tối 7/6, hệ thống công nghệ thông tin phục vụ khách hàng và hoạt động quản lý vận hành của Bưu điện Việt Nam đã được phục hồi, sau gần 3 ngày gián đoạn vì bị tấn công mã độc tống tiền .
Đến nay, mọi hoạt động liên quan đến các dịch vụ đã cơ bản hoạt động bình thường và chưa ghi nhận bất cứ dấu hiệu thiệt hại nào về tài chính.
Bên cạnh đó, Cục An ninh mạng và Phòng, chống tội phạm sử dụng công nghệ cao đã điều phối lực lượng tiếp tục thu thập, củng cố tài liệu, chứng cứ phục vụ công tác điều tra, xử lý tội phạm mạng theo quy định của pháp luật.
Trước đó, vào 3h10 cùng ngày, hệ thống công nghệ thông tin của Tổng công ty Bưu điện Việt Nam bị tấn công bất hợp pháp (ransomware – tống công mã độc tống tiền) khiến hệ thống này bị gián đoạn hoạt động, gây ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện các hoạt động liên quan đến dịch vụ bưu chính chuyển phát.
Khi phát hiện sự cố, Bưu điện Việt Nam đã kích hoạt kịch bản hành động, bám sát theo hướng dẫn của Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông), trong đó có việc ngắt kết nối các hệ thống công nghệ thông tin để cô lập sự cố và bảo vệ dữ liệu. Do vậy, các website (có chứa “vnpost.vn” trong tên miền) và các ứng dụng liên quan trong gần 3 ngày qua bị gián đoạn hoạt động.
Bưu điện Việt Nam là doanh nghiệp tiếp theo bị tấn công mã độc vào Việt Nam thời gian qua. Trước đó năm 2023, một số doanh nghiệp lớn của Việt Nam cũng bị tấn công mã độc gây gián đoạn dịch vụ, ảnh hưởng lớn đến hoạt động của hệ thống, gây thiệt hại nghiêm trọng.
Tấn công mã độc tống tiền trên thế giới cũng như ở Việt Nam ngày càng diễn biến phức tạp. Trong năm 2023, thế giới ước tính thiệt hại tới 8.000 tỷ USD bởi các cuộc tấn công mạng (tương đương gần 21 tỷ USD mỗi ngày). Con số này dự kiến sẽ tăng lên 9.500 tỷ USD vào năm 2024. Cứ sau 11 giây lại có một tổ chức trên toàn cầu bị tấn công bằng Ransomware. Đồng thời, có hơn 353 triệu người đã bị ảnh hưởng do vi phạm dữ liệu với chi phí trung bình toàn cầu của một vụ vi phạm dữ liệu lên tới 4,45 triệu USD.
Theo các chuyên gia, nhờ sự giúp sức của trí tuệ nhân tạo (AI), hoạt động tấn công và phòng chống tấn công mạng ngày càng tinh vi, phức tạp. AI hiện nay được sử dụng để tự động tìm kiếm lỗ hổng bảo mật, hỗ trợ các chiến dịch tấn công và phòng thủ, đồng thời mở ra các mặt trận mới trong các cuộc chiến trên không gian mạng. Ví dụ như AI được sử dụng để kiểm soát các mạng máy tính bị nhiễm mã độc, mạng bonnet để tổ chức các cuộc tấn công liên hoàn, nhắm vào các tổ chức, nhất là hệ thống quan trọng của các quốc gia, doanh nghiệp.
Theo tienphong.vn
https://tienphong.vn/buu-dien-viet-nam-co-ban-khac-phuc-su-co-ma-doc-tan-cong-post1644511.tpo