Tháng 5, 6 nóng kinh hoàng
Vào 21h tối 12/4, chuyên gia về biến đổi khí hậu và giảm thiểu rủi ro thiên tai Nguyễn Ngọc Huy (Huy Nguyen) đã tổ chức livestream dự báo thời tiết của Việt Nam tháng 5, tháng 6 và sự chuyển pha của La Nina trong thời gian tới.
Vị chuyên gia đã nhận được rất nhiều câu hỏi của mọi người quan tâm về tình hình thời tiết của các vùng miền trên khắp cả nước.
Theo chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy, giai đoạn này người dân đang trải nghiệm mùa hè nắng nóng sớm, dài và liên tục. Đặc biệt là khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và Tây Nguyên đang đối diện với tình trạng thiếu hụt nguồn nước nghiêm trọng. Thậm chí, có những nơi người dân phải mua với giá lên tới 400.000 đồng/khối nước.
Ông Huy chia sẻ thêm theo những kịch bản lượng mưa do ông thu thập và phân tích, dự báo trong thời gian tới tình hình khá căng thẳng. Tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long trong tháng 4 hầu như không có mưa, tháng 5 lượng mưa tháng 5 sẽ thiếu hụt 30% so với cùng thời kỳ của những năm khác, giữa tháng 5 mới xuất hiện những cơn mưa “giải nhiệt” cơn khát như hiện nay.
Từ giờ cho tới cuối tháng 4 và có thể kéo dài sang tháng 5, các khu vực Tây Bắc như Sơn La, Điện Biên nắng nóng khá mạnh, nền nhiệt có thể ở mức 38-39 độ C.
Khu vực Đông Bắc bao gồm Hà Nội, các tỉnh như Thái Bình, Quảng Ninh… có nắng nhưng không tới mức nóng. Một đợt mưa từ 21 tháng 4 sẽ di chuyển từ phía Đông Bắc đến Hà Nội và dần dần tới miền Trung giúp cho nhiệt độ của Hà Nội và một số khu vực trọng điểm về kinh tế ở phía Đông Bắc duy trì ở mức 32 độ C trở xuống. Tuy nhiên, chúng ta vẫn có thể gặp phải những ngày nắng nóng cục bộ với mức nhiệt khoảng 36-37 độ C.
Khu vực từ Thanh Hóa – Nghệ An trở vào sẽ đón một đợt nắng nóng kể từ ngày 13/4 và kết thúc vào ngày 16/4, nhiệt độ tại những nơi này có thể lên tới 38-39 độ C.
Ông Huy đặc biệt nhấn mạnh về cụm áp thấp nóng ở phía Tây hoạt động liên tục từ đầu tháng 3 cho tới hiện tại và hiện đang có xu hướng dịch chuyển sang phía Đông khiến cho Việt Nam, Lào, Campuchia, Thái Lan, Myanmar phải đối mặt với tháng 5,6 nóng kinh hoàng. Nền nhiệt cao hơn 1,75 đến 2,5 độ C so với cùng kỳ các năm khác. Vùng nóng nhất trong tháng 5 là Bắc Trung Bộ còn Hà Nội và các khu vực vùng ven Thủ đô sẽ đóng đợt nắng nóng nhất là vào tháng 6.
“Tôi lo lắng về La Nina năm nay”
Năm nay, sự chuyển pha đột ngột từ El Nino sang La Nina chỉ với 2 tháng trung tính là tháng 5 và 6. Tuy nhiên chính giai đoạn trung tính này sẽ gây ra nhiều sự nhiễu loạn bất thường của thời tiết. La Nina sẽ bắt đầu từ cuối tháng 6 và chuyên gia Nguyễn Ngọc Huy dự đoán năm nay sẽ là năm La Nina diễn ra rất mạnh với giá trị từ -1 đến -1.5.
Cụ thể, La Nina diễn ra cực đoan từ tháng 9, dự báo mạnh hơn năm 2020 (năm mà La Nina gây ra lũ lụt lớn ở Việt Nam). Với kịch bản La Nina xuất hiện, phát triển như dự báo trên sẽ gây ra thời kỳ mưa, bão ở Việt Nam.
Đặc biệt, tháng 9,10, La Nina sẽ gây nhiều ảnh hưởng tới Nghệ An, Quảng Bình, Quảng Trị, Huế
Tháng 10,11 có thể gây ra mưa cực đoan, dồn dập ở Huế, Đà Nẵng. Tới tháng 12, La Nina được dự đoán sẽ gây ảnh hưởng lớn tới khu vực phía Nam và Nam Trung Bộ. Khi La Nina xuất hiện, ít nhất 10 cơn bão sẽ đi vào khu vực biển Đông của Việt Nam.
Ông Huy cho biết bản thân đặc biệt lo lắng về sự tác động của La Nina năm 2024 bởi số liệu cho thấy có nhiều điểm tương đồng với thời tiết của Việt Nam vào năm 1964.
Đầu tháng 11 năm 1964 từng có trận lũ lụt rất lớn ở các tỉnh phía Trung và Nam Trung Bộ. Trận lụt lịch sử đã khiến cho hơn 10.000 người chết và mất tích, hơn 80% gia súc bị chết.
Vị chuyên gia chia sẻ thêm rằng những thông tin mà mình cung cấp là dựa chia số liệu thống kê để đưa ra dự báo về xu hướng thời tiết năm nay. Ông mong rằng những dự báo sớm của mình sẽ giúp người dân sẵn sàng phòng tránh, sẵn sàng ứng phó trước thiên tai.
Theo doisongphapluat.nguoiduatin.vn
https://doisongphapluat.nguoiduatin.vn/chuyen-gia-ve-bien-oi-khi-hau-el-nino-chuyen-pha-ot-ngot-toi-lo-lang-ve-la-nina-nam-nay-a413194.html