Năm 2021, Công ty Nhựa Duy Tân đã gây ngạc nhiên cho rất nhiều người khi quyết định bán mình cho người người Thái. Lúc đó, công ty đầu ngành nhựa Việt Nam này vẫn đang làm ăn rất tốt. Năm 2019, Nhựa Duy Tân đạt doanh thu 4.478 tỷ đồng – tăng 10%, lợi nhuận đạt 181 tỷ đồng – tăng gấp 3 so với năm 2018. Năm 2020, Nhựa Duy Tân cũng mang về 4.700 tỷ đồng doanh thu, quy mô tổng tài sản khoảng 5.000 tỷ đồng.
Đến giữa năm 2021, thương vụ Nhựa Duy Tân bán 70% cổ phần cho SCG hoàn tất và có giá trị lên đến 6.400 tỷ đồng. Ngoài vài ngàn tỷ đồng trong Ngân hàng, thì phần mà Nhà sáng lập Nhựa Duy Tân giữ lại chính là mảng nhựa tái sinh với 2 công ty con Nhựa Tái Chế Duy Tân và Plascene. Nhiều người còn cho rằng, doanh nhân này đã chuẩn bị đường lui cho mình và gia đình từ lâu khi mua công ty Plascene ở Mỹ vào năm 2011.
Dù không có thông tin chính thức, nhưng nhìn vào thành phần Ban lãnh đạo của cả Nhựa Duy Tân và Nhựa Tái Chế Duy Tân có thể thấy, dường như quá trình chuyển giao của ông chủ Trần Duy Hy cho SCG đã kết thúc.
Công ty mẹ SCG đã cử ông Ông Chamornwut Tamnarnchit đến làm Tổng Giám đốc của Nhựa Duy Tân. Còn bản thân ông Hy và những cộng sự như ông Huỳnh Ngọc Thạch hay Lê Anh đều về phục vụ cho cho Nhựa Tái Chế Duy Tân. Ông Huỳnh Ngọc Thạch tiếp tục làm Giám đốc điều hành của Nhựa Tái Chế Duy Tân, còn ông Lê Anh – từ vị trí Giám đốc marketing của Nhựa Duy Tân trở thành Giám đốc Phát triển bền vững của Nhựa Tái Chế Duy Tân.
Ngoài ra, ông Lê Anh còn là gương mặt đại diện phát ngôn của Nhựa Tái Chế Duy Tân trong thời gian gần đây.
Nhựa Tái Chế Duy Tân đi những bước đầu tiên trong sự nghiệp tái chế nhựa
Năm 2019, sau khi được HSBC tài trợ vốn, Nhựa Duy Tân đã đổ 60 triệu USD để xây dựng nhà máy tái chế nhựa hiện đại bậc nhất Việt Nam tại Long An. Lúc khởi công, Duy Tân kỳ vọng, nhà máy nhựa tái chế sẽ là động lực tiếp theo của công ty, đóng góp 20 – 25% trong tổng doanh thu.
Kế hoạch đầu tư cho hoạt động của Nhà máy Nhựa tái chế Duy Tân được chia làm 3 giai đoạn. Trong đó, giai đoạn I thực hiện từ năm 2020 – 2021 với tổng đầu tư 20 triệu USD cho sản lượng 20.000 tấn/năm; giai đoạn II sẽ tiếp tục thực hiện vào năm 2022 – 2023 tổng đầu tư 20 triệu USD và đẩy mạnh sản lượng 60.000 tấn/năm; giai đoạn III từ năm 2024 với tổng đầu tư 20 triệu USD cho sản lượng 100.000 tấn/năm.
Nhà máy sử dụng công nghệ tái chế “từ chai đến chai” (bottle to bottle) đến từ châu Âu. Cho đến thời điểm này, Nhà máy đã được 23 chứng nhận về chất lượng như chứng nhận của Cục Quản lý thực phẩm và dược phẩm Hoa Kỳ (FDA), Cơ quan An toàn thực phẩm châu Âu (EFSA), các chứng nhận ISO.
Còn thực tế, do Covid-19, phải đến năm 2021, Nhà máy của Nhựa Tái Chế Duy Tân mới chính thức đi vào vận hành thương mại. Năm 2023, công suất của Nhà máy đang vào khoảng gần 40.000 tấn và DN đang có kế hoạch nâng công suất lên 60.000 tấn trong năm 2024 và chạy hết công suất 100.000 tấn vào năm 2026.
“Nhà máy chúng tôi vận hành theo tiêu chí tuần hoàn ‘3 không’, không rác thải, không khí thải, không nước thải“, ông Lê Anh giới thiệu. Nhựa Tái Chế Duy Tân còn nuôi cá koi để chứng minh mức độ sạch của nước thải ra trong quá trình sản xuất sau khi đã xử lý.
Hiện nhà máy này đang có 250 lao động. Nhà máy Nhựa Tái Chế Duy Tân chỉ bán hạt nhựa/nguyên liệu sơ cấp chứ không bán chai lọ/sản phẩm nhựa thành phẩm.
Hiện 60% sản lượng của công ty là xuất khẩu sang Mỹ – châu Âu và 12 nước khác, còn 40% tiêu thụ trong nước. Cũng theo chia sẻ của ông Lê Anh, thì khách hàng trong nước của Nhựa Tái Chế Duy Tân chủ yếu là các tập đoàn đa quốc gia – đang phải tuân các tiêu chuẩn khắt khe về bảo vệ môi trường như Coca-Cola, La Vie, Nestlé, Unilever… Ngược lại, các DN trong nước vẫn chưa quan tâm lắm đến các sản phẩm nhựa tái chế của công ty.
Plascene chuyên sản xuất bao bì công nghệ cao, hoạt động chỉ kênh B2B, chuyên phục vụ DN đang hoạt động trong các lĩnh vực dược mỹ phẩm, thực phẩm thể thao, F&B. Bao bì nhựa tái chế là một trong những thế mạnh của công ty ở Mỹ này. Nguồn hạt nhựa tái chế mà Plascene sử dụng không chỉ đến từ Nhựa Tái Chế Duy Tân mà còn từ các nguồn khác trên khắp thế giới.
Hiện Trần Duy Minh Đạt – con trai của ông Trần Duy Hy đang là Giám đốc vận hành của Plascene. Trước đây, khi vừa mới tốt nghiệp đại học ở Mỹ, Minh Đạt từng về thực tập và làm việc ở Nhựa Duy Tân. Sau khi Nhựa Duy Tân bán cho SCG và anh tốt nghiệp thạc sỹ, anh Đạt trực tiếp vận hành Plascene cho đến hôm nay.
Cũng theo ông Lê Anh, mỗi năm, Nhựa Tái Chế Duy Tân xuất vào Mỹ khoảng 5.000 tấn hạt nhựa và các loại chai nhựa/vỏ hộp tái chế được sản xuất từ nguồn nguyên liệu này đã xuất hiện trong kệ một số hệ thống siêu thị lớn tại Mỹ như Costco, WalMart.
Mặc dù nhà máy nhựa Tái Chế Duy Tân mang về công nghệ hiện đại hàng đầu thế giới – có thể tái chế đến 50 lần; nhưng vì họ đang là người tiên phong khai phá thị trường này tại Việt Nam, nên vẫn đi rất chậm. Họ mới tái chế được chai nhựa đựng nước lọc hoặc nước giải khát, chứ chưa tái chế được bọc nilon, chai nhựa hóa mỹ phẩm, hộp ly nhựa đựng thức ăn/nước uống….
Bên cạnh đó, DN này cũng mới tái chế được 1 lần, trong khi doanh nghiệp châu Âu đã tái chế từ 15 đến 18 lần.
“Việc tái chế nhiều lần không có gì khó, chỉ cần đầu tư công nghệ. Tuy nhiên, chúng tôi cũng không thể đốt cháy giai đoạn, việc tái chế 1 lần vẫn chưa làm tốt thì không thể nói đến lần 2 hoặc 3. Trong vài năm tới, chúng tôi cũng sẽ nghiên cứu tái chế bọc nilon và những rác thải nhựa khác“, ông Lê Anh tiết lộ.
Dù là doanh nghiệp hàng đầu Việt Nam về nhựa tái chế, nhưng Nhựa Tái Chế Duy Tân vẫn đang gồng lỗ
Nếu xét về hiệu quả kinh tế, thì nhận định nói trên của ông Lê Anh không hẳn là khiêm tốn, vì Nhựa Tái Chế Duy Tân vẫn đang ‘gồng lỗ’, thậm chí có một vài thời điểm hàng tồn nhiều, phải tạm ngưng hoạt động. “Theo kế hoạch, đến năm 2026, khi sản lượng đạt công suất thiết kế tối đa của nhà máy là 100.000 tấn/năm – chiếm 2,5 đến 3% lượng rác thải nhựa của Việt Nam, thì chúng tôi mới có thể đạt điểm hòa vốn“, ông Lê Anh cho biết thêm.
Không quá khó để tìm nguyên nhân khiến doanh nghiệp này vẫn chưa hòa vốn, bởi họ có ít khách hàng so với kỳ vọng – nhất là tệp khách hàng trong nước.
Như đã nói ở trên, hiện tại, tệp khách hàng trong nước chủ yếu của Nhựa Tái Chế Duy Tân là các công ty đa quốc gia. Tuy nhiên, để mở rộng tệp khách hàng này rất khó khăn.
Dù họ đã có tới 23 chứng chỉ an toàn vệ sinh cũng như chất lượng khác nhau, nhưng để có thêm một khách hàng mới phải mất từ 1 đến 2 năm. Sau khi tiếp xúc, đối tác thường yêu cầu Nhựa Tái Chế Duy Tân cung cấp mẫu để đưa về công ty mẹ kiểm tra lại nhiều lần theo đúng quy trình tiêu chuẩn của họ. Ngoài an toàn tuyệt đối cho sức khỏe, thường các công ty đa quốc gia cũng rất quan tâm đến khía cạnh chất lượng – phải ổn định theo thời gian.
Về phần doanh nghiệp trong nước, đầu tiên là chế tài ở Việt Nam về bảo vệ môi trường chưa mạnh mẽ như các nước khác, thứ hai là giá hạt nhựa tái sinh vẫn cao hơn nhựa nguyên sinh và cuối cùng là họ phải cạnh tranh với rất nhiều đối thủ lớn trong ngành bao bì tái chế cả ở trong lẫn ngoài nước.
“Hiện chúng tôi đang hợp tác với 2.000 điểm thu mua rác thải nhựa từ Đà Nẵng trở vào. Do chúng ta vẫn chưa có hệ thống phân loại rác tại nguồn, khiến tỷ lệ hao hụt cao.
Thường thì tỷ lệ hao hụt sẽ vào khoảng 40% đến 45%, nhưng nếu vào mùa mưa, tỷ lệ hao hụt sẽ cao hơn. Bởi khi nhập chai lọ dính quá nhiều đất cát bùn, nếu vẫn sử dụng để sản xuất hạt nhựa thì sẽ phải tốn rất nhiều chi phí cho việc làm sạch – tẩy trùng (như nước/điện/nhân công). Đó là còn chưa kể tới công tách vỏ và nắp ra khỏi chai. Lợi bất cập hại!
Cụ thể hơn: chỉ có 50% nguyên liệu đầu vào đủ tiêu chuẩn để làm ra hạt nhựa đạt chuẩn công nghệ bottle to bottle (rPET), phần còn lại sẽ được xử lý thành các sản phẩm giá trị thấp hơn như chai lọ đựng hóa mỹ phẩm (rHDPE), polyester dùng làm nguyên liệu cho ngành logistics/may mặc (rPP).
Vậy nên, hiện giá hạt nhựa tái chế của chúng tôi cao hơn nhựa nguyên sinh khoảng 20–25%, là rào cản lớn trong tiếp trong việc cận khách hàng“, ông Lê Anh phân tích.
Quan trọng nữa, Nhựa Tái Chế Duy Tân cũng phải cạnh tranh với các doanh nghiệp lớn trong ngành bao bì tái chế khác như SCG/ SIG. Ngoài hợp tác với Nhựa Tái Chế Duy Tân, Unilever Việt Nam cũng hợp tác với SCG – Tập đoàn có mấy chục năm kinh nghiệm trong ngành bao bì nhựa tái chế/sinh học.
Vào giữa năm 2022, SCG từng bỏ ra 78,4 triệu Euro để mua lại công ty chuyên sản xuất nguyên liệu giấy – nhựa tái chế cho ngành bao bì tên Peute của Hà Lan.
Mới đây, Nutifood đã quyết định sử dụng mẫu chai giấy DomeMini cho sản phẩm sữa dinh dưỡng cao cấp dành cho người lớn nhãn hiệu Varna. Các sản phẩm sữa Varna vốn được đóng trong chai nhựa và đây là lần đầu tiên, phiên bản sản phẩm uống liền đóng trong mẫu chai giấy DomeMin bảo vệ môi trường được giới thiệu tại Đông Nam Á.
SIG được thành lập năm 1853, có trụ sở tại Neuhausen (Thuỵ Sĩ) và được niêm yết trên sàn SIX Swiss Exchange. SIG có 9.000 nhân viên trên khắp thế giới, hoạt động ở hơn 100 quốc gia. Năm 2023, SIG sản xuất 53 tỷ túi/hộp và 3,2 tỷ Euro doanh thu giả định (bao gồm doanh thu chưa kiểm toán từ các nguồn thu gần đây).
Vậy nên, để có thể đưa Nhựa Tái Chế Duy Tân đến giai đoạn huy hoàng như Nhựa Duy Tân trước kia, gia đình ông Trần Duy Hy còn cả chặng đường dài để chinh phục.
Theo An ninh Tiền tệ